Nếu một doanh nghiệp đơn phương áp "phí mua vàng", chắc chắn bị khách hàng lên án, tẩy chay, thậm chí bị cơ quan quản lý nhà nước tuýt còi. Nhưng vàng độc quyền thì không. Lạ là điều này diễn ra lâu nay nhưng Ngân hàng Nhà nước gần như đứng ngoài
Những chủ đề nhà đầu tư cần theo dõi năm 2016
- Cập nhật : 11/01/2016
(Chung khoan)
Tỷ giá, câu chuyện hội nhập, nới room, những rủi ro địa chính trị, Đại hội Đảng là những chủ đề các nhà đầu tư cần theo dõi trong năm nay, nhưng đáng quan tâm nhất có lẽ lại là tình hình Trung Quốc.
Dưới đây là những tiêu điểm vĩ mô mà giới đầu tư cần để mắt tới trong năm 2016, được chúng tôi tổng hợp chủ yếu từ các chuyên gia phân tích.
Tỷ giá
Một trong những câu chuyện nóng nhất hiện nay là tỷ giá USD/VND.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, tỷ giá tại Việt Nam năm 2016 sẽ có 2 sức ép lớn: Thứ nhất là xu hướng mạnh lên của đồng USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, và thứ hai là sức ép giảm giá của đồng Nhân dân tệ khi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Hai sức ép đó đang gây tác động mạnh ở thời điểm đầu năm này, kể cả tác động trực tiếp và gián tiếp.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cơ chế vận hành tỷ giá mới là tỷ giá trung tâm, nhưng cần thêm thời gian để xem đặc tính của cơ chế này.
Trong một báo cáo công bố ngày 6/1, ngân hàng HSBC dự báo tỷ giá USD sẽ duy trì ở mức 22.500 đồng trước khi tăng lên 22.800 đồng vào quý II/2016 và lên 23.000 đồng vào quý III và quý IV năm nay.
Các hiệp định thương mại
Câu chuyện hội nhập của nền kinh tế cũng là một chủ đề tương đối nóng trong năm nay.
Việt Nam đã tham gia các các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc, và mới nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Kỳ vọng lớn nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đang được chờ xem liệu có thể chính thức ký kết trong năm nay và tác động của nó sẽ như thế nào.
Nợ công
Nợ công không chỉ là một vấn đề của năm 2016, mà dự kiến còn là một câu chuyện dài hơi hơn.
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng nợ công khá đáng lo vì nó đang sát chỉ tiêu 5% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu tăng thu và bớt chi để giảm gánh nặng cho nợ công, nó sẽ ảnh hưởng đến đầu tư công.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Bình, nợ công sẽ là một rủi ro treo lơ lửng của kinh tế vĩ mô, và điểm rơi của nó sẽ trải ra từ năm 2016 đến năm 2018 tùy vào các cú sốc bên ngoài xuất hiện.
Giá hàng hóa
Xu hướng giảm của giá dầu nói riêng và giá hàng hóa nói chung vẫn chưa phản ánh hết vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dầu khí, cũng như vào thị trường chứng khoán, nên vẫn cần theo dõi.
Về vĩ mô, giá dầu xuống thấp thấp quá sẽ gây khó khăn cho ngân sách. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm thì toàn dân được hưởng lợi. Đây là yếu tố tác động hai chiều chứ không chỉ có một chiều tiêu cực.
Rủi ro địa chính trị
Một rủi ro cần phải đề cập nữa là căng thẳng địa chính trị.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, rủi ro địa chính trị tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự kiện mà nó tác động. Kinh nghiệm năm 2014 cho thấy các rủi ro địa chính trị không kéo dài, và được khoanh vùng sớm.
Năm nay, những rủi ro cần chú ý nhất vẫn là khu vực Châu Âu và nhà nước hồi giáo IS, nhưng cái sát sườn nhất là vấn đề Biển Đông.
