Tuy tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh hàng ngày phù hợp với những diễn biến trong nước và quốc tế, nhưng biên độ điều chỉnh là rất thấp – không vượt quá 0,3% trong suốt sáu tháng đầu năm 2016.
Khả năng giảm lãi suất tiền đồng: Đừng kỳ vọng quá nhiều!
- Cập nhật : 28/06/2016
(Tai chinh)
Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ, khả năng giảm của lãi suất cho vay tiền đồng đang gặp phải nhiều áp lực từ rủi ro tỷ giá hiện hữu trở lại và lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với năm 2015.
Sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua phần nào là yếu tố giúp giải tỏa áp lực tăng đối với lãi suất huy động trên thị trường và một số ngân hàng như ACB, Sacombank hay Eximbank thời gian gần đây thậm chí còn điều chỉnh giảm khoảng 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Một số ngân hàng lớn với tiềm lực nguồn vốn dồi dào như Vietcombank, Vietinbank và BIDV mới đây cũng thông báo rộng rãi việc giảm lãi suất và áp trần lãi suất cho vay tiền đồng 10%/năm, nhen nhóm kỳ vọng đối với số đông khách hàng doanh nghiệp.
Song dường như, những động thái trên đây chưa hẳn là tín hiệu rõ rệt về khả năng mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường có thể giảm trên bình diện rộng.
Cho đến cuối tháng 5 vừa qua, ngoài những động thái lẻ tẻ từ phía các “đại gia” ngân hàng, với tỉ giá tương đối ổn định và thanh khoản hệ thống dồi dào, mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay dường như không có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước.
Và cho đến tận thời điểm này của tháng 6, thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường vẫn ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đặt tình huống về khả năng giảm của lãi suất tiền đồng ở thời điểm này có thể nhận thấy, những “rào cản” lớn nhất sẽ đến từ rủi ro tỷ giá hiện hữu có thể trở lại và diễn biến, kỳ vọng lạm phát 2016 dù vẫn ở mức tương đối thấp nhưng cao hơn đáng kể so với 2015.
Bên cạnh đó, theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực tăng quy mô tài sản, cân đối nguồn vốn và đảm bảo các tỷ lệ an toàn của cácngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt sau khi Thông tư 06 của NHNN chính thức được ban hành với lộ trình cụ thể, cũng là một trở ngại không nhỏ.
Trước đó, thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 cho biết trong vòng 4 tháng qua, NHNN mua vào khoảng 8 tỷ USD (tương đương khoảng 178.000 tỷ đồng) giúp cải thiện dự trữ ngoại hối. Việc mua vào một lượng lớn ngoại tệ như vậy đồng nghĩa với việc NHNN phải bơm một lượng lớn tiền Đồng tương ứng ra thị trường.
Tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cho là yếu tố thúc đẩy nhu cầu giảm lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của BVSC, điều này có thể chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn.
Thực tế với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại (cuối tháng 5 đạt mức 2,28% trong khi cùng kỳ năm 2015 mới đạt 0,95% theo năm), NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền. Trên thực tế, trong hai tuần đầu tháng 6, NHNN phát hành trở lại tín phiếu ngân hàng kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. Động thái này có thể nhằm mục đích hút bớt lượng tiền dư thừa trong hệ thống về.
Nhìn vào diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 5 xuống mức thấp kỉ lục trong vòng 3 năm qua (lãi suất ngày 23/5 chỉ còn 0,82%, lãi suất 1 tháng ở mức 3%), Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhìn nhận nguyên nhân hệ thống ngân hàng có thanh khoản khá tốt trong thời gian qua là do nguồn cung ổn định, huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ.
Dẫu vậy việc giảm lãi suất cho vay được một số ngân hàng lớn tiến hành trong thời gian qua chưa phải là tín hiệu đủ mạnh cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay có thể thay đổi ngay dù thị trường đang kỳ vọng về khả năng giảm nhẹ lãi suất cho vay trong thời gian tới.
“Áp lực lên mặt bằng lãi suất trong thời gian tới vẫn đáng kể do nhu cầu tín dụng tăng cao vào các quý cuối năm; kỳ vọng lạm phát và áp lực tỷ giá lớn hơn vào cuối năm sẽ gây áp lực đáng kể lên lãi suất” - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chung nhân định.
Ngược lại, “với cơ chế điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt hơn, chúng tôi cho rằng NHNN còn nhiều dư địa chính sách để ổn định mặt bằng lãi suất. Như vậy, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì tương đối ổn định quanh mức hiện tại, trần lãi suất huy động 5,5% đối với các kỳ hạn ngắn nhiều khả năng sẽ được giữ vững” – nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank đánh giá.