Cho đến nay, không khó để nhận thấy, cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được những thành công nổi bật nhất trong số 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã thực hiện. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, ngành Ngân hàng cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”…
Những chuyển động ngầm quanh chuyện hạ lãi suất tiền gửi USD
- Cập nhật : 22/12/2015
(Tài chinh)
Trên thị trường đang râm ran rằng, trong khi cá nhân, tổ chức gửi USD ở trong nước không được lãi thì mang sang Lào gửi các NH Việt Nam tại đó hưởng lãi tới 6%, hoặc các ngân hàng huy động lẫn nhau cũng có lãi tới 2%/năm, và các NH như vậy đang “ngư ông đắc lợi”…
Sau hai đợt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân hồi tháng 9 và trong tuần qua về 0%, thị trường lại đang râm ran bàn nhau về việc nếu gửi USD ở các ngân hàng trong nước thì chỉ được hưởng lãi suất là 0%, trong khi chỉ cần mang số USD qua biên giới sang Lào gửi tại một số ngân hàng Việt Nam tại đó thì được hưởng lãi suất tới gần 5-6%/năm (chẳng hạn VietinBank Lào nhận gửi USD ở mức 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng).
Về phía ngân hàng thương mại, trong khi họ huy động USD tiền gửi từ tổ chức và cá nhân với lãi suất 0% thì nếu chỉ cần đem cho vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng ít thì cũng được 0,19%/năm với các khoản cho vay qua đêm và lên tới hơn 2% với kỳ hạn cho vay 6 tháng. Như vậy, dư luận cho rằng các ngân hàng bỗng dưng trở thành “ngư ông đắc lợi” nhờ chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% của NHNN trong khi đối tượng bị thiệt hại là các tổ chức và cá nhân nắm giữ USD và có nhu cầu gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore.
PV: Thưa ông, thị trường cho rằng với chính sách hiện nay thì chỉ có người dân và tổ chức nắm giữ USD là thiệt. Khi lãi suất về 0% thì nguồn tiền gửi vào hệ thống sẽ sụt giảm. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Tiến sĩ Phan Minh Ngọc: Tôi cho rằng, vấn đề này thực ra không hoàn toàn đơn giản như vậy.
Đối với cá nhân và tổ chức có tiền gửi USD, khi lãi suất tiền gửi bị hạ xuống 0% từ mức 0,25%/năm trước đó sẽ vẫn có một bộ phận tiếp tục gửi USD vào hệ thống ngân hàng cho những mục đích như thanh toán, chi trả trong tương lai, hoặc đơn giản chỉ là để đợi thời cơ biến động tỷ giá trong thời gian sắp tới.
Với bộ phận cá nhân và tổ chức này (tạm gọi là nhóm 1), vì mục đích gửi tiền USD của họ không phải là hưởng lãi tiết kiệm nên dù lãi suất tiền gửi thấp, hoặc thậm chí về 0% thì họ vẫn tiếp tục gửi USD hơn là mang về để trong két hoặc dưới chiếu. Do đó, cái sự thiệt hơn từ chính sách của NHNN không mấy liên quan với những đối tượng này.
Với cá nhân và tổ chức thực sự nhạy cảm với lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam (tạm gọi là nhóm 2), thì đúng là về danh nghĩa họ sẽ phản ứng ngay với chính sách lãi suất tiền gửi USD mới của NHNN và có thể sẽ rút lại các khoản tiền gửi USD khi đến hạn hoặc không gửi các khoản tiền gửi mới nữa.
Nhưng cũng chính vì mục đích là để tìm kiếm lãi suất tiền gửi cao như vậy nên cho dù nếu NHNN không hạ lãi suất tiền gửi xuống 0% như vừa qua thì mức quy định 0,25% vẫn không mấy hấp dẫn những đối tượng này, và do đó mà các ngân hàng thương mại cũng khó mà thu hút được nhiều USD.
Cũng vì thế mà việc hạ lãi suất tiền gửi USD của NHNN xuống 0% cũng không có nhiều ý nghĩa với, không làm hại đáng kể tới những đối tượng này.
Và sẽ có một nhóm đối tượng thứ 3 có thuộc tính của cả nhóm 1 và 2. Nhóm này vừa muốn gửi tiền bằng USD, vừa muốn hưởng lãi suất tiền gửi USD cao. Nên rất có thể nhóm này đã tìm cách mang USD qua khỏi biên giới để gửi ở nước ngoài với lãi suất cao hơn hẳn như dư luận đã đề cập đến. Nhưng hành động này không “ngon ăn” như mô tả.
Ý ông là nhóm đối tượng vừa muốn gửi USD lại vừa muốn có lãi suất cao đó sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu tính đến chuyện mang USD ra nước ngoài gửi để hưởng lãi suất tới 5-6%/năm?
Đúng vậy. Nhóm 3 này sẽ phải đối mặt với những rủi ro như mang USD qua lại cửa khẩu (cả chiều mang ra và chiều mang về) sẽ bị xử phạt nếu quá hạn mức cho phép và không khai báo, chịu chi phí phát sinh và rủi ro mất mát liên quan đến việc chuyển USD qua biên giới… Nên nếu họ có được hưởng lãi suất tiền gửi cao ở nước ngoài thì điều này là đương nhiên theo nguyên tắc lợi nhuận cao thì rủi ro cao.
Thêm nữa, lãi suất 5-6% mà dư luận đề cập đến là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tương đối dài nên đương nhiên cũng phải cao hơn lãi suất 0% nhưng là không kỳ hạn ở trong nước (vì không ai dại gì gửi kỳ hạn dài để vẫn chỉ được hưởng lãi suất 0% ở các ngân hàng).
