tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Việt Nam có sức hút riêng với giới đầu tư quốc tế”

  • Cập nhật : 04/03/2016

(Tin kinh te)

“VinaCapital lạc quan về bức tranh kinh tế khá hứa hẹn trong năm 2016”, Giám đốc Điều hành VinaCapital nói...

viet nam co suc hut rieng voi gioi dau tu quoc te

Việt Nam có sức hút riêng với giới đầu tư quốc tế


“Về dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, tôi cho rằng Trung Quốc chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động, và Việt Nam vẫn đang có sức hút riêng biệt, mạnh mẽ với giới đầu tư quốc tế”, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital, nói với chúng tôi.

“Tin GDP sẽ đạt 7%”

Qua các chỉ tiêu kinh tế 2 tháng đầu năm 2016, VinaCapital nhìn nhận thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2016?

Trong 2 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã giữ vững đà tăng trưởng cơ bản, với mức tiêu dùng mạnh và lạm phát vừa phải suốt dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Đầu tư FDI tăng trưởng tốt, đồng nội tệ ổn định và cán cân thương mại thặng dư. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam do Nikkei khảo sát và công bố có giảm nhẹ nhưng vẫn trên mức trung bình 50 điểm, cho thấy sự cải thiện so với tháng trước đó.

Các nền tảng chính sách hiện tại vẫn tiếp tục được triển khai và những điều kiện vĩ mô thuận lợi với các bước tiến mạnh mẽ trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế phát triển hơn nữa.

Nhìn chung, VinaCapital lạc quan về bức tranh kinh tế khá hứa hẹn trong năm 2016. Cùng chung đánh giá này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã nâng mức kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay từ 6,7% lên 7% và chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu này là khả thi.

Có nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại về khả năng nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, ông nhìn nhận thế nào về khả năng này, và nếu điều đó xảy ra, liệu nó sẽ tác động thế nào tới dòng vốn đầu tư đổ vào các thị trường như Việt Nam?

Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, chúng tôi lo ngại về khả năng này. Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam thông qua hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc và tiền đồng cũng chịu áp lực giảm giá theo Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, về dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, tôi cho rằng Trung Quốc chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động và Việt Nam vẫn đang có sức hút riêng biệt và mạnh mẽ với giới đầu tư quốc tế.

“Chứng khoán Việt vẫn có triển vọng tốt”

Gần đây, nhiều quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài chuyên về các thị trường sơ khai đều có góc nhìn tích cực thị trường chứng khoán Việt Nam và tuyên bố có kế hoạch mua cổ phiếu ở thị trường Việt Nam. Là quỹ đầu tư lớn hàng đầu tại Việt Nam, cá nhân ông và VinaCapital nhìn nhận thế nào về cơ hội đầu tư trên thị trưởng cổ phiếu Việt Nam trong năm 2016? Những ngành nào đang hấp dẫn VinaCapital nhất?

VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có triển vọng tốt nhờ tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp song hành cùng các điều chỉnh chính sách giúp đẩy mạnh việc giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tiên, lợi nhuận các công ty niêm yết tiếp tục duy trì đà tăng ở mức khoảng 8-10% trong năm 2016 với doanh thu tăng tốt ở các ngành tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng khá tốt, dù có thể thấp hơn năm trước, nhờ chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, trong khi biên lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao do giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang ở mức thấp và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm trong năm 2016.

Các ngành mà chúng tôi kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong năm 2016 gồm nhóm tiêu dùng thiết yếu (thực phẩm, đồ uống, dịch vụ Internet), tiêu dùng không thiết yếu (bán lẻ, điện thoại, nữ trang, may mặc), ngân hàng/bảo hiểm và ngành hỗ trợ xuất khẩu (cảng biển, cảng hàng không, khu công nghiệp).

Tuy nhiên, về dòng tiền, thị trường sẽ gặp một vài khó khăn trước áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất và nội tệ tiếp tục giảm giá trong năm 2016.

Lợi nhuận của một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng phần nào khi phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc trên thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng như khả năng lãi suất sẽ tăng lên trong năm 2016.

