Cuốn theo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã kéo theo hệ lụy khác là vấn đề chuyển giá ở Việt Nam trầm trọng hơn nhiều nền kinh tế khác.
Mỹ - Fed và FDI vào Việt Nam
- Cập nhật : 26/04/2017
Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD. Nhưng những động thái đó cũng không ảnh hưởng tới dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Đã 1 tháng trôi qua kể từ khi Fed tăng lãi suất USD lần đầu tiên trong năm 2017 và lần thứ hai kể từ năm 2015 (lần tăng lãi suất trước của Fed vào tháng 12/2016 - PV), song trái với lo ngại của nhiều chuyên gia, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã không bị ảnh hưởng nhiều như dự báo.
Thậm chí, trong một nhận định được đưa ra vào tuần trước, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn khẳng định, việc Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng đến vốn FDI vào Việt Nam. “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vì lãi suất tăng lên mà ngừng sản xuất - kinh doanh và rút vốn về nước”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và đã viện dẫn số liệu thu hút FDI trong 3 tháng đầu năm để chứng minh cho nhận định của mình.
3 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI vào Việt Nam là 7,7 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất Samsung Galaxy S8 của Samsung Điện tử Thái Nguyên. Ảnh: Nguyên Đức
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, ước tính tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm và thông qua góp vốn mua cổ phần là 7,7 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đối với dự án FDI đã đăng ký, việc điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất USD của Fed dẫn đến lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng lên. Cụ thể là, nợ của doanh nghiệp vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ tăng, làm chi phí vốn của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, thực tế vốn FDI là đầu tư dài hạn, nhà đầu tư dùng vốn vay để xây dựng nhà máy, phân xưởng nhằm tận dụng lợi thế nhân công rẻ, chính sách ưu đãi… Do vậy, không vì lãi suất tăng lên mà các nhà đầu tư lại ngừng sản xuất - kinh doanh và rút vốn về nước.
“Việt Nam có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI, như tình hình an ninh, chính trị ổn định; có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới - vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây bán đảo Đông Dương; có lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nói như vậy.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thì tính hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI, đặc biệt là của các tập đoàn đa quốc gia sẽ tăng lên. “Bởi vậy, thu hút FDI trong năm 2017 dự kiến vẫn tiếp tục tăng mà không bị ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng lãi suất của Fed”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Market Intello cũng đã khẳng định, khi đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn vào tiềm năng và cơ hội kinh doanh của Việt Nam để quyết định. “Bởi vậy, triển vọng thị trường, chính sách tốt mới là điểm thu hút các nhà đầu tư, chứ không phải là chuyện lãi suất tăng hay giảm”, ông Minh nói.
Fed tăng lãi suất, ngạc nhiên khi vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng lên
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khi đề cập những tác động của việc Fed tăng lãi suất thời gian qua đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã nhắc đến hai chữ “ngạc nhiên”. Ngạc nhiên vì các quỹ đầu tư tiếp tục đổ vốn vào thị trường. “Lý do là nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư khi chính sách của Mỹ còn nhiều bất định”, ông Cấn Văn Lực phân tích.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3 cao nhất từ đầu năm, đạt 303 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm 2017 đến hết tháng 3/2017, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 554 triệu USD.
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,2% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 6,2%.
Tuy vậy, việc Fed dự kiến còn tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2017, vẫn là động thái cần được chú ý. Dù hiện tại, các dòng vốn FDI chủ yếu nhìn vào triển vọng dài hạn của Việt Nam nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, song “không có gì là không thể”.
Trong khi đó, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP cũng vẫn tiếp tục được cho rằng sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nhắc đến tốc độ tăng giải ngân vốn FDI đã chậm lại trong 3 tháng qua (chỉ tăng 3,4%, ước đạt 3,62 tỷ USD - PV) để cho rằng, việc TPP “chết” có ảnh hưởng tới FDI tại Việt Nam.
“Cuối năm ngoái thì vẫn là tâm lý chờ đợi, còn sang đầu năm nay, rõ ràng là đã bị ảnh hưởng”, ông Sang nói.
Không thể phủ nhận tâm lý “chờ đợi”, “lừng khừng” của các nhà đầu tư nước ngoài trước thông tin TPP thất bại. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của “thời điểm”. Còn về lâu dài, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, điểm đến Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, khi mà Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN - mở ra cơ hội kết nối từ Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân trong khu vực và thị trường thế giới.
“Việt Nam cũng không dựa vào duy nhất một quốc gia để thu hút đầu tư. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đến từ nhiều nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Do vậy, dù chính sách của nước Mỹ có thay đổi thì cũng không tác động đáng kể đến thu hút FDI của Việt Nam”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng đã nhận định như vậy.
Nguyên Đức
Theo baodautu.vn