Các chuyên gia cho rằng nếu Chính phủ nới tỷ lệ bán cổ phần ngân hàng lên trên 30% sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trước mắt việc nới room cần có lộ trình từng nấc một và cần phân theo nhóm lớp ngân hàng để áp dụng mức room phù hợp.
Tài chính tiêu dùng bùng nổ không kiểm soát đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc khốn đốn như thế nào?
- Cập nhật : 27/05/2018
Trong lịch sử đã có không ít bài học cay đắng về việc 1 thị trường tài chính tiêu dùng phát triển quá nóng và không được kiểm soát chặt chẽ có thể gây tổn hại đến hệ thống tài chính như thế nào.
Tại cửa hàng điện thoại di động Samsung trong 1 trung tâm thương mại ở Thượng Hải, Lin Wenjie (31 tuổi) đang đắn đo nên lựa chọn loại nào khi nữ nhân viên sale tiếp cận anh và đưa ra 1 lời đề nghị khá hấp dẫn.
Cô gái - nhân viên của công ty tín dụng tiêu dùng Home Credit – cho rằng Lin có thể trả trước 1 khoản tiền nhỏ mà lại mua được chiếc điện thoại cấu hình cao hơn. Cuối cùng, Lin quyết định trả 1.688 tệ (tương đương 250 USD) và Home Credit lo phần còn lại là 5.300 tệ, cho chiếc điện thoại dung lượng 128 gigabyte.
Kể từ khi Trung Quốc quyết định mở cửa thị trường tài chính tiêu dùng cách đây 3 năm, đã có hàng trăm nghìn nhân viên sale đổ bộ các quầy thanh toán trong các cửa hàng hay thậm chí là tại các bãi đổ xe trên khắp Trung Quốc để mời chào những khoản vay mua điện thoại, đồ điện tử và xe ô tô rất hấp dẫn.
Nhu cầu vay tiêu dùng ở Trung Quốc là rất lớn. Những khách hàng trẻ tuổi thuộc thế hệ millennial thường khó có thể được các ngân hàng truyền thống chấp nhận giải ngân. Thị trường tài chính tiêu dùng Trung Quốc được dự báo sẽ đạt quy mô 500 tỷ USD vào năm 2019, trong bối cảnh nước này chuyển đổi mô hình nền kinh tế từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng. Trong lịch sử thì người Trung Quốc thường không vay mượn quá nhiều, những khoản nợ cá nhân được coi là thứ tồi tệ nhưng giờ đây những người trẻ tuổi có quan niệm rất khác.
Có trụ sở tại Czech và hoạt động khá mạnh ở châu Á trong đó có Việt Nam, Home Credit có tới 80.000 nhân viên sale trên khắp Trung Quốc và hiện là công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất ở đây. Nhờ hợp tác với các nhà sản xuất smartphone và những nhà bán lẻ lớn, Home Credit có thể cung cấp khoản vay lãi suất 0%, yêu cầu người mua chỉ phải trả trước 20%. Tuy nhiên phần đem lại nhiều lợi nhuận nhất là những khoản vay online có lãi suất trung bình khoảng hơn 20%. Khoản vay mua hàng tại trung tâm thương mại sẽ mở ra những cơ hội để Home Credit cung cấp các dịch vụ đắt đỏ hơn.
Năm 2016, tỷ suất ROE của Home Credit là 16,2%. Các công ty khác cùng hoạt động trong ngành này đều đồng ý rằng thị trường đang bùng nổ. Howard Liu, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty có trụ sở tại Bắc Kinh MeiLi Finance Group, cho biết tháng 6 năm ngoái đã giải ngân tới 2 tỷ USD. MeiLi cung cấp các khoản vay có lãi suất từ 5% đến 35%.
Con dao hai lưỡi và bài học nhãn tiền từ khủng hoảng thẻ tín dụng ở Hàn Quốc
Hiện tại Trung Quốc cần lo lắng nhiều hơn về nợ của các địa phương và nợ doanh nghiệp thay vì tỷ lệ nợ của hộ gia đình (hiện chỉ ở mức 45%). Lãi suất ở Mỹ tăng ít có tác động lên lãi suất Trung Quốc, trong khi thúc đẩy tiêu dùng có thể tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, thay thế động lực cũ là xuất khẩu.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo mức lãi suất cắt cổ mà những người tiêu dùng trẻ tuổi phải chịu cùng với tỷ lệ nợ hộ gia đình của Trung Quốc có xu hướng tăng cao có thể đem lại rắc rối cho hệ thống tài chính nước này. Thị trường sinh lợi quá lớn khiến các công ty cho vay ngang hàng (P2P) thi nhau nhảy vào, với hàng nghìn nền tảng cung cấp các khoản vay tiêu dùng trực tuyến không hề có kỹ năng quản trị rủi ro.
