tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nợ xấu, mua xong để làm gì?

  • Cập nhật : 07/03/2016

(Tai chinh)

Năm 2016, các ngân hàng thương mại cho biết sẽ tiếp tục dồn lực xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Theo thông lệ quốc tế, giới nhà băng sẽ mất từ 5-7 năm để xử lý nợ dứt điểm. Còn với Việt Nam, có hay không chuyện khối nợ cả trăm ngàn tỷ được mua xong rồi để đấy?

moi hon 10% no xau mua ve quay tro lai thanh tien that. anh: nhu y.

Mới hơn 10% nợ xấu mua về quay trở lại thành tiền thật. Ảnh: Như Ý.

VAMC chỉ là người giữ hộ

Năm 2015, cánh phóng viên ngân hàng có “mục sở thị” một khoản nợ xấu ngân hàng của doanh nghiệp Thép Vạn Lợi tại Hải Phòng. Trong khu nhà máy rộng lớn khoảng 25 ha, đập vào mắt những người có mặt là cảnh nhà xưởng để hoang, máy móc gỉ sét, không một bóng người; dây chuyền nhà máy luyện phôi thép với công suất 600.000 tấn/năm và nhà máy luyện gang công suất 300.000 tấn/năm có tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng thì “đắp chiếu” trở thành một đống hoang phế.

Một cán bộ Vietcombank khi đó cho hay: đã 4 năm nay, công tác thu hồi nợ của Vietcombank và Agribank bế tắc, bởi Công ty Thép Nam Đô (thuộc Thép Vạn Lợi) gần như không hợp tác. Và dù vật vã bao lần đi lại, đàm phán, kiện tụng… hai nhà băng này “chịu cứng”, không thu được đồng nào từ 100 tỷ đồng gốc vay còn lại (chưa kể lãi). Khoản nợ - theo đại diện Vietcombank, ngân hàng chưa bán cho VAMC (công ty khai thác quản lý tài sản) mà vẫn kiên trì “xoay xở”; thậm chí còn có ý định hỗ trợ để làm sao cho doanh nghiệp này có phương án phục hồi từ đó thu hồi nợ.

Nhìn nhận câu chuyện xử lý nợ xấu này, PGS TS Trần Hoàng Ngân lưu ý với chúng tôi: VAMC không phải là đơn vị sinh ra để xử lý toàn diện nợ xấu. “Về bản chất, VAMC là người giữ hộ nợ xấu. Còn các ngân hàng mới là người phải đi xử lý nợ và phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đã bán đó hay nói chính xác, ngân hàng phải tự xử”, TS Trần Hoàng Ngân nói.

Còn theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, VAMC không được thiết kế như một công cụ xử lý nợ thực sự mà chỉ là tạm thời dùng để “khoanh, nhốt” nợ xấu lại. “Việc thu hồi nợ hay đưa con nợ ra toà, VAMC đâu có làm được. Hiện, chưa có đủ phương tiện pháp lý cho họ xử lý”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Không có chuyện xử lý… giả vờ

Thống kê của VAMC, kể từ năm 2013 bắt đầu mua nợ và tính cho đến ngày 31/12/2015, đã có 245 ngàn tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng được công ty này “gom” về. Cũng đến ngày này, mới có hơn 22,78 ngàn tỷ trong “tổng kho” nợ xấu “hồi sinh” biến thành “tiền tươi thóc thật”. Chưa kể, với những ngân hàng trích lập tốt 100% như Vietcombank; nếu thu hồi lại được thì khoản trích lập để dành hoàn toàn trở thành lợi nhuận.

“Chúng ta không nên quá kỳ vọng VAMC giải quyết được nợ xấu hoàn toàn. Việc VAMC cũng hỗ trợ các ngân hàng để thu được hơn 10% nợ xấu đã là tốt lắm rồi. Còn muốn mua được nợ xấu hay bán nợ xấu sòng phẳng thì phải có thị trường mua bán nợ”.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho hay: số nợ được thu hồi này thông qua các “kênh” đó là: bán tài sản bảo đảm (khoảng 7 ngàn tỷ) tổ chức tín dụng tự thu hồi lại được nợ của khách hàng (15 ngàn tỷ)…” Kinh nghiệm thế giới như Malaysia, Nhật Bản họ bỏ tiền ngân sách ra mua vào và chỉ cần thu hồi 30% dứt điểm số nợ là đã thành công; còn ở đây, chúng tôi không có đồng ngân sách nào nên phải nỗ lực thu hồi nợ bằng mọi cách”, ông Hùng nói.

Trước ý kiến của dư luận về việc VAMC mua nợ xong rồi để đó, trong câu chuyện với Tiền phong , ông Hùng khẳng định: “Không hề có chuyện chúng tôi xử lý giả vờ”. Bằng chứng là tính đến ngày này (4/3), số bán nợ đã tiếp tục “đổ” về tài khoản của VAMC thêm gần 3 ngàn tỷ tiền mặt. “Kế hoạch cả năm 2016, VAMC đặt mục tiêu bán và thu được từ 25-30 ngàn tỷ. Nếu hoàn thành, tức là chỉ trong 2 năm, VAMC đã cùng các tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ thu hồi về chừng 50 ngàn tỷ, chiếm hơn 20% trong tổng nợ xấu đã mua”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy có khoảng 70% trong tổng nợ xấu VAMC đã mua làtài sản thế chấp bất động sản. Năm 2016, VAMC sẽ tổ chức phân loại khoản nợ chi tiết, phân loại nợ của các tổ chức tín dụng, khoản nào phối hợp được; khoản nào đã mua. “Hiện, VAMC đang rà soát lại những vụ án đã có hiệu lực để thi hành án tiến hành. Cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự kiến mỗi nơi có chừng 30 vụ án. Tại Tây Nguyên, chúng tôi sắp cho phát mại đấu giá một khoản nợ xi măng của SHB”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Theo các chuyên gia, một quan ngại là nợ xấu có thể sẽ tiếp tục tăng lên với những khoản không thu hồi được; chưa kể những tác động từ nền kinh tế hay rủi ro tín dụng từ cho vay bất động sản đang bị cảnh báo là “nóng” lên.

Thống kê của VAMC, kể từ năm 2013 bắt đầu mua nợ và tính cho đến ngày 31/12/2015, đã có 245 ngàn tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng được công ty này “gom” về. Cũng đến ngày này, mới có hơn 22,78 ngàn tỷ trong “tổng kho” nợ xấu “hồi sinh” biến thành “tiền tươi thóc thật”.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục