Năm 2016, các ngân hàng thương mại cho biết sẽ tiếp tục dồn lực xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Theo thông lệ quốc tế, giới nhà băng sẽ mất từ 5-7 năm để xử lý nợ dứt điểm. Còn với Việt Nam, có hay không chuyện khối nợ cả trăm ngàn tỷ được mua xong rồi để đấy?
Kinh doanh ngoại hối: Chiến lược của sự chủ động
- Cập nhật : 07/03/2016
Bài học của 2015…
Một thời gian dài, hoạt động kinh doanh ngoại hối vốn là lĩnh vực mang lại phần lớn lợi nhuận cho các NHTM. Vì thế nhiều NHTM liên tục xin phép NHNN mở rộng các sản phẩm, dịch vụ về ngoại tệ.
Thế nhưng có vẻ tình thế đã thay đổi từ năm 2015. Soi vào báo cáo tài chính quý IV/2015 của các NHTM có thể thấy khá nhiều trong số đó chịu lỗ ở mảng kinh doanh ngoại tệ. Đơn cử như VPBank lỗ gần 200 tỷ đồng vì ngoại hối, luỹ kế cả năm lỗ 290 tỷ đồng; Sacombank lỗ hơn 29 tỷ đồng; ABBank thua lỗ 8,7 tỷ đồng trong khi cuối năm 2014 đơn vị này lãi hơn 26 tỷ đồng....
Nguyên nhân khiến phát sinh ra “mảng tối” này do các NHTM chưa chủ động, thậm chí phần nhiều lúng túng với diễn biến bất thường của các đồng tiền mạnh trên thế giới và sự ngày càng linh hoạt trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN.
Năm 2015 NHNN điều chỉnh tỷ giá 3 lần và 2 lần nới biên độ. Đồng Việt Nam giảm giá 5% so với USD, tâm lý thị trường cũng có nhiều xáo trộn với những tác động của thị trường tài chính quốc tế gây sức ép lên tỷ giá của Việt Nam.
Thêm vào đó, lãi suất dành cho tiền gửi USD xuống 0% cũng ảnh hưởng ít nhiều tới việc kinh doanh ngoại tệ của các NHTM. Ví dụ, theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hà Nội, tính đến tháng 2/2016, tiền gửi ngoại tệ trên địa bàn thành phố đạt 271.085 tỷ đồng, giảm so với thời điểm cuối năm 2015.
Tất nhiên, kết quả kinh doanh của ngân hàng là từ nhiều mảng, lĩnh vực. Và việc ngân hàng hoạt động ra sao, sức cạnh tranh như thế nào... còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thậm chí ngân hàng có thể thua lỗ ở mảng kinh doanh ngoại tệ, nhưng họ lại có lãi ở những lĩnh vực đầu tư khác.
Tuy vậy, thực tế diễn biến phức tạp của thị trường thời gian qua cũng cho các NHTM những “trải nghiệm” mới, đặt ra bài toán khó trong mảng kinh doanh ngoại tệ với bối cảnh thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó lường.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá: cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN với việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày dự báo sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM.
Bài toán khó 2016
DN là đối tượng quan tâm nhiều nhất khi tỷ giá VND/USD biến động, cũng là nhân tố đóng góp quan trọng vào hoạt động kinh doanh ngoại tệ của NHTM. Không chỉ áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, NHNN còn bổ sung thêm nghiệp vụ bán phái sinh ngoại tệ cho các NHTM. DN mua USD kỳ hạn của các NHTM lo lắng về quyền lợi của mình khi khó dự đoán mức độ tăng, giảm của tỷ giá.
Không ít những DN “đau đầu” tính toán chênh lệch giữa dự kiến thu và thực tế chi nếu sử dụng thêm hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ. Mất phí, nhưng ký hợp đồng giao dịch kỳ hạn sẽ giúp cho TCTD cũng như DN giảm thiểu rủi ro tỷ giá.
Cũng có ý kiến cho rằng, sử dụng sản phẩm phái sinh ngoại tệ, DN sẽ được lợi đôi đàng: không những nâng cao khả năng bảo vệ trước rủi ro tỷ giá, mà cho dù cộng thêm mức phí phải trả do ký hợp đồng phái sinh thì chi phí vẫn thấp hơn so với vay bằng VND. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 5,2%/năm; cho vay trung, dài hạn 5,3 - 6,2%/năm.
Tuy nhiên, định hướng của NHNN là chuyển dần huy động - cho vay ngoại tệ, sang mua - bán ngoại tệ. Chính vì thế, đối tượng được vay ngoại tệ sẽ có xu hướng bị thu hẹp dần. Nếu phương thức mua - bán ngoại tệ được áp dụng rộng hơn thì mục tiêu tăng thu từ kinh doanh ngoại hối sẽ là bài toán khó đối với NHTM khi NHNN chủ trương ngày càng linh hoạt trong điều hành tỷ giá.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: việc kinh doanh ngoại hối của các NHTM liên quan trước hết tới điều kiện trong nước.
Theo ông Ánh, nếu chiểu theo cơ chế tỷ giá hiện nay, NHTM nào có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp chắc chắn sẽ có ưu thế hơn trong kinh doanh ngoại hối so với một số NH khác. Cơ hội của họ cũng sẽ nhiều hơn trong lĩnh vực này bởi tỷ giá sẽ biến động theo cả chiều lên và xuống.
Còn với các diễn biến bên ngoài, vị chuyên gia này cho rằng rất khó để dự đoán. Bởi diễn biến tỷ giá năm nay có nhiều yếu tố khó lường. Ngoài chuyện dự báo cân đối trong nước, NHNN cũng như bản thân các NHTM sẽ phải làm tốt cả việc dự báo về diễn biến tỷ giá của các đồng tiền trên thế giới.
Thêm vào đó, cũng cần chú ý tới các khả năng tác động từ việc thay đổi chính sách tiền tệ của những nước có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam, bởi chắc chắn sẽ tác động tới tỷ giá trong nước.
Và đây cũng là một trong những yếu tố khiến dù hiện lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%, nhưng sau diễn biến tỷ giá hối đoái năm 2015, nhiều người vẫn kỳ vọng vào chuyện ngoại tệ tăng giá. Với NHTM, việc giữ được nguồn vốn huy động ngoại tệ sẽ giúp có họ nguồn lực cho tín dụng và cả nguồn tài chính kinh doanh ngoại tệ.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, khi thị trường tài chính tiền tệ thực sự phát triển, NHNN sẽ xem xét cân nhắc có các biện pháp hạn chế huy động ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia tài chính đánh giá chủ trương này là hoàn toàn đúng. Vì nó phù hợp với mục tiêu chống đô la hoá trong nền kinh tế Việt Nam, và đây là cách tốt nhất để giảm huy động ngoại tệ xuống.
Tuy nhiên, câu chuyện này còn liên quan tới biến động tỷ giá hối đoái, niềm tin vào đồng VND, triển vọng lạm phát, chênh lệch lãi suất... Vì thế, để đạt được mục tiêu, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có những giải pháp rất linh hoạt. Điều này đòi hỏi các NHTM muốn duy trì nguồn thu từ kinh doanh ngoại tệ thì phải có được sự chủ động, linh hoạt cao.
Minh Khuê
(Thời báo Ngân hàng)