Những công cụ can thiệp để của các NHTW để đối phó với tình trạng khủng hoảng đang bị hạn chế một cách nghiêm trọng khi mà mặt bằng lãi suất hay các công cụ nới lỏng định lượng – định tính đều đã được sử dụng một cách gần như tối đa.
Cơ hội nào cho ngành bảo hiểm khi đón sóng TPP?
- Cập nhật : 07/03/2016
(Kinh te)
Theo nhìn nhận của chuyên gia, khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam sẽ được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại các nước thành viên nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại.
Liên quan đến tác động của Hiệp định TPP tới ngành bảo Việt Nam, trả lời báo chí, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng cơ hội của ngành bảo hiểm là rất lớn bởi trong 11 nước tham gia TPP cùng Việt Nam đã có Australia, Canada, Nhật, Mỹ có sự hiện diện thương mại ( doanh nghiệp bảo hiểm) tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.
"Khả năng những nước này cùng với những nước còn lại sẽ có thêm doanh nghiệp bảo hiểm xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào quyết định đầu tư kinh doanh của đối tác. Về phía Việt Nam, các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại 11 nước thành viên nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại", ông Lộc nhận định.
Theo ông Lộc, những cơ hội mới sẽ đến với ngành bảo hiểm khi giao lưu thương mại, dịch vụ, đầu tư, du lịch… trong các nước thành viên được mở rộng cùng với 1 số nước ngoài TPP đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi từ TPP. Chính vì thế, đó sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp tận dụng để hội nhập.
Chỉ rõ những cơ hội của ngành bảo hiểm khi hội nhập TPP, ông Lộc lấy dẫn chứng như trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nhu cầu bảo hiểm tài sản sẽ tăng nhanh chóng khi làn sóng đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên vào Việt Nam cũng như các nước ngoài TPP đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy nhanh chóng cùng với việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ nhiều sở hữu; lộ trình cổ phần hóa 70.000 cơ sở sự nghiệp công lập cũng sẽ được thúc đẩy…, tạo thêm sân chơi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hoạt động giao thương kinh tế , văn hóa, du lịch phát triển kéo theo nhu cầu bảo hiểm. Nhu cầu bảo hiểm trách nhiệm cũng sẽ tăng cao theo tập quán của người nước ngoài và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Các loại hình bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm ô nhiễm môi trường, trách nhiệm công cộng, trách nhiệm với người thứ 3…, sẽ được phát triển, trong đó nhu cầu bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng nhanh...
Vị lãnh đạo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho biết, không chỉ bảo hiểm phi nhân thọ mà cả bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ hưởng lợi từ TPP. Theo đó, khi hội nhập, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng cao về số lượng và chất lượng.
"Thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển làm gia tăng khả năng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm từ quỹ chủ hợp đồng, hứa hẹn lãi suất hấp dẫn giúp phát triển bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị... Đặc biệt, nhu cầu bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm cho người cao tuổi sẽ tăng bởi Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh...", ông Lộc nhìn nhận.
Mặc dù ngành bảo hiểm được cho là sẽ có nhiều cơ hội, nhưng theo ông Lộc, khi vào TPP các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đối mặt với không ít trắc trở. Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam sẽ phải nắm bắt nhu cầu để phát triển các sản phẩm hoặc cải tiến các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, của thế giới như bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm công trình quy mô lớn, phức tạp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu, bảo hiểm ô nhiễm môi trường…
Hơn nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau khi số lượng doanh nghiệp cùng ngành ngày càng tăng cao và các dịch vụ bảo hiểm mang lại doanh thu hấp dẫn, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng dịch vụ khách hàng, quản lý rủi ro và phân tán rủi ro để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khi hội nhập, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại nước ngoài được bán sản phẩm qua biên giới, nếu sản phẩm bảo hiểm kém hấp dẫn hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ rất khó cạnh tranh dẫn đến nguy cơ thụt lùi rồi phá sản.
Trong lĩnh vực nhân thọ, theo ông Lộc, các doanh nghiệp sẽ phải nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm bảo hiểm có sức hấp dẫn so với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp bảo hiểm khác. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh từ khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm, quản lý hợp đồng, quản trị rủi ro, quản trị và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính để tồn tại và phát triển.
Mặc dù dự báo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không khí khó khăn khi hội nhập TPP nhưng lãnh đạo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tự tin các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta sẽ vượt qua nếu biết nắm bắt cơ hội. Theo ông, vấn đề chính vấn nằm ở doanh nghiệp bởi chỉ có họ mới hiểu được giá trị của chính doanh nghiệp mình đang trèo lái từ đó đưa ra được phương án tốt nhất để hội nhập.
"Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với các định chế tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong thu hút tiền nhàn rỗi đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ… Tuy nhiên, thách thức là vậy nhưng nếu biết nắm bắt và vượt qua, các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ", ông Lộc nhận định.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chi Lê, New Zealand và Singapore. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010.
Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi-Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP được cho là hiệp định tham vọng nhất của thế kỷ. Sau khi thực thi, cú hích tăng trưởng đối với các nước tham gia sẽ được tạo nên.
Khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra là rất lớn (có tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu) nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia.
Ngày 5/10/2015, tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định của 12 nước thành viên. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất.
Vào sáng 4/2 (giờ địa phương), tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và kinh tế của 12 nước thành viên đã đặt bút ký xác thực lời văn Hiệp định, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán.