“Giảm giá tiền đồng có thể sẽ tốt cho Việt Nam. Giờ là lúc Việt Nam cần tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu một chút”...
Ông Trương Văn Phước: 'Đừng hốt hoảng khi nhân dân tệ phá giá'
- Cập nhật : 15/08/2015
(Tin phap luat)
Chiến tranh tiền tệ sẽ không nổ ra và đồng nhân dân tệ mất giá vài phần trăm mấy ngày qua tác động không lớn tới tổng thể kinh tế Việt Nam, theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Trao đổi với VnExpress chiều qua, sau khi Trung Quốc phá giá ngày thứ ba liên tiếp, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nhận định có 3 kịch bản cho số phận đồng nhân dân tệ những ngày tới. Tuy nhiên, cá nhân ông tin đồng tiền này sẽ không mất giá thêm nữa và sớm quay đầu tăng trở lại.
Ông Trương Văn Phước từng nhiều năm nghiên cứu, tham mưu điều hành tỷ giá và trực tiếp tham gia giao dịch hối đoái quốc tế, trải qua các vị trí Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ của Vietcombank, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), Tổng giám đốc Eximbank trước khi được bổ nhiệm Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: Quý Đoàn
- Nguyên cớ nào khiến Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp trong 3 ngày qua, theo nhìn nhận của ông?
- Tôi thấy có hai nhóm nguyên nhân mà thế giới cũng đang tương đối thống nhất chỉ ra, đó là Trung Quốc vừa muốn xử lý các khó khăn nội tại của nền kinh tế đồng thời thực hiện ước mơ quốc tế hoá đồng nhân dân tệ.
Để cắt nghĩa rõ ràng hơn diễn biến 3 ngày qua, chúng ta cần nhìn lại cả câu chuyện dài 21 năm Trung Quốc điều hành tỷ giá hối đoái. Năm 1994, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ xấp xỉ 40%, xuống mức một đôla Mỹ đổi 8,28 nhân dân tệ, và bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái cố định. Dưới góc nhìn của các nước phương Tây, đây là một kiểu trợ giá trá hình thông qua tỷ giá. Trong vòng 10 năm đằng đẵng sau đó, với lợi thế của đồng tiền giá rẻ, Trung Quốc đã cưỡng chiếm thị trường hàng hoá thế giới, thu về thặng dư thương mại khổng lồ và dự trữ ngoại tệ tăng vùn vụt lên trên 3.500 tỷ USD. Cùng thời gian đó, các nước phương Tây gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà máy, phân xưởng của họ đã dời tới Trung Quốc để hưởng lợi thế về hối đoái và nhân công rẻ. Vì vậy, họ đã liên tục gây sức ép, buộc Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ.
Ngày 1/7/2005, Trung Quốc phải tuyên bố từ bỏ chế độ tỷ giá hối đoái cố định để bước sang một cơ chế mà họ gọi là tỷ giá hiện đại. Theo đó, hằng ngày Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng, đồng thời ấn định biên độ +/-1% (mà sau này nâng lên +/-2%) để tỷ giá trên thị trường dao động xung quanh. Cơ chế này duy trì từ đó đến gần đây. Tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đôla Mỹ từ mức 1 USD đổi 8,28 nhân dân tệ trước 2005 đã tăng lên 1 USD đổi được 6,11 nhân dân tệ vào đầu năm nay.
Như vậy trước đòi hỏi của các nước phương Tây, 10 năm qua Trung Quốc phải để nhân dân tệ tăng giá trên 35% so với đôla Mỹ. Các nước phương Tây chưa hài lòng với mức tăng đó, họ tiếp tục gây sức ép vì thấy Trung Quốc vẫn thặng dư thương mại lớn, tăng trưởng ở mức cao.
Nhưng thực tế là Trung Quốc đang gặp khó khăn sau 10 năm nhân nhượng, chi phí lao động tăng lên gấp nhiều lần, cấu trúc thị trường tài chính có nhiều vấn đề, thị trường chứng khoán mất giá trên 30% trong mấy tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin và rút hàng trăm tỷ đôla, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và xuất khẩu lần đầu tiên đã suy giảm trong tháng 7 vừa qua.
Dù khó khăn như vậy, Trung Quốc vẫn đeo đuổi giấc mơ trở thành tay chơi lớn trên sân khấu tài chính, kinh tế thế giới. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đang thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể đưa nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền tự do chuyển đổi, được sử dụng trong thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của các nước, và đặc biệt được tham gia vào nhóm có quyền rút vốn đặc biệt của IMF tương tự như đôla Mỹ, bảng Anh, euro hay yen Nhật. Một trong các điều kiện IMF đưa ra là Trung Quốc phải bỏ cơ chế tỷ giá hối đoái đang áp đặt với đồng nhân tệ, để đồng nhân dân tệ được quyết định bởi cung cầu thị trường.
Vậy làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của IMF? Trung Quốc suy luận rằng muốn vậy thì tôi sẽ linh hoạt theo thị trường. Hôm trước tôi đặt một đôla Mỹ đổi được 6,11 đồng nhân dân tệ, nay tôi để linh hoạt thì thị trường xác định giá là 6,2298. Tôi sẽ lấy mức 6,2298 này làm tỷ giá mở cửa giao dịch ngày hôm sau. Và cứ tiếp tục như vậy, sau khi tăng 1,9% sẽ là 1,6% và rồi 1,1%, tất cả đều là do thị trường quyết định, chứ không phải do tôi can thiệp, ấn định.
Như vậy, bằng việc phá giá đồng nhân dân tệ, Trung Quốc đã bắn một mũi tên trúng hai đích, vừa đáp ứng yêu cầu của IMF, vừa xử lý được các vấn đề nội tại của nền kinh tế mà không lo công kích từ các nước phương Tây. Tất nhiên, các nước không mặc nhiên chấp nhận giải thích đó của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ - Obama vào tháng 9 tới.
Thông cáo của IMF phát đi sau khi Trung Quốc tuyên bố áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi cũng cho thấy một mặt họ ghi nhận cơ chế tỷ giá mới nhưng còn phải theo dõi cơ chế đó được hiện thực hoá trên thị trường như thế nào. Điều đó ám chỉ rằng IMF muốn xem Trung Quốc có can thiệp ngầm để chi phối, tạo ra cái gọi là tỷ giá thị trường hay không.
- Vậy theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ tới bao giờ?
- Tôi cho rằng sẽ có 3 kịch bản xảy ra với đồng nhân dân tệ trong những ngày tới. Kịch bản thứ nhất, Trung Quốc sẽ theo đuổi đến cùng cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi. Với kịch bản này, người ta sẽ phải giải đáp câu hỏi đồng nhân dân tệ sẽ đi về đâu dưới tác động của thị trường? Kịch bản thứ hai trung hoà hơn, Trung Quốc sử dụng dự trữ ngoại hối can thiệp để đồng nhân dân tệ không lên cao như 10 năm qua, nhưng cũng không mất giá quá khiến các nước phương Tây nổi giận. Kịch bản thứ ba là trở lại con đường cũ, áp dụng cơ chế tỷ giá cố định bất chấp công kích của các nước phương Tây.
Trung Quốc đi theo kịch bản nào là vấn đề tương đối nhạy cảm, đặc biệt đặt trong bối cảnh Mỹ sắp công bố các chỉ số quan trọng, mà dựa vào đó có thể dẫn tới quyết định tăng lãi suất đồng đôla. Theo cảm nhận rất cá nhân của tôi, có thể Trung Quốc không thực hiện kịch bản thứ ba, bởi họ không dễ để các nước phương Tây cười nhạo là suy nghĩ hời hợt, không cẩn trọng trong thay đổi chính sách kinh tế trọng yếu của quốc gia. Có thể họ sẽ kết hợp kịch bản thứ nhất và kịch bản thứ hai theo một liều lượng thích hợp. Họ sẽ chấp nhận thị trường nhưng cũng không để thị trường quá hồn nhiên, quá tự do. Họ sẽ có cách làm cho cơ chế tỷ giá hối đoái mới đạt mục tiêu dung hoà tất cả đòi hỏi của các bên.
- Nhiều học giả phương Tây cho rằng Trung Quốc phá giá có thể khơi mào cho chiến tranh tiền tệ. Còn ông nghĩ sao?
- Thuật ngữ chiến tranh tiền tệ xuất hiện trong vòng 5-7 năm nay, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ xảy ra ở Mỹ, châu Âu. Qua việc dùng thuật ngữ đó, người ta muốn đề cập tới câu chuyện dùng tỷ giá hối đoái như một vũ khí huỷ diệt để giành lấy sự tồn tại của đất nước mình bằng cách xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường hàng hoá thế giới. Nhưng tôi không cho rằng việc nhân dân tệ phá giá sẽ khơi mào cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới. Chúng ta đều biết, ngày nay trong thế giới đa cực và phụ thuộc lẫn nhau, không một quốc gia nào có thể đơn phương sử dụng công cụ kích hoạt trào lưu huỷ diệt nền kinh tế thế giới.
