Đã gần mười năm kể từ khi bong bóng nhà đất bùng nổ tại Mỹ và 6 năm kể từ khi vụ vỡ nợ của Hy Lạp gây ra cuộc khủng hoảng đồng euro. Lần này, khủng hoảng nợ đang gõ cửa các thị trường mới nổi. Theo một thăm dò của America Merrill Lynch, các nhà đầu tư cho rằng, hai rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới hiện nay là đà suy thoái của kinh tế Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ tại các thị trường mới nổi.
Hoạt động cầm đồ có thể chiếm đến 70% thị phần vay tiêu dùng tại Việt Nam
- Cập nhật : 27/04/2017
Các chuyên gia cho rằng thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang chiếm một phần rất lớn là các công ty cầm đồ, ngoài ra là những hình thức cho vay phi pháp như tín dụng đen… nhưng chưa có một con số thống kê chính xác, hoặc nếu có cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế.
Đây là thực tế được một số chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam” do Viện Quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quản trị kinh doanh, thị trường tài chính tiêu dùng hiện có sự tham gia chủ yếu của 3 nhóm gồm ngân hàng thương mại chiếm 87%, công ty tài chính 12%, các công ty Fintech (công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính) mới chiếm 1%. Ngoài ra còn các hình thức vay phi chính thức khác như: họ, hụi, tín dụng đen…
Ước tính, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu với khoảng 30 triệu người trong khoảng 29-50 tuổi. Tuy nhiên thị trường cho vay tiêu dùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Các chuyên gia cho rằng một phần rất lớn thị phần vay tiêu dùng đang nằm ở những công ty cầm đồ hoặc các hình thức cho vay phi pháp như tín dụng đen. “Rất nhiều % khác trong thị phần cho vay tiêu dùng thuộc về hoạt động cầm đồ nhưng chắc chắn đất nước này không có một số liệu chính xác hoặc nếu có cũng chỉ bằng 1/10 thực tế. Ngoài ra còn những hình thức cho vay phi pháp như tín dụng đen, hiện nay cũng rất lớn. Phần còn lại mới là những số liệu chính thống mà chúng ta đang nói tới” – luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho biết.
PGS. TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh cho biết, tỷ lệ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 5-10% trên tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ này ở các nước phát triển khoảng 40-50%. Trong khi đó, tín dụng ngầm vẫn tồn tại và thu hút nhiều người dân tham gia.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu kích thích được thị trường tiêu dùng sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển hơn, giúp khối doanh nghiệp sản xuất phát triển. “Trong năm 2016, lĩnh vực được khách hàng tập trung vay nhiều là vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp với các khoản giải ngân dưới 40 triệu đồng. Hình thức cho vay cũng đổi mới hơn khi cho vay tiền mặt qua bảng lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh… Tại các công ty tài chính, thủ tục vay rất linh hoạt, hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng (thậm chí chỉ mất 15 phút), lãi suất từ 1,46%-1,6%/tháng, thậm chí có nơi cho vay 0%”, báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện Quản trị kinh doanh cho biết.
Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, các công ty tài chính hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Hơn nữa, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi nên đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng. Các chuyên gia nhận định hiện nay sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng rất đáng kể. Sinh viên ra trường đã sẵn sàng vay mua điện thoại, lap top, xe máy… để phục vụ nhu cầu công việc.
Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kết nối người cho vay và người đi vay theo công nghệ mới, thậm chí không cần đến các điểm giao dịch thì việc cho vay ở các công ty tài chính và các công ty Fintech sẽ bùng nổ mạnh mẽ, thậm chí có thể tiếp cận khách hàng qua smartphone, qua mạng xã hội… Các công ty tài chính cần phát triển các sản phẩm đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam, thậm chí phục vụ các nhu cầu giáo dục, đi du lịch…
Các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam đang là thị trường màu mỡ của các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng. Gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ, Australia… cũng đang đổ nhiều vốn vào các công ty tài chính Việt Nam.
Theo ANTĐ