Tiền ra, tiền vào đang được đặc biệt chú ý, trong bối cảnh lần lượt xét xử các đại án ngân hàng...
Có nên vào cuộc chơi “đỏ đen” với vàng?
- Cập nhật : 20/05/2016
(Tai chinh)
Im ắng suốt 4 năm, “huy động vàng trong dân” tiếp tục được xới xáo bởi một kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam...
Im ắng suốt 4 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 và Ngân hàng Nhà nước quyết tâm đẩy “virus vàng” ra khỏi hệ thống ngân hàng để lành mạnh hóa hoạt động thì tuần qua, “huy động vàng trong dân” tiếp tục được xới xáo bởi một kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.
Một trong những lý do cơ bản để Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra kiến nghị trên là nguồn lực 500 tấn vàng người dân nắm giữ đang bị lãng phí trong khi nguồn vốn ODA dần bị “cai sữa”.
Công cụ đầu tư hay “của để dành” thụ động?
Trao đổi với chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), ông cho rằng, đó là việc không nên làm và chưa thể làm được bởi mấy lý do sau.
Thứ nhất, vàng chỉ là một loại tài sản để dành, có ý nghĩa trong trường hợp dòng tiền “chạy trốn”, phòng ngừa rủi ro khi mọi cơ hội đầu tư khác khép lại, thay vì kênh đầu tư có tính chất phát triển.
Nói cách khác, vàng là công cụ bảo hiểm, “của để dành” một cách thụ động hơn là công cụ đầu tư hiệu quả. Bởi thế, những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, họ ít hoặc không quan tâm đến vàng, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính không biến động lớn.
“Thậm chí, những quốc gia ổn định dài hạn, vàng đơn thuần là vật trang sức. Có người còn lấy vàng làm bộ ấm trà uống nước, chẳng có gì ghê gớm”, ông Nghĩa nói.
Thứ hai, nói rằng “người dân Việt Nam đang nắm giữ 500 tấn vàng” thì chỉ là số liệu mơ hồ, bởi chưa từng có một báo cáo thống kê chi tiết và đáng tin cậy từ một tổ chức nghiên cứu độc lập hay cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, số liệu vàng ở Việt Nam đều được cung cấp bởi các tổ chức quốc tế nào đó, họ nói bao nhiêu thì biết vậy.
Giả định rằng, số liệu vàng 500 tấn kia là có thật và Nhà nước hành xử như kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì đồng nghĩa chấp nhận với tình trạng “chảy máu, thất thoát ngoại tệ”.
Ở chỗ, khi coi vàng là kênh đầu tư quan trọng, cho phép vận hành trong mọi ngõ ngách kinh doanh thì sẽ phải đánh đổi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng. Trong khi đó, ngoại tệ, xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài.
Thứ ba, ở Việt Nam, chưa thể tổ chức được thị trường vàng chính thống và minh bạch; thay vào đó, là một thị trường vàng đầu cơ, buôn lậu, nhập lậu. Cũng chưa có một cơ quan quản lý nào đó được tổ chức một cách chặt chẽ, đủ tầm để nắm rõ dòng luân chuyển ra vào biên giới của vàng.
Vì vậy, nếu tiếp tục xới xáo câu chuyện kinh doanh vàng như trước 2011, chắc chắn hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng lại lao vào cuộc chơi “đỏ đen” với vàng, làm cho thị trường tài chính lâm vào rủi ro và méo mó.
Nói cách khác, hoạt động tổ chức, giám sát quản lý thị trường vàng hiện còn yếu nên chưa thể đề cập đến chuyện huy động vàng trong dân.
Ai quản lý thị trường vàng?
Có khá nhiều câu hỏi phải trả lời trong trường hợp Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng; trong đó, nổi lên hai vấn đề: ai gánh chịu rủi ro về thanh khoản kỳ hạn, giá và cơ quan nào đứng ra tổ chức, quản lý, giám sát thị trường vàng.
Chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu nói: “Kể ra huy động được khối vàng đó để đầu tư trở lại vào nền kinh tế cũng rất tốt nhưng phải khớp được kỳ hạn và giá. Dân nhà mình có thói quen gửi ngắn, nếu Nhà nước huy động rồi đầu tư chỗ khác không kịp rút về để trả cho dân, rồi giá lên xuống phập phù là những rủi ro không dễ dàng cáng đáng”.
Ông Hiếu cũng cho rằng, không nên để các ngân hàng nhập cuộc thị trường vàng vì làm như thế, sẽ đi ngược chủ trương chống “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề tổ chức và quản lý thị trường vàng, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, vàng vừa là hàng hóa, vừa là tài sản. Về mặt hàng hóa, vàng cũng giống như cà phê, hạt điều, hạt tiêu; còn về mặt tài sản, vàng là thứ để tích lũy và chịu quy luật giá cả lên xuống. Nếu chỉ như vậy thôi, cơ quan quản lý phải là Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, do là thứ hàng hóa đặc biệt quý hiếm, nhiều năm liền coi vàng gần với tiền nên đã có sự nhầm lẫn trong xác định cơ quan quản lý.
Ông Thành cho rằng, 4 năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hành động đúng khi loại bỏ vàng khỏi hệ thống ngân hàng khi cấm tiệt huy động cho vay. Nhờ đó, vàng không còn trở thành nhân tố làm hư hỏng tài chính không ít ngân hàng và góp phần ngăn chặn nạn “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc tổ chức “sân chơi” cho thị trường vàng là đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường và là việc nên làm. Theo đó, cần xây dựng một thị trường mà ở đó, vàng là tài sản, là công cụ đầu tư giống như chứng khoán.
Người dân, nhà đầu tư có thể đánh lên đánh xuống, chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nhà nước không nên tham gia mua vào, bán ra mà chỉ thiết lập không gian, hành lang pháp lý, kiểm soát để thị trường hoạt động lành mạnh.
“Mỗi quốc gia có một mô hình quản lý thị trường vàng nhưng không ít quốc gia cấm tiệt ngân hàng thương mại tham gia. Họ e ngại ngân hàng với tiềm lực tài chính mạnh, có thể trở thành tay to, lũng đoạn thị trường. Ngân hàng Nhà nước không nên tham gia vào đó mà là một cơ quan độc lập như cơ quan quản lý thị trường chứng khoán”, ông Thành nói.