Mặc dù vậy, chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục thoái vốn sẽ là một động lực lớn thu hút vốn trở lại thị trường.

Hiện nay, Nhà nước vẫn giữ lượng lớn cổ phần ở các doanh nghiệp tại thời điểm IPO, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu của quá trình cổ phần hóa. Vừa qua, việc SCIC đẩy mạnh thoái vốn ở các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và ở doanh nghiệp niêm yết, nhường quyền kiểm soát công ty cho các khối tư nhân đã tạo động lực lớn để các nhà đầu tiếp tục hưởng ứng chương trình này.

Cùng với đó là room cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được nới rộng, giúp thu hút một lượng lớn vốn đầu tư quốc tế để trung hòa xu hướng chung rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Đối với VinaCapital, chúng tôi đang theo sát chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và sẽ tham gia thêm các cơ hội thích hợp trong thời gian tới, đồng thời cũng rất kỳ vọng vào các công ty niêm yết lẫn tư nhân có chất lượng tốt hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm - đồ uống, y tế, giáo dục, sản xuất và tiêu dùng...

Không quá lo lắng

Hiện nay mới có 3 doanh nghiệp niêm yết nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Mùa đại hội cổ đông sắp diễn ra đồng loạt, ông có kỳ vọng gì về việc nhiều doanh nghiệp sẽ xin ý kiến cổ đông để nới room, và điều này sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam?

Việc mở room thời gian qua một phần đến từ động lực của Nhà nước để giảm tỷ lệ sở hữu tại một số ngành không trọng yếu và Nhà nước không cần thiết nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao hoặc chi phối.

Việc này cũng giúp Nhà nước có được nguồn thu giúp cân bằng cán cân chi tiêu của Chính phủ và tạo điều kiện để Chính phủ mở rộng đầu tư công. Nới room tạo cơ hội cho nhà đầu tư quốc tế tăng cường tham gia vào các doanh nghiệp tốt, nhất là các doanh nghiệp đã cạn room. Với các quỹ mới bắt đầu tham gia thị trường, đây là thời điểm thuận lợi để giải ngân.

Tất nhiên, VinaCapital hy vọng sẽ có thêm các công ty niêm yết đề xuất mở room ngay trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới, nhưng tùy vào chiến lược và quá trình của từng doanh nghiệp mà việc này có thể trải dài cả năm.

Nhìn chung, nới room, nhất là với các mã blue-chips như VNM, giúp tạo điều kiện cho nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mới sẽ đổ vào Việt Nam, giúp duy trì sự tăng trưởng cho VN-Index và gia tăng thanh khoản thị trường, giúp trung hòa luồng vốn chung rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam, cũng như giúp cân bằng cán cân thanh toán tổng thể để tiền đồng ổn định hơn.

Qua các cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, VinaCapital nhìn nhận thế nào về cơ hội huy động vốn ngoại vào thị trường Việt Nam, và các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới cổ phiếu những ngành nào tại Việt Nam?

Đã có không ít quan ngại đối với dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trước những biến động trên thế giới. Nhưng, như đã đề cập, chúng tôi cho rằng về tổng thể thì không đến mức đáng lo lắng như vậy.

Việt Nam vẫn đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm với nhiều điểm mạnh về kinh tế, xã hội, các chính sách phát triển thị trường vốn và đặc biệt là vừa ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Khi được phê chuẩn và đi vào thực tiễn, các hiệp định này sẽ mở ra cánh cửa giúp không chỉ xuất khẩu mà còn các lĩnh vực khác của Việt Nam tiếp cận thị trường và dòng vốn với quy mô toàn cầu.

Mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài thì vô cùng phong phú, nhưng tựu chung, điều họ cần là một thị trường vốn lành mạnh, phát triển đầy đủ chức năng giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể hoạt động thuận lợi, quy mô phải mở rộng và ngày càng có nhiều công ty tốt thuộc đa dạng ngành nghề được niêm yết để các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn.

 

Theo Nhật Bình
VnEconomy

Trở về

Bài cùng chuyên mục