Các loại hình kinh doanh vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật và làm bất an xã hội như kinh doanh đa cấp trái phép, cá độ đá bóng, tín dụng đen…đang phát triển ngày càng tinh vi và phức tạp với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
DOJI lách luật để huy động vốn bằng vàng?
- Cập nhật : 29/06/2016
(Tai chinh)
Hơn 9 tháng qua, Tập đoàn DOJI ra thông báo huy động vàng trong khi Thông tư 11 của NHNN chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Đã có nhiều tranh cãi liên quan vấn đề này và liệu DOJI có đang lách kẽ hở của pháp luật để huy động vàng trái phép?
Bằng thông tư số 11, NHNN đã chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD) vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đến năm 2015, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI có thông báo: “Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị, kể từ ngày 14.9.2015 cho đến khi có thông báo mới, DOJI thực hiện vay vốn bằng vàng của khách hàng theo hợp đồng vay vàng với lãi suất thỏa thuận, nhưng tối đa không quá các mức lãi suất và theo các quy định”.
DOJI được phép huy động vàng?
Chắc chắn DOJI đã cân nhắc khía cạnh pháp lý của vấn đề theo các luật liên quan như: Luật các TCTD năm 2010, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2005...
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO: “Nếu theo đúng câu chữ quy định về điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014, thì việc doanh nghiệp vay vàng không bị cấm, cũng như không thuộc vào bất cứ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nào theo luật định, kể cả trường hợp có thuộc hay không thuộc vào trường hợp “kinh doanh vàng khác” theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 giao cho cơ quan này có chức năng quản lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên toàn lãnh thổ. Và các hoạt động liên quan đến kinh doanh vàng được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 của Chính phủ nói rõ: “Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép”.
Quay trở lại việc DOJI huy động bằng vàng, rõ ràng là DOJI đã tận dụng một số “kẽ hở” pháp luật nên khó có thể nói là DOJI sai hoàn toàn, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa biết hoạt động này đã được sự cho phép của Thủ tướng và giấy phép của NHNN hay chưa và mục đích việc huy động vốn bằng vàng của Doji là gì? Nếu chưa, thì “một nửa sự thật không phải là sự thật”.
NHNN có “vá” được lỗ hổng pháp lý?
NHNN đã chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD. DOJI có thể lấy cớ không phải là TCTD nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 11 và vàng không phải là tiền tệ. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng “việc vàng huy động và trả lãi suất thì bản chất nghiệp vụ đó cũng thừa nhận vàng có tính chất tiền tệ. Theo quan điểm của cá nhân, doanh nghiệp không được phép huy động vàng trả lãi suất”.
Từ đầu năm 2012, Tập đoàn DOJI mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực tài chính ngân hàng và đã trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank). Tập đoàn DOJI do ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT và em trai ông Phú - ông Đỗ Anh Tú trở thành cổ đông lớn, cổ đông chiến lược của TienPhong Bank. Đây là tình tiết khiến dư luận khá băn khoăn về mục đích huy động vàng của DOJI.
Đã 9 tháng kể từ khi DOJI thông báo huy động vàng, nhưng NHNN chưa lên tiếng về vấn đề này. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi: “Ngoài DOJI thì các doanh nghiệp khác có được phép huy động vàng trả lãi hay không? Mở rộng ra thì các doanh nghiệp bình thường có được phép huy động vàng hay không?”.
Một chuyên gia cho rằng: “Đây có thể là lỗ hổng pháp luật. Không luật thì bất thành tội theo quan điểm nhà nước pháp quyền. Viễn cảnh xa nhất là Tập đoàn DOJI thắng trong cuộc chiến pháp lý này thì hệ quả có thể dẫn tới tất cả các các tiệm vàng đều có thể huy động vàng trả lãi suất được. Họ cho vay như vậy làm rối chính sách tiền tệ và tạo lỗ hổng mà NHNN không vá được”. Một lãnh đạo NHTM nhận định sự việc này có thể gây nên hậu quả lớn. Nếu việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng thì sẽ làm tăng tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ...