Trong thế bí, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bất ngờ tung ra đòn quyết định nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế u ám. Liệu pháp sốc này khiến thế giới lo ngại nó sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ, nhất là tại châu Á, nơi được xem là động lực mới của nền kinh tế thế giới.
Bình tĩnh, cẩn trọng, tránh lao vào cuộc đua phá giá nội tệ
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tin kinh te)
Những động thái tiếp theo của Trung Quốc với đồng nhân dân tệ chưa biết sẽ ra sao? Ở mỗi biên độ tỷ giá có một tác động khác nhau nên chưa thể nói cần phải làm gì trong trường hợp này. Nếu ứng phó ngay lập tức dễ dẫn đến tình trạng bị cuốn vào cuộc đua phá giá đồng nội tệ.
Lãnh đạo Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) đã chia sẻ như trên với Vinanet sau ba ngày Trung Quốc liên tiếp phá giá nội tệ ở mức 4,6%.
Tính đến ngày 13/8, tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ từ 6,3306 nhân dân tệ/USD xuống 6,4010 nhân dân tệ/USD. Động thái này của Trung Quốc khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định nới rộng biên độ tỉ giá từ +/-1% lên +/- 2% nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, giới tài chính và nhà sản xuất vẫn lo ngại tình trạng nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc.
Thực tế, khi Trung Quốc chưa phá giá thì những năm gần đây, Việt Nam vẫn nhập siêu từ thị trường này.
Trao đổi với Vinanet chiều 13/8, một lãnh đạo Vụ Châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) khẳng định, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc so với đầu năm có dấu hiệu lạc quan hơn, đặc biệt đối với một số hàng nông sản. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, không thể loại trừ tình trạng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng như thế nào vị đại diện này cho rằng cần phải nghiên cứu mới có đánh giá cụ thể.
“Những động thái tiếp theo của Trung Quốc với nhân dân tệ chưa biết họ đã dừng hay chưa, ở mỗi biên độ tỷ giá có một tác động khác nhau nên chưa thể nói cần phải làm gì trong trường hợp này. Nhiều người lo ngại tình trạng nhập siêu nhưng cứ phải bình tĩnh, thận trọng”, vị này nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vụ Châu Á – Thái Bình Dương cũng cho hay, không chỉ Bộ Công Thương mà còn cần nhiều cơ quan nhà nước vào cuộc, nếu ứng phó ngay lập tức dễ dẫn đến tình trạng bị cuốn vào cuộc đua phá giá đồng nội tệ. Vụ đang đánh giá tình hình và trình lên Bộ, sớm nhất trong tuần sau nữa có câu trả lời.
“Không thể nước bạn phá giá mình cũng phá giá theo, như vậy thì quá nguy hiểm. Ngay bản thân Trung Quốc cũng phải cân đo đong đếm có nên phá giá hay không? Bởi vì ngoài những lợi ích đạt được, thời gian tới Trung Quốc sẽ phải chịu hệ quả. Quan điểm của tôi là cứ bình tĩnh quan sát và nghiên cứu”, lãnh đạo Vụ Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định.
Vị này đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, nhà sản xuất cần phải nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ và giá thành đảm bảo.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR cho rằng biện pháp phá giá nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra chỉ mang tính chất tình thế. Với tham vọng cải cách nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành kinh tế, nâng cấp ngành công nghiệp Trung Quốc thì phá giá sẽ tạo ra quán tính không tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.
Cũng theo ông Thành, phá giá Trung Quốc giúp doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng gia công chế biến sẽ được hưởng lợi lớn vì đầu nhập khẩu từ Trung Quốc vào chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, gây áp lực cho doanh nghiệp phải đổi mới năng lực cạnh tranh, công nghệ để gia nhập vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực.
Về vấn đề này, trao đổi với Vinanet, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Cục đang nghiên cứu, xem xét. Sau khi nghiên cứu tác động của đồng nhân dân tệ phá giá đến Việt Nam sẽ đưa ra biện pháp điều hành, báo cáo lên Bộ Công Thương rồi thông tin lại cho doanh nghiệp.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu 16,5 tỉ đô la Mỹ từ Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam nhập chủ yếu từ Trung Quốc máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2015 lên gần 13,96 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,35 tỷ USD, sắt thép đạt 4,1 triệu tấn, tăng mạnh 77,3%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 7,73 tỷ USD tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014.