Nói chiến tranh bùng nổ, có thể đúng nếu tách rời câu chuyện cán cân thương mại và vũ khí cạnh tranh là tỷ giá hối đoái. Nhưng nền kinh tế và tài chính quốc gia không đơn giản như thế, nó chịu ảnh hưởng bởi vô vàn biến số vĩ mô như một ma trận tác động chằng chịt, qua lại. Một quốc gia muốn phá giá tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu thì phải tính giá trị đối ngoại của đồng tiền sẽ thế nào, lạm phát sẽ ra sao. Một khi giá trị đối ngoại của đồng tiền sụt giảm thì lạm phát tăng cao, và khi đó lãi suất cũng tăng cao, làm đội chi phí sản xuất và cuối cùng lại ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu. Trong một thế giới vay mượn lẫn nhau, dòng vốn chu chuyển như thế thì làm sao cứ mãi phá giá được. Thế giới này đâu chỉ có mỗi chuyện tôi bán hàng cho anh, và vì thế tôi dùng khẩu súng tỷ giá bắn các anh chết hết để rồi dân anh phải mua hàng của tôi.
Chúng ta có thể chia sẻ cảm xúc, tư duy của các học giả khi nhìn nhận về diễn biến hiện nay, nhưng nếu nói phá giá nhân dân tệ sẽ khơi mào chiến tranh tiền tệ thì tôi không tin Trung Quốc làm như vậy. Chỉ có thể nói rằng Trung Quốc đã sử dụng tỷ giá để đi một nước cờ chiến lược, vừa gây khó khăn cho đối phương, vừa đảm bảo vị thế cho mình và qua đó tái lập thế cân bằng trên bàn cờ.
- Vậy theo ông, Việt Nam nên ứng xử thế nào trước nước cờ này của Trung Quốc?
- Như tôi đã nói, câu chuyện tỷ giá Trung Quốc phải nhìn xuyên suốt 21 năm qua chứ không nên cắt khúc trong mấy ngày gần đây. Mọi người cứ nói nhân dân tệ mất giá, thì đúng 3 ngày qua là như vậy, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 4,6% so với đôla Mỹ. Nhưng sao chúng ta quên mất đồng nhân dân tệ đã tăng giá 35% so với đôla Mỹ trong cả thập kỷ qua. Và trong chừng ấy năm, đồng Việt Nam cũng mất giá mấy chục phần trăm so với đôla Mỹ. Năm 2005, một đôla Mỹ đổi được 15.500 đồng tiền Việt, so với hôm nay thì đồng Việt Nam đã mất giá hơn 40%. Như vậy, cộng lại thì đồng Việt Nam đã mất giá hơn 70% so với nhân dân tệ. Nếu trừ cả chênh lệch lạm phát giữa hai nước thì ít ra đồng Việt Nam vẫn có lợi thế khoảng 50% so với nhân dân tệ.
Ở đây cần đặt vấn đề ngược lại là tại sao đồng tiền của chúng ta mất giá nhanh hơn nhân dân tệ, vậy mà 10 năm qua chúng ta vẫn nhập siêu từ Trung Quốc? Hay nói cách khác, tỷ giá không phải là nhân tố quan trọng nhất dẫn tới tình trạng nhập siêu trong thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói như vậy để thấy rằng chúng ta phải hết sức bình tĩnh trước động thái điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Để tìm lời giải cho bài toán nhập siêu, cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta cần phân tích các nguyên nhân khác nữa ngoài vấn đề tỷ giá. Vả lại khi nói tới xuất siêu hay nhập siêu, chúng ta cần xem tổng thể cán cân thương mại với hàng loạt đối tác để xem Trung Quốc chiếm tỷ trọng như thế nào, chứ không phải đặt ra câu hỏi Trung Quốc phá giá như vậy thì Việt Nam phải phá giá bao nhiêu và ngược lại.
* Cơn đau đầu của Việt Nam khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ
- Thực tế thì Việt Nam đã có phản ứng đầu tiên là nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 2%. Vậy theo ông tại sao Ngân hàng Nhà nước chọn quyết định nới biên độ mà không tăng tỷ giá, dù kết quả của 2 phương án này cuối cùng vẫn là cho phép tỷ giá trên thị trường dâng lên một mức cao hơn?
