Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh sẽ được nghiên cứu để dần chuyển sang kênh bảo lãnh của ngân hàng thương mại liệu có làm khó và đẩy rủi ro cho các ngân hàng thương mại?
Vì sao tỷ giá trung tâm tăng mà tỷ giá thị trường lại chủ yếu giảm?
- Cập nhật : 19/01/2016
(Tai chinh)
Kể từ khi NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ tăng hơn 20 đồng so với cuối năm 2015, trong khi đó tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại điều chỉnh giảm khoảng 50-60 đồng.
Vì sao vừa qua áp cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mà tỷ giá thị trường lại chủ yếu giảm, vì sao lại lệch nhau như vậy? Đây là một trong những câu hỏi khiến nhiều người quan tâm được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến: Đường đi của tỷ giá 2016 do VnEconomy tổ chức chiều nay (18/1).
Đại diện NHNN, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Sau hai tuần NHNN áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam diễn biến tăng/giảm linh hoạt hàng ngày, đến ngày 15/1 ở mức 21.917 VND/USD, tăng 27 VND/USD so với cuối năm 2015, chủ yếu do tác động của diễn biến trên thị trường thế giới như đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh tác động giảm giá một số đồng tiền châu Á, chứng khoán Trung quốc suy giảm, chỉ số USD tăng cao….
Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch trên thị trường trong nước có diễn biến giảm khoảng 50-60 đồng so với cuối năm 2015, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường diễn ra thông suốt, thanh khoản của thị trường tốt.
Diễn biến trên cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.
Quan trọng hơn, diễn biến tích cực này của thị trường ngoại tệ diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới liên tục có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước không chỉ hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ mà còn giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài.
Ông Dũng cho biết thêm trong những năm qua, NHNN điều hành tỷ giá với định hướng ngày từ đầu năm và thông thường điều chỉnh một vài lần trong năm theo một chiều giảm giá VND, vì vậy thị trường thường kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá vào một số thời điểm trong năm, thường có tính mùa vụ cao dẫn đến tình trạng đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.
Tuy nhiên, ở cách thức điều hành tỷ giá mới, NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, do đó, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm. Tỷ giá biến động theo cả hai chiều sẽ hạn chế những cú sốc từ bên ngoài cũng như loại bỏ dần tâm lý găm giữ, đầu cơ trên thị trường ngoại tệ khi tỷ giá chỉ được điều chỉnh 1 chiều trước đây.
Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá là bước đi đồng bộ tiếp theo trong lộ trình chống đô la hóa, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Với việc thực hiện cách thức điều hành tỷ giá mới cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ trong thời gian qua, tỷ giá và thị trường ngoại hối giữ ổn định, lòng tin vào đồng Việt Nam được củng cố, điều này cũng góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.