Khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là của khu vực FDI; hàng nông sản chỉ chiếm 10 – 12% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó xuất sang châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 5 – 7%, chỉ khoảng vài phần trăm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cẩn trọng khi đầu tư vàng
- Cập nhật : 26/08/2015
(Tin kinh te)
Từ nay đến cuối năm khả năng giá vàng sẽ xoay quang mức 35 triệu đồng, thậm chí có thể còn dưới 34 triệu đồng/lượng.
Khuyến cáo trên xuất phát từ biến động giá vàng thời gian qua cũng như xét đến các yếu tố tác động đến giá vàng trong thời gian tới.
Diễn biến giá vàng trong nước thời gian qua
Năm 1991, lần đầu tiên vàng được mua bán công khai, cộng hưởng thêm với yếu tố chuyển đổi cơ chế giá, nên giá vàng tăng khá cao, với mức độ tăng chỉ sau USD (giá USD tăng 103,1%, giá vàng tăng 88,7%). Tuy nhiên, chỉ vào năm sau (1992) giá vàng đã giảm sâu (giảm 31,3%). Từ 1992 đến 2000, giá vàng đã giảm nhiều nhất (giảm 3,42%), trong khi giá USD giảm thứ hai (giảm 0,04%/năm).
Giai đoạn từ 2001 đến 2011 được coi là thập kỷ “vàng son” của giá vàng, khi tăng tới 22,17%/năm, chủ yếu do giá vàng thế giới tăng cao, đạt đỉnh 1911 USD/ounce. Từ 2012 đến 2014, giá vàng đã giảm mạnh (tới mức 9,95%/năm). Bước vào năm 2015 cho đến 10/8, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm. Đáng lưu ý, giá vàng trong nước đã có nhiều thời điểm trượt xuống dưới 33 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với đỉnh điểm trên 49 triệu đồng/lượng hồi tháng 11/2011 thì giá vàng đã giảm trên 30%, nếu tính bằng số tiền tuyệt đối thì đã giảm hơn 16 triệu đồng/lượng. Nếu làm một phép tính đơn giản, với số tiền 4,9 tỷ đồng cách đây 5 năm, mua được 100 lượng vàng, nay bán đi chỉ được 3,29 tỷ đồng, lỗ đơn 1,6 tỷ đồng. Số tiền này nếu gửi tiết kiệm với lãi suất lúc cao nhất lên đến 17-18%/năm, hiện nay còn khoảng 7%/năm, tính bình quân 5 năm đạt khoảng gần 10%/năm, nếu tính chung 5 năm đạt 50%, thì 4,9 tỷ đồng sẽ thành 7,35 tỷ đồng, tính ra lỗ kép mất 4,06 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ sau 11/8, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 3 lần liên tiếp tới 4,6%, thì giá vàng thế giới đã tăng trở lại, có lúc lên đến 1200 USD/ounce. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh “kép” và “vượt trước ngăn chặn” : vừa tăng tỷ giá liên ngân hàng lên 1% vừa nới rộng biên độ từ ±2% lên ±3%. Theo đó, giá vàng bán ra ở trong nước tính đến trưa ngày 21/8 ở mức 34,8 triệu đồng/lượng.
Theo dự báo của một số chuyên gia, giá vàng ở trong nước sẽ đứng ở mức 34,5 triệu đồng/lượng; nếu có tăng thì có thể ở mức trên dưới 35 triệu đồng/lượng. Việc tăng lên do 3 lý do: giá thế giới tăng; tỷ giá VND/USD tăng; yếu tố tâm lý lo sợ lạm phát tăng nên trú ẩn vào vàng. Tuy nhiên, sự biến động hiện nay là tức thời và chỉ là nhất thời. Sau đó, giá vàng sẽ biến động giống như răng cưa (lúc lên, lúc xuống), nhưng là cái cưa đang chúc xuống- đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.
Các yếu tố tác động
Yếu tố quan trọng nhất và tác động mạnh nhất đến giá vàng trong nước là giá vàng trên thị trường thế giới, bởi vàng của Việt Nam chủ yếu có nguồn từ nước ngoài. Do thị trường trong nước chưa hoàn toàn liên thông với thế giới, nên giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới sau cú sốc phá giá nhân dân tệ sẽ có xu hướng giảm xuống, bởi giá vàng tính bằng USD, mà USD đang mạnh lên.
Yếu tố tiếp theo là sự hồi phục tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2012, 2013 đạt khá, năm 2014 đầy ấn tượng (nhất là 3 quý cuối năm), dự báo năm 2015 còn tăng cao hơn. Thị trường lao động được cải thiện trong các năm 2012, 2013, được cải thiện rõ rệt hơn trong năm 2014, tiếp tục tăng lên trong những tháng đầu năm 2015. Theo đó tỷ lệ thất nghiệp hiện nay giảm xuống còn 5,5%- mức thấp nhất kể từ năm 2008 và sẽ sớm xuống dưới ngưỡng 5%. Thị trường nhà đất tiếp tục phục hồi cả về số giao dịch, cả về giá cả. Thị trường tài chính thăng hoa, chỉ số Dow Jones, chỉ số S&P500 đều tăng trưởng.
Tuy sau cú sốc phá giá nhân dân tệ, các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ có bị chao đảo ít nhiều, nhưng nay đã hồi phục. Các diễn biến tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm cho USD lên giá, trong khi giá vàng được tính bằng USD. Ngoài sự tác động mang tính quy luật là khi giá vàng tăng thì các nhà đầu tư lại tung ra bán, khi giá giảm lại không mua vào làm cho giá vàng càng giảm. Trong thời gian tới khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, đồng USD mạnh lên, lạm phát thấp hơn mục tiêu sẽ khiến giá vàng có thể giảm từ mức 1138 USD/ounce hiện nay xuống còn dưới 1100 USD/ounce, thậm chí có thể còn giảm sâu nữa.
Ở trong nước cũng có nhiều yếu tố tác động, rõ nhất là CPI sau 7 tháng mới tăng 0,68%; cả năm có khả năng thấp xa so với mục tiêu (5%). Khi lạm phát thấp, thì vàng sẽ không có sức hấp dẫn đối với dòng vốn trên thị trường. Mặc dù tỷ giá VND/USD đã 2 lần nới biên độ và 2 lần điều chỉnh tăng, nhưng khả năng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tăng tỷ giá, do ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn vẫn đạt khá (7 tháng FDI thực hiện tăng 8,8%, ODA giải ngân tăng 10,1%, FII có thể giảm, nhưng vẫn ở mức gần 14 tỷ USD, kiều hối tăng gần 10%)
Với diễn biến này, từ nay đến cuối năm khả năng giá vàng sẽ xoay quang mức 35 triệu đồng, thậm chí có thể còn dưới 34 triệu đồng/lượng.