Trong giai đoạn bất ổn, vàng thường là một trong số ít tài sản được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn.
"Mạng nhện" sở hữu chéo ngân hàng đã gỡ đến đâu?
- Cập nhật : 28/06/2016
(Tai chinh)
Hiện nay vẫn còn một số nhà băng chần chừ, chưa quyết liệt giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá quy định tại các TCTD khác khiến tình hình sở hữu chéo tại Việt Nam chưa thể thoát khỏi sơ đồ mạng nhện.
Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề chằng chịt, khiến nhiều TCTD chưa thể giải quyết ổn thỏa. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp.
Theo Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).
Tuy nhiên sau hơn một năm, các ngân hàng thương mại vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giảm sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác.
Những tín hiệu đáng mừng
Cho đến gần đây, một số ngân hàng mới thực thi về việc thoái vốn. VietinBank đã đem đấu giá gần 16,9 triệu cp Saigonbank để thực hiện thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn. Mặc dù giá khởi điểm đưa ra 10.800 đồng/cổ phần tuy nhiên đã có 10 cá nhân (không có tổ chức nào tham gia) tranh nhau đặt mua với số lượng gấp 4 lần lượng cổ phần VietinBank bán đấu giá công khai.
Kết quả là, toàn bộ 16,875 triệu cổ phần đã được bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân. Với mức giá đấu thành công bình quân 12.500 đồng/cổ phần, ước tính VietinBank thu về số tiền gần 211 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng bởi trong thời gian qua, rất nhiều trường hợp ngân hàng rao bán cổ phiếu giá rẻ ví như mớ rau nhưng vẫn ế trơ khi không một nhà đầu tư nào tham gia giao dịch.
Trong khi đó, vào thời điểm tháng 2/2016, thương vụ thoái vốn của Maritime Bank tại MB cũng đã thu hút sự quan tâm của thị trường.
Maritime Bank đã chuyển nhượng 64,2 triệu cổ phiếu MBB đang sở hữu - tương đương 4% vốn - cho nhóm các nhà đầu tư thuộc Dragon Capital. MaritimeBank không công bố mức giá chuyển nhượng, tuy nhiên tính theo giá cổ phiếu của phiên 19/2 thì số tiền mà nhà băng này thu về xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Kết quả hiện tại Maritimebank chỉ còn nắm dưới 5% tại MB từ mức 8,96% trước đó.
Sẽ "buông" dần
Hiện Vietcombank là ngân hàng nắm vốn tại các TCTD nhiều nhất, sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng Quân đội (MBB); 8,19% cổ phần Eximbank; 5,07 vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 4,3% vốn tại SCB, ngoài ra Vietcombank cũng đang sở hữu 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.
Trước sức ép thoái vốn theo đúng quy định, Vietcombank sẽ bỏ ai và chọn ai? Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước mắt NHNN cho phép Vietcombank giữ nguyên tỷ lệ này tại ngân hàng Quân đội (MBB) - đây là ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm ngân hàng sẽ nghiên cứu và chỉ giữ lại cổ phần ở 2 ngân hàng. Việc giữ lại ngân hàng nào hay bán cổ phần đơn vị nào ngân hàng sẽ căn cứ vào tín hiệu thị trường và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Đối với OCB và Saigonbank giá trị thấp chỉ hơn 100 tỷ, mức đầu tư quá nhỏ bé so với tổng tài sản của Vietcombank.
Như vậy, Vietcombank sẽ phải chọn 1 trong 4 TCTD trên ngoài MBB để giữ lại cổ phần sở hữu và thoái vốn tại 3 TCTD còn lại.
Một cái tên khác là Eximbank. Mặc dù tổ chức 2 lần ĐHĐCĐ đều bất thành, song trong nội dung thảo luận Eximbank cũng không đề cập đến việc sẽ thoái 8,76% vốn đang nắm giữ tại Sacombank. Cũng chính vì sở hữu chéo mà ngân hàng này đang vấp phải những tranh cãi gay gắt về vấn đề nhân sự, về vị trí những chiếc ghế lèo lái ngân hàng. Một trong hai nhóm cổ đông đề cử vào chiếc ghế quản trị - đang nắm giữ trên 10% vốn tại Eximbank lại từng là lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng khác.
Đang phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ, vì vậy mục tiêu giảm sở hữu chéo của ngân hàng này tại Sacombank chắc chắn sẽ còn phải chờ đợi thêm.
Thực tế, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính, hệ thống các TCTD trên thế giới với quy mô và độ phức tạp khác nhau. Ở Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD là vấn đề có tính lịch sử, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất…
Theo các chuyên gia ngân hàng, mặc dù quy mô sở hữu chéo trực tiếp tại Việt Nam chưa lớn, nhưng có nhiều hình thức khác nhau khá phức tạp. Sở hữu chéo cũng là một trong những vật cản trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Vì vậy, việc siết chặt sở hữu chéo để làm sạch hệ thống ngân hàng là cần thiết. Và tất nhiên là phải cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn, song cũng cần tiến hành kiên quyết, bởi càng để lâu, càng khó xử lý.