tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Anh rời EU: Tiêu cực đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU?

  • Cập nhật : 28/06/2016

Việc Anh quốc rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động thế nào đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam? Phóng viên VOV.VN phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về nội dung này.

ts. nguyen tri hieu (anh: dantri)

TS. Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Dantri)

Có thể gây lật ngược lại xu thế toàn cầu hóa

PV: Ông bình luận gì về việc Anh quốc rời EU?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Anh quốc rời EU là một cú sốc cho toàn cầu, là chấn động lớn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008. Trước đó, nhiều người cũng đã dự đoán được rằng phe muốn Anh quốc rời khỏi EU sẽ chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về việc này. Bởi vì việc tham gia của Anh quốc vào EU đã có những trục trặc từ nhiều năm nay.

Nhưng tại thời điểm này, tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng được đẩy mạnh, việc EU thất bại trong việc giữ Anh quốc ở lại EU có thể gây ra sự lật ngược lại xu thế toàn cầu hóa. Bởi sau Anh quốc, dự báo có thể một số quốc gia khác trong EU cũng sẽ suy xét việc rời EU. Nếu điều này xảy ra, có thể dẫn đến sự sụp đổ Liên minh châu Âu. Như vậy có thể sẽ dẫn tới khủng hoảng về toàn cầu hóa trên thế giới.

Tác động tiêu cực đến thương mại giữa Việt Nam và EU?

PV: Vậy sự việc Anh quốc rời EU có ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tỷ trọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh quốc không nhiều so với các nền kinh tế khác. Cho nên việc Anh quốc rời EU, xét riêng khía cạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh quốc thì có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Nhìn xa hơn trong trung hạn và dài hạn, điều này thậm chí còn mang lại lợi ích nhất định, tất nhiên cần lộ trình từ 1 – 2 năm sau khi Anh chính thức rời EU. Bởi vì khi đó, giữa Việt Nam và Anh quốc có thể có những thỏa thuận đơn phương, không lệ thuộc EU.

Nhưng xét rộng ra mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu thì lại khác. Bởi EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Nếu kinh tế EU suy yếu sau cú sốc này, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, nhất là nhiều dự báo rằng, việc Anh quốc rời EU thì làm cho kinh tế Anh quốc và kinh tế EU đều suy yếu. Đó là phân tích khi nhìn trực diện quan hệ giữa Việt Nam với Anh quốc, Việt Nam với EU.

Nếu xảy ra tình trạng đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa thì sẽ bất lợi cho thế giới, trong đó Việt Nam cũng không tránh khỏi. Bởi vì tiến trình toàn cầu hóa mà bị đảo ngược sẽ khiến các quốc gia phải trở lại với chủ nghĩa quốc gia. Họ sẽ phải dựng lên các rào cản để bảo vệ chủ quyền kinh tế, bảo vệ thị trường nội địa và hàng nội địa. Trong khi đó, việc Việt Nam hội nhập quốc tế một phần là muốn các quốc gia cùng hội nhập thì sẽ giảm hàng rào tự vệ, như thế sẽ tăng cơ hội cho hàng Việt Nam có thêm nhiều thị trường hơn.

Nhân dân tệ giảm giá liên tục, áp lực đè lên đồng Việt Nam 

PV: Vậy còn thị trường tỷ giá có ảnh hưởng gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, còn quá sớm để định lượng tác động của việc Anh quốc rời EU tới kinh tế Việt Nam, ít nhất là trong 1 đến 2 năm tới chưa lo ảnh hưởng lớn về vĩ mô. Song về tỷ giá thì có thể chịu ảnh hưởng sớm hơn. Vì hiện có một số đồng tiền đang giảm giá. Việc giảm giá này để các quốc gia xuất khẩu vào thị trường Anh và EU có thể duy trì được sức cạnh tranh về giá của hàng hóa của mình khi vào các thị trường liên quan đồng Nhân dân tệ và Bảng Anh hoặc đồng Euro.

Như thế, nếu Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá phù hợp thì cũng có thể bị tác động đến xuất khẩu vào các thị trường này, đặc biệt là với Trung Quốc. Vì Trung Quốc tiếp tục giảm giá Nhân dân tệ thì hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị đội giá đắt thêm vì tỷ giá, còn hàng Trung Quốc vào Việt Nam càng rẻ thêm.

Cho nên, trong bối cảnh này, càng cần đặc biệt lưu ý là tỷ giá là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá rất đáng kể mấy ngày vừa qua, từ 5,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD, nay đã tăng lên thành 6,66 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Đây là một dấu hiệu không tốt. Nếu đồng Nhân dân tệ đã bị tác động đến như thế thì tỷ giá giữa Việt Nam đồng với đồng Bảng Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn nhớ năm ngoái, khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam cũng phải giảm giá VND để cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam không trở nên rẻ hơn. Cách làm này để bảo vệ hàng Việt trên thị trường nội địa, tránh bị hàng Trung Quốc vào phá giá. Đồng thời, đó cũng là góp phần giữ sức cạnh tranh về giá cho hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam đồng thì cần phải chờ diễn biến cụ thể, chưa thể lượng hóa ngay. Nhưng trên thị trường hôm nay 27/6, đồng Nhân dân tệ đã tăng lên 6,66 Nhân dân tệ đổi 1 USD (trước đó, ngày 26/6 chỉ là 6,62 Nhân dân tệ đổi 1 USD, còn ngày 24/6 mới là 6,57 Nhân dân tệ đổi 1 USD). Trong trường hợp đồng Nhân dân tệ đang tiếp tục mất giá thế này có thể gây áp lực lên Việt Nam đồng, dù Việt Nam đang áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, trong đó không chỉ tỷ giá giữa VND và USD mà còn 8 đồng tiền khác trong rổ tiền tệ./.


Xuân Thân/Theo VOV.VN
Trở về

Bài cùng chuyên mục