- Trước hết xin đặt lại vấn đề chúng ta có phá giá tiền đồng được không? Được chứ. Ta hoàn toàn có thể phá giá tiền đồng vì mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng chúng ta có đo lường được hiệu quả trong tăng xuất khẩu và di chứng cho những phần còn lại của nền kinh tế khi phá giá đồng tiền?
Phá giá đồng tiền trong bối cảnh nhập khẩu tràn vào Việt Nam với một tỷ giá cao như thế sẽ thổi bùng lạm phát. Và khi lạm phát bùng lên sẽ kéo theo bất ổn vĩ mô, điều mà chúng ta đã thấm thía rút kinh nghiệm mấy năm qua. Rồi khi chúng ta phá giá đồng tiền, khả năng trang trải nợ công của chúng ta sẽ thế nào? Tăng tỷ giá sẽ kích hoạt lạm phát, mà lạm phát dâng cao thì lãi suất có thể đứng yên thế này không? Và nên nhớ điều này, tỷ giá hay lạm phát là tấm gương để các nhà đầu tư nước ngoài soi chiếu một đất nước có đủ độ tín nhiệm và an toàn để rót vốn vào hay không. Nói như vậy để thấy rằng không thể trả lời riêng lẻ câu hỏi phá giá tiền tệ để tăng khả năng xuất khẩu, mà cần xem xét những ràng buộc khác để giải bài toán tối ưu hoá nền kinh tế.
Từ đầu năm, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố ổn định tỷ giá trong khoảng tăng không quá 2% và thực tế tỷ giá đã được điều chỉnh hết mức này. Chúng ta đang nỗ lực lấy lại niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước nới biên độ thay vì tăng tỷ giá là một quyết định thông minh để giải quyết tình huống phát sinh trong ngắn hạn mà chưa thể nhìn thấy rõ ràng kịch bản tiếp theo của đồng nhân dân tệ.
- Nhưng Việt Nam nên làm gì nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục phá giá trong những ngày tới?
- Cam kết ổn định tỷ giá của Việt Nam được xây dựng dựa trên bối cảnh lạm phát thấp, lãi suất thấp, xuất khẩu phục hồi và kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn. Nhưng chúng ta, và cả thế giới không tiên liệu được Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thế này. Thời gian vừa rồi, cả thế giới chỉ quan tâm Mỹ có tăng lãi suất hay không sau cuộc họp tháng 9 tới, không thấy ai đề cập tới đồng nhân dân tệ, vốn dĩ đã ngủ yên một giấc dài 10 năm qua.
Như tôi đã phân tích ở trên, với điều kiện Việt Nam hiện tại thì không tới mức phải quá lo sợ và hoảng hốt khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Nhưng chúng ta phải theo dõi thêm phản ứng của thế giới và xem Trung Quốc có thể làm gì trong các kịch bản chúng ta đã phác thảo ra, để từ đó có đối sách phù hợp. Một trong những đối sách phù hợp là đừng vì đã cam kết mà không nghĩ tới việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà không dám mở rộng biên độ thêm nữa.
Chúng ta nên cùng nhau suy nghĩ như thế để tạo ra một bầu không khí đồng thuận, để xây dựng một môi trường mà ở đó các chính sách có thể thay đổi phù hợp với biến động của nền kinh tế thế giới vốn vô cùng biến động này. Việt Nam đã có lịch sử mấy nghìn năm sống cạnh nước láng giềng như Trung Hoa. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm ứng xử với những gì xảy ra trên Biển Đông 2 năm gần đây. Câu chuyện Biển Đông đang ánh xạ trên diễn biến tỷ giá đồng nhân dân tệ. Với kinh nghiệm đó, chúng ta cần bình tĩnh, tạo đồng thuận của xã hội và xem việc đồng nhân dân tệ mất giá cũng giống như giàn khoan đẩy đưa ở ngoài khơi mà thôi.
Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ không mất giá thêm nữa và sớm quay đầu tăng giá trở lại. Thực tế từ chiều 13/8, sau động thái can thiệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đồng nhân dân tệ đã bắt đầu tăng giá. Và chúng ta sẽ có thêm thời gian thêm để tính toán một cách tương đối dài hơi nhiều bài toán kinh tế vĩ mô trong đó có bài toán tỷ giá hối đoái.