Nếu số USD của nhóm 3 có nguồn gốc từ các giao dịch ở nước ngoài và được giữ lại ở nước ngoài chứ không chuyển về nước thì đây cũng chính là một hình thức lách luật của các cá nhân và tổ chức có doanh thu ngoại tệ ở nước ngoài (ví dụ qua xuất khẩu) nhưng họ không chuyển doanh thu về nước (và quy ra VND), mà giữ lại ở nước ngoài vì những lý do như chênh lệch lãi suất tiền gửi USD giữa trong và ngoài nước, vì lo VND bị phá giá. Đây là một khả năng mà một số chuyên gia đã đề cập đến khi bàn về tính hữu hiệu của chính sách lãi suất tiền gửi USD của NHNN thời gian qua.
Nhưng rõ ràng, các ngân hàng đang là người hưởng lợi khi lãi suất về 0%?
Về phía các ngân hàng, với nhóm đối tượng 1, các ngân hàng đúng là sẽ giảm chi phí trả lãi huy động USD hơn được một chút (giảm 0,25 điểm phần trăm) trong khi lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên nên các ngân hàng sẽ thu lợi hơn.
Nhưng mối lợi này chỉ có hạn không chỉ vì mức giảm lãi suất phải trả là nhỏ, mà còn vì như trên đã nói, nhóm đối tượng 1 chỉ là một bộ phận chứ không phải tất cả các cá nhân và tổ chức nắm giữ USD.
Hơn nữa, nguồn USD huy động từ nhóm này thường chỉ là không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn và có thể bị rút ra bất cứ lúc nào nên cho dù các ngân hàng có huy động được một số lượng lớn USD từ nguồn này thì họ cũng không thể dễ bề cho vay ra ở những kỳ hạn dài hơn như 6 tháng, 1 năm để được hưởng lãi suất đến 2%/năm hoặc hơn vì phải chịu rủi ro chênh lệch kỳ hạn.
Với nhóm đối tượng 2, các ngân hàng nếu muốn thu hút được tiền gửi của họ thì buộc phải “đi đêm”, thỏa thuận ngầm với những đối tượng thuộc nhóm này. Các thỏa thuận ngầm có nhiều cách khác nhau, có thể là một mức lãi suất nào đó, hoặc chuyển thành quà tặng cho các nguồn tiền lớn và đối tượng khách hàng đặc biệt thân tín.
Và lưu ý rằng hành động thỏa thuận ngầm này không phải là hiếm, chỉ bây giờ mới có, mà đã phát sinh và tồn tại mỗi khi NHNN phải áp dụng đến một cái trần nào đó để khống chế một cái gì đó. Như thế thì mức chênh lệch lãi suất thực thu của các ngân hàng sẽ không giống như trên lý thuyết thể hiện bằng một con tính trừ giữa lãi suất cho vay trừ lãi suất huy động danh nghĩa.
Vậy nguyên nhân nào khiến các ngân hàng Việt Nam lại huy động USD ở nước ngoài (chẳng hạn ở Lào) với lãi suất cao như vậy thưa ông?
Bản thân việc các ngân hàng phải chấp nhận trả lãi suất huy động đến 5-6% cho người gửi USD ở Lào là do các ngân hàng thực thi chính sách tiền tệ, tuân theo lãi suất thị trường và quy định của nhà nước bản địa.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng rằng các ngân hàng đó và cả nhiều ngân hàng khác đã không thể huy động được số USD cần thiết. Và như vậy, về bản chất, đây là một hành động đi vay nước ngoài của (các doanh nghiệp) Việt Nam, và do đó người đi vay sẽ chịu sự chế tài của các quy định liên quan đến quản lý ngoại hối và vay nợ nước ngoài, đồng thời chịu rủi ro và chi phí liên quan đến huy động và vận chuyển ngoại tệ vào ra khỏi lãnh thổ… nên cũng có thể nói rằng việc họ phải huy động ở nước ngoài với lãi suất cao cũng là việc cực chẳng đã.
Nhưng nhìn chung với chính sách hiện nay của NHNN, nhìn từ cả 2 phía khách hàng và ngân hàng thì rõ ràng chẳng có bên nào chỉ được lợi và bên nào chỉ bị thiệt hại. Không những vậy, nó còn tiềm ẩn rủi ro là cả bên khách hàng lẫn ngân hàng còn đang đến với nhau bằng một mức thỏa thuận ngầm tốn chi phí cho cả hai phía.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo quy định hiện hành (Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31-12-2013 và Thông tư số 11/2014/TT-NHNN ngày 28-3-2014 của Ngân hàng Nhà nước), khi xuất nhập cảnh mang theo ngoại tệ có trị giá trên 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác tương đương hoặc mang trên 15.000.000 đồng Việt Nam; mang theo hối phiếu, séc hoặc kim loại quý (bạc, bạch kim và các loại hợp kim có bạc, bạch kim), đá quý (kim cương, ruby, sapphire) có giá trị từ 300 triệu đồng Việt Nam trở lên; mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có trọng lượng từ 300 gram trở lên phải khai báo hải quan.
Thông tư số 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có hiệu lực (có hiệu lực từ ngày 5-10-2015) thì quy định các giao dịch ngoại tệ với ngân hàng phải xuất trình giấy tờ và chứng từ chứng minh mục đích, số lượng, loại ngoại tệ, thời hạn thanh toán, chuyển tiền theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Thông tư 15 cũng quy định ngày thanh toán trong giao dịch giao ngay, giao dịch giao ngay trong giao dịch hoán đổi do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày thỏa thuận giao dịch.
Với giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi, ngày thanh toán là ngày cuối cùng của kỳ hạn giao dịch (từ 3 ngày đến 365 ngày kể từ này giao dịch).
T.L