Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ mà NHNN đang lấy ý kiến là không giới hạn thời gian, thay vì “chốt chặn” 31/12/2015 như Thông tư 43. Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, đây là quyết định phù hợp và đúng đắn.
NHNN nên làm gì trước "cuộc chiến tiền tệ"?
- Cập nhật : 18/08/2015
(Tai chinh)
Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc nới biên độ giao dịch tỷ giá thêm 1% sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể về cán cân thương mại".T.S Nguyễn Đức Độ nhận định.
Ngày 12/8 vừa qua, NHNN đã có quyết định nới biên độ giao dịch tỷ giá từ /- 1% lên /- 2%. Động thái này được coi là bất ngờ, bởi sau một loạt các tuyên bố cứng rắn, NHNN lại đưa ra một quyết định nới lỏng tỷ giá rất nhanh chóng. Quyết định này, thậm chí còn khiến cho nhiều người nghĩ rằng, đây là một sự nhượng bộ quá dễ dàng của NHNN trước những sức ép của thị trường trong thời gian vừa qua.
Nhưng cũng vì bất ngờ, nên các giao dịch trên thị trường tự do vẫn “im ắng” và tỷ giá cho đến nay vẫn chưa “chọc thủng” mức trần mới.
Sự “im ắng” này, theo TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), cho thấy cam kết ổn định tỷ giá của NHNN trước đây đã có một sức nặng đáng kể trong việc chi phối kỳ vọng của thị trường.
Nhưng ông có nghĩ rằng lòng tin của thị trường vào các cam kết của NHNN đã bị “sứt mẻ” ít nhiều sau quyết định nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá vừa qua?
Chúng ta cần hiểu rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, NHNN cũng luôn phải đưa ra một cam kết sẽ ổn định tỷ giá. NHNN không thể tuyên bố với thị trường rằng: “vào ngày này, giờ này, tôi sẽ phá giá từng này phần trăm”.
Nếu NHNN không thể hiện một quan điểm cứng rắn, sẽ không thể khống chế được kỳ vọng của thị trường, nhất là khi bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang ủng hộ cho xu hướng VND mất giá.
Nếu kỳ vọng phá giá VND không được khống chế, số người tham gia đầu cơ USD sẽ ngày càng lớn. Xu hướng này, sẽ tạo nên một quả cầu tuyết ngày càng to và đến một lúc nào đó nó sẽ phá vỡ hệ thống tiền tệ quốc gia.
Mặc dù vậy, khi chi phí của việc giữ tỷ giá lớn hơn lợi ích mà nó đem lại, tức là khi có lý do chính đáng, việc phá vỡ cam kết cần được tính đến.
Quyết định nới biên độ giao dịch tỷ giá vừa qua cho thấy, không phải những cam kết của Thống đốc, mà lợi ích của nền kinh tế mới là yếu tố mang tính quyết định và chi phối việc hoạch định chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN.
Vậy có phải việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã buộc NHNN phải thay đổi chính sách tỷ giá của mình?
Các sức ép điều chỉnh tỷ giá đã xuất hiện từ lâu. Nhưng việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ có thể đẩy “cuộc chiến tiền tệ” trong thời gian qua bước vào một cao trào mới.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, trong khi các đồng tiền trên thế giới giảm giá từ 10-20% so với đồng USD, chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc nới biên độ giao dịch tỷ giá thêm 1% sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể về cán cân thương mại.
"Nếu tỷ giá tăng 1%, GDP sẽ tăng khoảng 0,08 điểm phần trăm trong 3 năm tiếp theo, nhưng nếu lãi suất tăng 1%, GDP sẽ bị giảm 0,24 điểm phần trăm trong cùng giai đoạn".
Đặc biệt, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ vẫn ở mức cao, cho dù Việt Nam phá giá mạnh hơn nữa. Đây là vấn đề mang tính cơ cấu. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc, để xuất siêu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Nhưng khi phá giá đã trở thành trò chơi mang tính toàn cầu, liệu Việt Nam có thể đứng ngoài cuộc hay bắt buộc phải tham gia “cuộc chiến tiền tệ” này hay không?
Tất nhiên, Việt Nam không nên đứng ngoài cuộc, vì quy mô xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã lên mức 75 - 80%GDP. Tuy nhiên, việc tham gia “trò chơi phá giá” này ở mức độ nào là tối ưu thì cần phải tính toán.
Với các nước có quy mô nợ nước ngoài ở mức thấp, nền kinh tế không bị tình trạng đô la hóa, họ có thể cho phép đồng tiền của mình giảm giá mạnh so với đồng USD.
Nhưng với Việt Nam, nếu kỳ vọng phá giá vượt quá một mức nào đó, người dân sẽ không muốn nắm giữ VND nữa, mà chuyển sang nắm USD.
Chính sách phá giá quy mô lớn sẽ dẫn đến lãi suất gia tăng. Lúc đó, những lợi ích mà khu vực xuất khẩu nhận được sẽ phải trả giá bằng sự sụt giảm về đầu tư và tiêu dùng, cũng như các ngành sản xuất khác.
Đó là chưa kể nợ công có nguy cơ sẽ vượt trần 65% GDP khi thực hiện phá giá mạnh và lãi suất tăng cao.
Theo các tính toán của tôi, nếu tỷ giá tăng 1%, GDP sẽ tăng khoảng 0,08 điểm phần trăm trong 3 năm tiếp theo, nhưng nếu lãi suất tăng 1%, GDP sẽ bị giảm 0,24 điểm phần trăm trong cùng giai đoạn.
Khi việc phá giá VND bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến lãi suất, chính sách nới lỏng tỷ giá cần phải dừng lại.
Đối với Việt Nam hiện nay, nếu mức phá giá vượt quá 3%, chính sách giảm lãi suất cho vay thêm 1-1,5% sẽ rất khó thực hiện. Sau khi đã để tỷ giá tăng 3%, chúng ta cần ưu tiên cho chính sách giảm lãi suất.
Nếu vậy, từ nay đến cuối năm NHNN nên giữ tỷ giá ổn định không, thưa ông?
NHNN nên tiếp tục đưa ra cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 3% trong vòng 365 ngày tới. Cam kết này cần được hậu thuẫn bằng chính sách can thiệp quy mô lớn khi tỷ giá chạm mức trần. Chúng ta tăng dự trữ ngoại tệ để làm gì? Nếu dự trữ ngoại hối không được sử dụng để can thiệp vào lúc này, thì tốt nhất là nên cho Bộ Tài chính vay!
Vậy chi phí của chính sách này sẽ thế nào?
Vừa qua Ngân hàng BIDV có đưa ra đánh giá, rằng NHNN có thể bán 5-6 tỷ USD để ổn định thị trường ngoại hối nếu cần thiết. Con số này tương đương khoảng 20% vốn chủ sở hữu của hệ thống NHTM hiện nay. Đây có thể là số lượng USD tối đa mà NHNN cần dùng đến, để đạt được mục tiêu.
Nếu NHNN giữ được tỷ giá, liệu lãi suất từ nay đến cuối năm có thể giảm 1-1,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra ?
Sau khi quyết định nới biên độ tỷ giá lên /- 2%, NHNN đã đứng ở bên “miệng hố chiến tranh” và không còn đường lùi, cho dù Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ hay Fed quyết định nâng lãi suất vào tháng 9 hoặc tháng 12 tới.
Nếu thị trường cũng tin như vậy, NHNN có thể yên tâm về “mặt trận” tỷ giá để tập trung vào việc mua trái phiếu chính phủ và giảm lãi suất.
Xin cảm ơn ông!