Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống...
Lãi suất có chịu sức ép từ tỷ giá?
- Cập nhật : 02/09/2015
(Tai chinh)
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời điểm này, ngân hàng không cần tăng cũng chẳng cần giảm lãi suất huy động
Điều chỉnh tỷ giá tác động đến lãi suất?
Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà cho biết, sau cuộc họp của NHNN với các NHTM, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, phù hợp tình hình thực tế, đặc biệt, việc NHNN bán số lượng lớn ngoại tệ can thiệp, hỗ trợ thanh khoản, thị trường ngoại tệ đã nhanh chóng ổn định trở lại và đã có những chuyển biến hết sức tích cực trong hai ngày qua.
Nhưng khi tỷ giá đã dần đi vào quỹ đạo, xuất hiện một vấn đề khiến thị trường lại băn khoăn, đó là việc điều chỉnh tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến lãi suất. Bởi, thường sau mỗi lần điều chỉnh tỷ giá, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất sẽ tăng.
Nhưng theo TS Trần Hoàng Ngân – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc điều chỉnh tỷ giá lần này tác động không mạnh đến lạm phát. Hiện lạm phát đang ở mức rất thấp, mà lãi suất chịu ảnh hưởng của nhân tố này. Vì vậy, điều chỉnh tỷ giá lần này không tác động nhiều đến lãi suất tiền gửi.
Còn TS. Trần Du Lịch thì cho rằng, dù tỷ giá có tác động lên lạm phát, mức độ ảnh hưởng sẽ không đáng kể. Trong điều kiện CPI thấp như hiện nay, nếu chỉ số này có tăng thêm 1% đi nữa thì cũng nằm trong dự kiến và tầm kiểm soát của Chính phủ là dưới mức 5%.
Phân tích trên khía cạnh lý thuyết, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khi NHTW nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc NHTW sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Về nguyên tắc lãi suất sẽ giảm chứ không tăng. Do đó, lãi suất sẽ không chịu sức ép tăng từ tỷ giá.
Thời điểm này, qua quan sát của phóng viên, các NH vẫn chưa có động tĩnh đối với biểu lãi suất. Chia sẻ với phóng viên, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho hay, tỷ giá ổn định thì mặt bằng lãi suất cũng sẽ được NH duy trì ổn định.
Lãnh đạo một NHTMCP khác cho biết thêm, NH này vẫn giữ mức lãi suất huy động (LSHĐ) như hiện nay. Vì NH đã điều chỉnh tăng lãi suất từ cách đây vài tháng để “hút” vốn cho kế hoạch kinh doanh cuối năm. Thời điểm này, vốn khả dụng của NH vẫn duy trì khá tốt.
Theo báo cáo hoạt động NH trong tuần từ ngày 17 đến 21/8/2015, LSHĐ bằng VND tiếp tục ổn định. LSHĐ bằng VND phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Còn kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Có nhất thiết phải tăng lãi suất
Không nhất thiết phải tăng LSHĐ thời điểm này bởi áp lực đối với lãi suất không nhiều là nhận định của chuyên gia NH TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Ông phân tích: Dù đồng USD đang dần lấy lại sự chú ý đối với người dân nhưng lãi suất loại ngoại tệ này rất thấp. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi VND vẫn đang đảm bảo thực dương. Còn các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa hồi phục bền vững, nên chưa thể xảy ra sự dịch chuyển lớn từ tiền gửi tiết kiệm sang kênh đầu tư khác. Không cần phải tăng nhưng trong thời điểm này, NH cũng không nên có sự điều chỉnh giảm lãi suất dù là rất nhỏ. Nếu làm vậy, ông Hiếu e rằng rất có thể xảy ra việc chuyển dịch dòng tiền từ NH sang kênh đầu tư khác.
Cùng chung quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NH không cần tăng cũng chẳng cần giảm LSHĐ. Vì trong bối cảnh người dân đang lo ngại sự mất giá của tiền đồng, nếu giảm lãi suất chắc chắn kênh tiết kiệm không còn là ưu tiên số 1 của họ nữa.
Cũng bởi vậy, thăm dò thị trường là cách nhiều NH đang thực hiện. Nếu tăng LSHĐ ngay sẽ giúp NH giữ chân được khách hàng, song mặt trái của nó là NH sẽ phải tăng lãi suất cho vay. Đây là điều NH không hề muốn. Vì NH vẫn đang cố gắng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Nếu phải tăng LSHĐ mà vẫn giữ nguyên lãi suất đầu ra thì NH lại rơi vào tình huống khó khăn do lãi biên vốn đang thấp lại thấp hơn thì NH sẽ không đảm bảo bù đắp chi phí, thậm chí rơi vào tình cảnh càng cho vay càng lỗ.
Nhất là trong thời điểm này, NH đang tích cực xử lý nợ xấu, theo TS. Cấn Văn Lực thì họ lại càng cần đảm bảo lợi nhuận để có nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro
Tuy năm nay huy động tăng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, nhưng lãnh đạo một NHTMCP cho biết, nguồn vốn huy động của NH vẫn dồi dào. Nhất là huy động vốn trung dài hạn cải thiện rõ rệt dù LSHĐ chưa tăng nên NH không lo thiếu vốn cho vay từ nay đến cuối năm.
Do vậy, vị này lạc quan, nếu chính sách tỷ giá ổn định, lạm phát ở mức thấp, người dân tin tưởng vào điều hành chính sách tiền tệ, NH không cần phải tăng lãi suất mà vẫn hút được vốn.
Xét ở góc độ thị trường, vị này cho rằng, lãi suất có tăng hay không còn tùy thuộc vào cung - cầu. Nếu nhu cầu vay vốn tăng cao mà cung vốn chưa đáp ứng được thì NH mới phải tính đến chuyện điều chỉnh lãi suất.
