Các chuyên gia phân tích vẫn dự báo nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá trong năm 2016 vì nền kinh tế lớn thứ hai giảm tốc.
Các ngân hàng “theo dõi” khách hàng để làm gì?
- Cập nhật : 10/03/2016
(Tin Kinh Te)
Trong quá khứ, việc giám đốc ngân hàng giám sát sự chi tiêu tiền bạc của khách hàng mỗi tháng là điều bình thường song hiện nay, mối quan hệ cá nhân như thế không còn nữa. Bây giờ, việc chi tiêu cá nhân của khách hàng được giám sát 24/24 bởi “đội quân máy móc”.
Sự ra đời của loại thẻ Chip và Pin (Chip-and-Pin cards) năm 2005 đã làm gia tăng mạnh hơn nữa khối lượng thông tin mà các ngân hàng có thể thu thập. Ngoài ra, các công ty tín dụng hiện nay có thể giám sát lịch sử duyệt web của khách hàng và nắm được mọi sự di chuyển của đối tượng trên đường phố thông qua ứng dụng smartphone.
Các ngân hàng đang khai thác sự gia tăng nhanh chóng của loại thẻ ghi nợ, smartphone và mạng xã hội như Twitter để thu thập lượng khổng lồ dữ liệu về khách hàng và gia đình. Mỗi khi thanh toán tiền tại siêu thị bằng thẻ, các chi tiết về sự chi tiêu của khách hàng đều được ngân hàng lưu lại. Do đó, ngân hàng có thể biết được khách hàng mua sắm ở cửa hàng nào, ăn uống ở nhà hàng nào và chi tiêu bao nhiêu cho quần áo. Chi tiết về tiền lương hay lương hưu cũng được thu thập để xây dựng bức tranh chính xác về hoạt động tài chính của khách hàng.
Hiện nay, các hệ thống ngân hàng lớn đều sử dụng công nghệ mới để phân tích dữ liệu cá nhân và phát hiện các cơ hội mua sắm. Hệ thống ngân hàng Santander thu thập dữ liệu thông qua dịch vụ Spendlytics, một loại ứng dụng smartphone. Lloyds Bank với dịch vụ tương tự Money Manager giúp khách hàng tiết kiệm tiền bạc. Tương tự, American Express giám sát những cửa hàng mà khách hàng của họ thường xuyên đến mua sắm và đề nghị với đối tác cửa hàng khác có giá bán thấp hơn.
Justin Modray, người thành lập trang web người tiêu dùng Candid Money, cho biết: “Sau khi ngân hàng tạo dựng được bức tranh về thói quen mua sắm của bạn, họ dễ dàng đánh giá loại thẻ tín dụng mà bạn có thể chọn hay thông báo liệu bạn có nên mua thêm bảo hiểm cho những đồ vật giá trị trong nhà hay không. Những loại công cụ quản lý như thế này xem ra rất có lợi cho nhiều khách hàng”.
Ngân hàng HS... sử dụng ứng dụng di động Nudge. Khách hàng ký tên đồng ý cho phép ngân hàng tiến hành phân tích chi tiết về thói quen chi tiêu của mình và sau đó đưa ra lời khuyên tiết kiệm thiết thực nhất. Các ngân hàng cũng bắt đầu sử dụng những kỹ thuật gián điệp mới để nhận biết thời điểm mà họ cho là khách hàng trở thành “mục tiêu mềm” trong giao dịch mua bán. Ví dụ, ngân hàng sẽ tư vấn cho ý định mua nhà hay mua bảo hiểm của khách hàng.
Ngân hàng cũng giám sát những nội dung mà khách hàng đưa lên mạng xã hội hay diễn đàn trên Internet. Ví dụ tại một ngân hàng Mỹ, đội ngũ nhân viên có thể nhìn thấy profile của khách hàng trên trang LinkedIn, 10 nội dung mới nhất của họ đưa lên Twitter và 10 giao dịch nhân hàng gần nhất.
Mục đích của ngân hàng là giúp khách hàng có lựa chọn đúng khi mua một sản phẩm. Một ngân hàng khác tìm thấy khoảng 7% khách hàng của họ hoạt động tích cực trên Twitter và 1% trong số những tweet của họ liên quan đến ngân hàng. Các giám đốc điều hành cũng xây dựng chương trình cảnh báo đến nhân viên khi khách hàng chia sẻ những chi tiết về cuộc sống hôn nhân, chuyện sinh con, công việc làm mới hay một căn nhà mới. Lúc đó, người dùng sẽ là mục tiêu của những cuộc gọi tiếp thị và rao bán. Nên biết rằng, các ngân hàng phân tích hàng tỷ thông tin chỉ trong nháy mắt!
Ngân hàng cũng không bỏ qua việc theo dõi bạn trên đường phố để làm phong phú thêm cơ sở dữ liệu của họ. Những smartphone như iPhone, Samsung Galaxy và Sony Xperia dễ dàng định vị bạn trong vòng vài mét. Nhờ đó mà, ngân hàng có thể nắm bắt được cơ hội kiếm tiền từ bạn một cách nhanh nhất. Trong khi đó, các ứng dụng di động của American Express và Metro Bank được mặc định xác định vị trí của khách hàng.
Họ nói rằng thông tin chỉ được sử dụng để ngăn chặn lừa đảo đối với khách hàng. Nhà mạng di động Anh O2 phát triển một hệ thống cho phép smartphone “nói chuyện” với thẻ tín dụng của bạn.
Được gọi là O2 Travel Alerts, hệ thống được quảng bá là dịch vụ ngăn chặn lừa đảo, cho phép ngân hàng kiểm tra vị trí chiếc điện thoại của bạn khi bạn sử dụng thẻ để giao dịch ở nước ngoài. Nếu điện thoại và thẻ ở cùng vị trí, ngân hàng sẽ đảm bảo mọi thông tin của bạn không bị đánh cắp và phê chuẩn giao dịch. Hệ thống đang được thử nghiệm với nhà cung cấp thẻ tín dụng MBNA, và O2 hy vọng nhiều ngân hàng sẽ sử dụng nó trong vài tháng sắp tới. O2 cũng tuyên bố dữ liệu của bạn sẽ được xóa lập tức sau khi việc kiểm tra hoàn tất.
Ngoài ra, ngân hàng cũng phát triển công cụ để khai thác máy tính và sự sử dụng điện thoại di động của bạn để quyết định xem bạn có đủ uy tín để vay tiền hay không. RBS cho biết họ có thể xác định những người vay tiền có hạnh kiểm tốt dựa vào lịch sử duyệt web của họ được lưu trữ bằng cookie trên máy tính. Nhiều ngân hàng ở Anh hiện đang sử dụng dịch vụ Công ty Thụy Điển Big Data Scoring. Erki Kert, giám đốc điều hành Big DataScoring, nói: “Về cơ bản, chúng tôi thu thập một lượng lớn dữ liệu về bạn, công nghệ mà bạn đang sử dụng, hành vi của bạn và cả khu vực bạn đang sinh sống. Chúng tôi sử dụng Twitter, Facebook và LinkedIn”.
Theo Báo An ninh Thế giới