Bước sang năm 2016, dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển tự do hơn khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) nhưng cũng sẽ chịu nhiều tác động do những biến động khó lường từ thị trường tài chính- tiền tệ thế giới.
NHNN: Khó có thể giảm tiếp lãi suất trong năm 2016
- Cập nhật : 24/12/2015
(Tai chinh)
Theo đại diện NHNN, một trong những áp lực của chính sách là hệ thống ngân hàng đang giữ nhiều trái phiếu, vì thế nếu yêu cầu phát hành TPCP ở mức cao sẽ gây áp lực đến lãi suất...
Sáng 24/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông báo kết quả tình hình hoạt động ngân hàng 2015.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì cuộc họp và trả lời những vấn đề còn khúc mắc của báo giới.
PV: Sau những thành công của năm 2015, NHNN thấy việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 sẽ có thách thức gì?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Với tình hình trong nước, hoạt động điều hành CSTT sẽ đối mặt với một số điểm:
Thứ nhất, thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng chịu áp lực về nhu cầu vốn cho hoạt động SXKD, chỉ đáp ứng được vốn ngắn hạn là rất khó ở thời điểm này.
Ngoài ra, tình trạng đô la hóa đã được giảm thiểu đồng thời nâng cao vị thế VND. Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới. Diễn biến kinh tế thế giới vừa qua, nếu không có sự chủ động linh hoạt và các bộ ban ngành thì tâm lý nặng nề trong nước sẽ không được giải tỏa.
Hiện nay ngân hàng vẫn huy động cho vay ngoại tệ nếu tâm lý không được giải tỏa thì điều hành sẽ khó khăn.
Thứ hai , hệ thống ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ khá lớn. Với yêu cầu phát hành TPCP ở mức cao trong thời gian tới cũng gây áp lực đến lãi suất. Đây cũng là 1 thách thức của NHNN.
Lạm phát năm 2015 tuy là chỉ mức 1% thì năm 2016 cũng không thể chủ quan lạm phát.
Lạm phát 2015 có tác động bởi yếu tố hàng hóa thế giới giảm như giá dầu. Năm 2016, chúng ta sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng NN quản lý như giá điện, giáo dục, y tế,… nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì lạm phát cũng không thể duy trì thấp như năm 2015.
Trong khi đó, thị trường thế giới thường xuyên biến động khó lường. Năm 2015, có nhiều tác động lớn tâm lý trong nước như FED tăng lãi suất, đồng NDT giảm giá và được quốc tế hóa cũng là diễn biến tác động đến tâm lý thị trường trong nước.
Năm 2015 là năm kết thúc đề án 5 năm. Vậy chính sách điều hành tỷ giá đã được được thành tựu gì?
Tỷ giá trong giai đoạn 2011-2015 là một trong những điểm sáng và được các tổ chức trên thế giới đánh giá cao và nâng bậc tín nhiệm.
Thời gian qua, chính sách lãi suất, tỷ giá được kết hợp đồng bộ. NHNN đã kiểm soát ổn định tỷ giá, lãi suất USD điều chỉnh liên tục. Năm 2010-2011, lãi suất USD ở mức 5,5% và đã giảm dần cho đến nay về 0% áp cho cả tổ chức và cá nhân. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và liên tục duy trì trong nhiều năm qua.
Định hướng 2016, với những thách thức đã nêu, thị trường ngoại hối trong nước còn chịu tác động rất lớn về mặt tâm lý từ các bên ngoài vì vậy NHNN kiên quyết đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu báo cáo trạng thái ngoại tệ thường xuyên.
NHNN đang hoàn thiện tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, giảm kỳ vọng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các công cụ quản lý khác.
Định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2016 thế nào thưa bà?
Trong quá khứ, có giai đoạn, tín dụng tăng trưởng trên 30% là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng cao và nguyên cơ đổ vỡ toàn hệ thống.