Phó tổng giám đốc NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: chúng tôi duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay. Nếu huy động tiền gửi tiết kiệm có dấu hiệu chững lại hoặc giảm đi thì có thể NH điều chỉnh nhẹ LSHĐ, nhưng không điều chỉnh lãi suất cho vay.
Với tình hình như hiện nay, theo phân tích của nhiều chuyên gia khả năng giảm LSHĐ là không còn. Như vậy, việc giảm lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung dài hạn như mong muốn của NH cũng rất khó để thực hiện được. Bởi thị trường ngày càng có nhiều biến động với những yếu tố không nằm trong sự kiểm soát của NH. Tại cuộc họp mới đây, Thống đốc cũng khẳng định NHNN sẽ không điều chỉnh tăng lãi suất, điều này giúp các DN yên tâm phần nào cho kế hoạch kinh doanh sắp tới.
Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới, trong nước còn phức tạp, TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là rất tốt rồi. Hiện tại, NHNN đang vừa phải bình ổn tỷ giá, mặt khác lại phải giữ lãi suất không tăng lên. Thị trường khó có thể đòi hỏi một chính sách hoàn hảo cho tất cả các thành viên.
Sau vài ngày chịu áp lực từ tâm lý thị trường, tỷ giá đã ổn định trở lại. Nhiều NH tiếp tục điều chỉnh giảm thêm giá mua – bán USD của mình. Một mặt bằng giá mới được thiết lập. Tính đến chiều ngày 28/8 tỷ giá được các NHTM niêm yết quanh mức 22.430 - 22.490 đồng/USD. Với DN, họ cho rằng việc NHNN điều chỉnh tỷ giá là cần thiết. Các DN đều xác định phải chủ động trước những biến động của thị trường.
Ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera:
Với việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN, theo tôi đây là động thái chủ động và nhanh nhạy, cần thiết trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Việc tỷ giá tác động tới DN xuất nhập khẩu là điều chắc chắn. Có thể thấy ngay lợi ích đối với các DN xuất khẩu sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi tiền đồng lên giá thực so với đô la Mỹ cũng như so với phần lớn ngoại tệ khác trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá biến động có lợi cho xuất khẩu, nhưng lại là nỗi lo lắng của các DN nhập khẩu.
Theo tôi, điều này không hoàn toàn đúng. Với mặt bằng tỷ giá mới, các mặt hàng sản xuất tiêu thụ trong nước cũng phải nỗ lực tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, giúp cho DN tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Việc này giúp thúc đẩy sản xuất nội địa và xuất khẩu, giảm nhập siêu, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Ông Võ Anh Tú, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ Hàng không Bắc Nam:
Tác động tới DN xuất nhập khẩu thì có, nhưng cũng tuỳ thuộc vào từng ngành hàng. Nếu DN xuất khẩu những nguyên liệu, vật tư dạng thô mà chúng ta lại phải nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất thành phẩm rồi mới xuất được thì cũng chưa đánh giá được là điều chỉnh tỷ giá hoàn toàn có lợi cho xuất khẩu. Hàng hoá của Trung Quốc trên toàn thế giới sau động thái giảm giá mạnh CNY sẽ giảm ước tính từ 5-10%.
Đây cũng là một trong những cách thức của Trung Quốc giải quyết hàng tồn kho, nên các hoạt động của DN khác có khả năng lớn là sẽ bị ép giá xuống... Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá vừa qua là chủ trương đúng đắn và kịp thời.
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu thì các DN phải tập trung vào xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin về thị trường xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, đa dạng kênh phân phối, quan tâm tới việc quảng bá, tiếp thị thương hiệu Việt trên thị trường nhằm thu hút các thị trường mới, giàu tiềm năng.
Ông Thái Bình, Giám đốc Công ty XNK Nam Đô:
Là công ty trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối các thiết bị, máy móc trong lĩnh vực y tế, tuy không phải là ngành xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng bản thân chúng tôi cũng xác định rằng, thị trường sẽ luôn có những biến động, và dù biến động lớn hay nhỏ thì đều tác động tới DN, chứ không riêng gì DN xuất khẩu hay nhập khẩu. Vì vậy, theo tôi, DN nên chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, định hướng trong quy hoạch, sản xuất để ổn định chứ không nên “đổ” cho lý do tỷ giá biến động.
Ông Nguyễn Nhật Hùng Giám đốc Công ty TNHH Direkt Á Châu:
Việc NHNN nới biên độ cũng như điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD, trước mắt rất có lợi đối với DN xuất khẩu như Công ty TNHH Direkt Á Châu (Ba Đình, Hà Nội). Có thể nói, chúng tôi đang được hưởng lợi do chênh lệch tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu được 10 đơn hàng với các đối tác nước ngoài trị giá khoảng trên 130.000 USD. Từ nay đến cuối năm, dự kiến công ty sẽ thực hiện một số đơn hàng có giá trị lớn hơn...
Nhìn chung trước mắt tỷ giá tăng sẽ có lợi đối với DN xuất khẩu nhưng lại bất lợi đối với các DN nhập khẩu. Trên thực tế, nhiều ngành hàng phải nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ nước ngoài sẽ chịu tác động lớn bởi giá USD tăng. Ngược lại, đối với các ngành xuất khẩu lớn như thủy sản, lương thực… thì khoản chênh lệch từ tỷ giá là khá lớn. Do đó, tôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, DN cần chủ động điều chỉnh các phương án kinh doanh để có những giải pháp đối phó khi thị trường trong và ngoài nước có biến động.
Nhóm PV chuyên đề