Nới room và… hơn thế nữa
Theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VCBS, thị trường cổ phiếu năm nay dự kiến sẽ được hưởng lợi tích cực từ các thay đổi chính sách như nới room hoặc thoái vốn hay cổ phần hóa trong bối cảnh rủi ro như hiện tại.
Các nhà đầu tư sẽ cần theo dõi danh sách cụ thể việc mở room cho các ngành nghề từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá mức độ hưởng lợi từ các nhóm cổ phiếu liên quan.
Ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, ngoài câu chuyện nới room, thị trường chứng khoán năm nay còn có một số cơ hội nữa như cơ chế thanh toán T+0 và chứng quyền, có thể sẽ được triển khai sớm, giúp tăng thanh khoản cho thị trường.
Thứ nữa là lộ trình xây dựng hồ sơ để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI. Đó sẽ là cú huých cho 3-4 năm tới, nhưng sẽ được phản ánh dần dần vào diễn biến thị trường, bắt đầu từ năm 2016. Những thị trường khác trước thời điểm được nâng hạng họ thường thu hút dòng vốn nước ngoài rất tốt, và các thị trường đó có thể đạt tăng tưởng trung bình 40-100%.
Đại hội Đảng
Theo bà Hoàng Việt Phương, thị trường năm nay cũng sẽ chờ kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trong đó sẽ bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới, đưa ra những kế hoạch mới cho 5 năm tới.
Hy vọng các nhà lãnh đạo mới sẽ mang đến làn gió mới, giúp đẩy nhanh quá trình những cái còn đang triển khai chậm trong thời gian qua như mở room, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách kinh tế.
Câu chuyện Trung Quốc
Câu chuyện chính của năm 2016, đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam, có thể là Trung Quốc.
Theo ông Trần Minh Hoàng, tất cả các chuyện như tỷ giá, tăng trưởng kinh tế hay ngay cả đến diễn biến của thị trường chứng khoán, “mọi thứ đều liên quan đến Trung Quốc”.
Mặc dù đây là áp lực từ bên ngoài, nhưng Trung Quốc là chủ đề cần quan tâm nhiều nhất, và theo đó là những chính sách ứng phó của các nhà điều hành Việt Nam thế nào.
Những thứ cần quan tâm từ Trung Quốc, theo ông Hoàng, là đà tăng trưởng giảm tốc như thế nào, hoạt động sản xuất suy yếu ra sao, và cả những diễn biến trên thị trường chứng khoán, số liệu về dự trữ ngoại hối, về điều chỉnh tỷ giá. Những điều này ảnh hưởng đến không chỉ Việt Nam, mà còn cả thế giới.
Ngay cả câu chuyện dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi, đương nhiên 1 phần là do Fed, nhưng phần còn lại cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Đây là nền kinh tế đầu tàu, nên sẽ tạo ra hiệu ứng nhất định đến các nước mới nổi.
“Trung Quốc là yếu tố bất định, nó không thuộc tầm kiểm soát và chúng ta sẽ phải đối phó với nó theo từng trường hợp cụ thể. Việc quản trị rủi ro sẽ khó khăn hơn, khắc nghiệt hơn rất nhiều,” ông Hoàng nhận định.
Theo bà Hoàng Việt Phương, những dự báo về kinh tế Trung Quốc rất khác nhau, nhưng chung quy là dự báo về một chu kỳ đi xuống sau 1 thời gian dài tăng trưởng cao. Hiện tại chưa thể đánh giá chính xác kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc từ từ hay lao dốc mạnh, nhưng chu kỳ đi xuống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Việt Nam là nước nhập khẩu ròng từ Trung Quốc, nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ tỷ giá.
“Rủi ro Nhân dân tệ phá giá còn nguy hiểm hơn cả đồng USD tăng giá,” bà Hoàng Việt Phương nhận định.
Theo vị chuyên gia phân tích của SSI, đồng USD tăng giá còn phản ánh điểm tốt là kinh tế Mỹ phục hồi trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng, trong khi Trung Quốc phá giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam phải canh trạnh khó khăn hơn.