Tuy nhiên những năm gần đây, dư nợ cho vay đã được kiểm soát và tăng chậm lại. Trong năm 2016, theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ dự kiến ban đầu tăng trưởng tín dụng (dựa trên cơ sở GDP, lạm phát Quốc hội đã thông qua) ở mức 18-20% và theo tình hình thực tế sẽ có thay đổi linh hoạt.
NHNN sẽ giám sát cho vay như thế nào để tránh nợ xấu phát sinh?
Xử lý nợ xấu được xem là trọng tâm trong giai đoạn 2011-2015 và đã giảm rất mạnh từ mức trên 17% tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đến cuối tháng 11/2015 còn 2,72%. NHNN đã chỉ đạo bằng nhiều biện pháp như trích lập dự phòng, bán đấu giá tài sản, qua VAMC,…Đồng thời yêu cầu các TCTD triển khai chặt chẽ rủi ro tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
Bên cạnh đó, Thông tư 02, thực hiện từ tháng 6/2015, nợ xấu và phân loại nợ theo quy định chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nợ xấu các TCTD cần tham khảo từ số liệu của CIC.
So với các quốc gia khác, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao. Vậy lãi suất có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới không thưa Phó Thống đốc?
Lãi suất chỉ là 1 trong các yếu tố đầu vào của DN. Cạnh tranh của DN phụ thuộc nhiều yếu tố khác liên quan quá trình sản xuất, hiệu quả tổ chức điều hành.
Lãi suất theo yêu cầu NHNN đã được giảm rất nhiều, từ 20-25% cuối năm 2011 đến nay ngắn hạn còn 6-9%, trung và dài hạn từ 9-11%. NHNN đã điều hành tốt để giảm mặt bằng lãi suất và giảm lạm phát, đây là cố gắng lớn.
Đối với lãi suất, thống đốc kêu gọi TCTD miễn giảm lãi suất cho vay hỗ trợ SXKD. Hệ thống các TCTD chia sẻ nhiều với DN. Nếu bình thường dịp giáp Tết, TCTD đưa ra thông tin lợi nhuận cao nhưng năm qua vừa phải thực hiện cắt giảm một phần lãi suất để trích lập dự phòng rủi ro và chia sẻ với DN nên kết quả lợi nhuận đã giảm nhẹ so với 2014.
So với các nước trong khu vực thì có thể lạm phát Việt Nam so với các nước tương tự, nhưng chúng ta có sự khác biệt là hệ thống NH lại đang tổ chức cơ cấu lại, phải sử dụng 1 phần lợi nhuận để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn. Do vậy khả năng giảm lãi suất sẽ tiếp tục khó khăn.
Hệ thống ngân hàng vẫn luôn mong muốn giảm lãi suất nhưng giảm ở mức độ như thế nào để cân đối kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống thì cần tính bài toán tổng thể để có chính sách phù hợp.
Thưa bà, việc Việt Nam tham gia TPP, AEC… thì thách thức với các NHTM sẽ như thế nào?
Dưới góc độ quản lý, khi VN tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP, AEC...quy mô thương mại sẽ tăng lên, dòng đầu tư quốc tế luân chuyển dòng tiền thương mại nhanh hơn.
Các thành viên tham gia hiệp định sẽ có biến động, cơ hội nếu DN Việt tận dụng được cơ hội tham gia hiệp định thì cơ hội xuất khẩu cao, cơ hội cải thiện nguồn vốn ngoại hối.
Vì thế, các ngân hàng cần cải cách để nâng cao năng lực. Sự dịch chuyển thương mại đầu tư lớn hơn thì sự liên thông của thị trường trong nước và quốc tế lớn hơn, ngân hàng cần theo dõi sát sao để có chính sách điều hành linh hoạt.
Các TCTD cung cấp dịch vụ tài chính cho DN và người dân thì TCTD là người đồng hành hỗ trợ các DN, cơ hội để thu các khoản dịch vụ đến với khách hàng. Nếu tận dụng được cơ hội thì có nhiều điểm lợi, hạn chế thách thức khi tham gia.