Sở Xây dựng TPHCM vừa cho biết trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối tháng 12-2012, đến nay, thị trường bất động sản TPHCM đã tiêu thụ được 12.112 căn hộ và hiện chỉ còn tồn kho 2.378 căn.
Khách hàng hoang mang khi ngân hàng ngừng cho vay mua nhà dự án
- Cập nhật : 22/01/2016
(Bat dong san)
"Người mua nhà cần phải kiên trì hơn một chút bởi đây không phải là vấn đề cấm đoán. Nó là vấn đề kỹ thuật phối kết hợp giữa các bộ ngành với nhau", TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên với người mua nhà.
Tóm tắt
Câu chuyện ở đây là thời gian chứ không phải vấn đề cấm đoán. Việc này hiện nay vượt quá thẩm quyền của ngân hàng thương mại cũng như người đi vay. Bởi nếu các ngân hàng mà cho vay sẽ bị trái luật, trái luật thì rõ ràng cả bên vay lẫn cho vay đều lo sợ.
Trong lúc chờ đợi, Ngân hàng và người mua nhà cần chuẩn bị các thủ tục liên quan để đến khi vấn đề pháp lý được giải tỏa tất cả những khâu thẩm định đã xong rồi, khi pháp lý rõ ràng thì có thể giải ngân được ngay chứ không phải là chờ đến lúc đấy mới bắt đầu làm thủ tục thẩm định thì sẽ mất thời gian.
Gần đây thông tin các ngân hàng tạm dừng cho vay mua nhà dự án đã khiến không ít người mua nhà hoang mang lo lắng. Trong khi hàng loạt dự án trên thị trường vẫn được chủ đầu tư quảng cáo rầm rộ tại các lễ mở bán rằng người mua nhà tại dự án sẽ được ngân hàng cho vay đến 80% giá trị căn hộ thì tại các ngân hàng hàng trăm hồ sơ vay vốn của khách hàng đang tắc chưa có ngày giải ngân. Điều này khiến nhiều người mua nhà băn khoăn, lo lắng.
Chị Quỳnh Chi, một khách hàng đang có ý định vay mua nhà tại một dự án khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết mấy ngày nay, báo chí nói ầm ầm về chuyện các ngân hàng ngừng cho vay mua nhà dự án nhưng chị không tin lắm bởi chỉ mới tuần trước khi dự lễ mở bán tại một dự án chị vẫn được nhân viên dự án hướng dẫn cụ thể thủ tục để làm hồ sơ vay vốn bằng cách thế chấp chính căn hộ đang xây dựng.
"Ngay sau khi nghe được thông tin ngân hàng tạm dừng cho vay, tôi rất lo lắng và đã gọi điện cho phòng bán hàng của chủ đầu tư thì được biếtthủ tục vay vốn vẫn làm bình thường nhưng ngày giải ngân thì chưa có thời gian cụ thể vì các ngân hàng hiện đang chờ hướng dẫn thêm từ Ngân hàng nhà nước", Chị Chi cho biết.
Cũng giống như chị Quỳnh Chi, Anh Hoàng Nam vừa đặt chỗ một dự án tại Mỹ Đình cho biết: "Sau khi nghe thông tin tôi cảm thấy đầy bất ngờ và lo lắng bởi nếu không vay được ngân hàng thì gia đình phải cân nhắc lại về quyết định mua nhà. Tuy nhiên, tôi cũng vẫn hy vọng là Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ nút thắt này cho ngân hàng thương mại và người mua nhà bởi đây là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến toàn xã hội".
Theo khảo sát của chúng tôi, vài tuần trở lại đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội cho biết, họ được nhân viên ngân hàng BIDV thông báo tạm thời ngưng giải ngân với các trường hợp vay vốn thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai và vay mua nhà đã hình thành nhưng chưa có sổ đỏ dù trước đó ngân hàng này cho vay bình thường.
Về vấn đề này mới đây, ngân hàng BIDV đã chính thức khẳng định trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của NHNN và tránh rủi ro, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai/nhà ở đã mua bán, xây dựng hợp pháp nhưng chưa được cấp sổ đỏ.
Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là nhu cầu chính đáng của người mua hoặc chủ đầu tư để huy động vốn. Đối với ngân hàng, đây là một nguồn tài sản bảo đảm phổ biến và có giá trị, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng tín dụng và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, việc pháp luật vẫn chưa quy định một cách thỏa đáng về biện pháp bảo đảm này vô tình đang tạo ra rào cản pháp lý cho việc thế chấp khiến một số ngân hàng phải tạm dừng cho vay gây nên tâm lý lo lắng hoang mang cho khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết: "Tình trạng các ngân hàng tạm dừng cho vay mua nhà hình thành trong tương lai là do vướng mắc một chút giữa Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường. Vấn đề này đang yêu cầu các bộ cần có những hướng dẫn khẩn trương hơn, khớp với nhau hơn".
Ông Lực giải thích thêm: "Luật nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 tuy nhiên Luật không hướng dẫn chi tiết, xuống đến các bộ ngành thì các thông tư hướng dẫn chi tiết đều chậm, đặc biệt thông tư hướng dẫn thực hiện giữa các bộ này cũng chưa khớp với nhau. Vì thế các bộ, ngành cần ngồi với nhau để giải quyết với nhau thành cái hướng dẫn để cho nó không bị chồng chéo, đá nhau".
"Hiện nay, tôi biết rằng các ngân hàng thương mại đã gửi công văn đến 3 nơi là Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường để yêu cầu các vị ý phối hợp với nhau để tháo gỡ vấn đề này cho các ngân hàng thương mại cũng như cho người đi vay tiền", ông Lực nhấn mạnh.
Trước những lo lắng và hoang mang gần đây của dư luận, ông Lực cũng đã đưa ra lời khuyên cho người mua nhà: "Người mua nhà cần phải kiên trì hơn một chút bởi đây không phải là vấn đề cấm đoán.Nó là vấn đề kỹ thuật phối kết hợp giữa các bộ ngành với nhau. Vấn đề này đã được các bên lên tiếng, người vay cũng đã lên tiếng, các ngân hàng thương mại cũng đã lên tiếng rồi. Hiện chỉ chờ các bộ ngành liên quan đưa ra hướng dẫn cụ thể".
"Câu chuyện ở đây là thời gian chứ không phải vấn đề cấm đoán. Việc này hiện nay vượt quá thẩm quyền của ngân hàng thương mại cũng như người đi vay. Bởi nếu các ngân hàng mà cho vay sẽ bị trái luật, trái luật thì rõ ràng cả bên vay lẫn cho vay đều lo sợ. Một lời khuyên cho người mua nhà hiện nay là cũng phải kiên nhẫn, kiên trì hơn chút nữa", ông Lực tiếp tục khẳng định.
Đối với các ngân hàng thương mại, ông Lực cũng cho rằng các ngân hàng cần tích cực đôn đốc các bộ, ngành để sớm có câu trả lời. Bên cạnh đó trong thời gian cũng là thời gian để người mua nhà tìm hiểu kỹ hơn về dự án, về ngân hàng vay và cũng là thời điểm để ngân hàng thẩm định thủ tục vay vốn cho khách hàng.
"Trong lúc chờ đợi, Ngân hàng và người mua nhà cần chuẩn bị các thủ tục liên quan để đến khi vấn đề pháp lý được giải tỏa tất cả những khâu thẩm định đã xong rồi, khi pháp lý rõ ràng thì có thể giải ngân được ngay chứ không phải là chờ đến lúc đấy mới bắt đầu làm thủ tục thẩm định thì sẽ mất thời gian. Những việc này cũng không nhất thiết phải chờ đến khi luật được gỡ vướng như thẩm định khả năng trả nợ của người đi vay tiền, hoàn tất những thủ tục cần thiết, Đây cũng là cách mà ngân hàng thương mại giúp người đi vay tháo gỡ một phần vướng mắc trong tình hình hiện nay", Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV nhấn mạnh.