Những rủi ro này không phải là câu chuyện của riêng Trung Quốc. NHTW Anh (BoE) năm ngoái đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ nhất về thực trạng nợ tiêu dùng bùng nổ, cho rằng các ngân hàng của nước Anh có thể thua lỗ 30 tỷ bảng trên các khoản cho vay từ thẻ tín dụng, vay cá nhân và vay mua ô tô nếu như lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp tăng quá nhanh.
Theo Alex Brazier, người phụ trách ổn định hệ thống tài chính tại BoE, có sự bất cân xứng khi thị trường tài chính tiêu dùng của Anh đang tăng trưởng 10% mỗi năm trong khi thu nhập của các hộ gia đình chỉ tăng 1,5%. BoE đã yêu cầu các ngân hàng tăng nguồn vốn thêm 11,4 tỷ bảng trong 18 tháng tới để dự phòng rủi ro cho khối nợ tiêu dùng đang ngày càng phình to.
Trong lịch sử đã có không ít bài học cay đắng về việc 1 thị trường tài chính tiêu dùng phát triển quá nóng và không được kiểm soát chặt chẽ có thể gây tổn hại đến hệ thống tài chính như thế nào.
Năm 1999, sau khủng hoảng tài chính châu Á, Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích các ngân hàng phát hành càng nhiều thẻ tín dụng càng tốt để thúc đẩy người dân chi tiêu mua sắm nhằm tạo lực đẩy cho nền kinh tế. Đầu những năm 2000, đi trên đường phố Seoul bạn sẽ dễ dàng gặp cảnh thẻ tín dụng được phát dễ dàng cho các sinh viên đại học và cả những người thất nghiệp, bất kỳ ai miễn là họ có thể điền vào đơn yêu cầu mở thẻ.
Tính đến năm 2003 trung bình mỗi người Hàn Quốc sở hữu 4 chiếc thẻ tín dụng – thứ trước đây chỉ những người giàu có mới có thể sở hữu. Tổng nợ thẻ tín dụng lên tới 100 tỷ USD. Kang Hee-yun – 1 nhân viên văn phòng ngoài 40 tuổi – cho biết bà cảm thấy được tôn trọng hơn khi thanh toán bằng thẻ tín dụng và rất thích nó. Tuy nhiên bà Kang thường xuyên sử dụng tiền vay từ thẻ này để trả nợ cho thẻ khác.
Không lâu sau đó xứ sở kim chi đã phải trả giá đắt vì rủi ro từ những tấm thẻ nhựa không được kiểm soát chặt chẽ. Năm 2003, 1 bà nội trợ 34 tuổi nhảy lầu tự tử vì nợ quá nhiều. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì thường xuyên chi tiêu vượt quá khả năng chi trả. Tỷ lệ tội phạm và mại dâm tăng vọt, thậm chí người Hàn Quốc than khóc rằng "xã hội đã phá sản". Cuối cùng, sau khi hàng triệu người vỡ nợ, Chính phủ đã phải ra tay giải cứu LG Card – lúc đó là công ty phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Hàn Quốc.
Cuộc khủng hoảng này còn tạo ra hệ lụy sâu sắc hơn khi khiến thói quen mua sắm của người Hàn Quốc thay đổi. Trước khi làn sóng thẻ tín dụng bùng nổ, họ vốn là những người ưa thích tiết kiệm. Trong nền văn hóa mà các thành viên trong gia đình sẽ giúp đỡ nhau về mặt tài chính, họ thường có thói quen dành dụm tiền để đề phòng bất trắc. Tuy nhiên tỷ lệ tiết kiệm đã giảm từ mức 25% của năm 1998 xuống chỉ còn 2,5% vào năm 2007.
Lãi suất cắt cổ và những hệ lụy đối với xã hội
Một quốc gia châu Á khác là Nhật Bản cũng từng đau đầu giải quyết những bất ổn xã hội xuất phát từ các công ty tài chính tiêu dùng cho người lao động thu nhập thấp vay tiền với mức lãi suất trên trời.
Trong nhiều thập kỷ trở về trước đến năm 2006, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản vì cấp vốn cho những người đi vay bị ngân hàng đánh giá là quá rủi ro. Nhiều người tiêu dùng đang bị giảm lương hay mất việc làm vì suy thoái kinh tế đã phải tìm đến các khoản vay này để trả nợ thẻ tín dụng hoặc thậm chí là duy trì cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó các bên cho vay đã phát triển những cách thức vô cùng thuận tiện như vay trực tuyến hoặc cho vay ngay tại các cửa hàng tiện lợi. Dù lãi suất cao, người đi vay không còn lựa chọn nào khác.
Năm 2005, người tiêu dùng Nhật Bản vay tổng cộng 292 tỷ USD từ các công ty tài chính tài dùng và những bên cho vay phi ngân hàng khác. Con số này tương đương 10% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên các công ty tài chính tiêu dùng không được quản lý tốt có thể dễ dàng trở thành tín dụng đen, biến thành những công ty mang tiếng xấu vì mức lãi suất quá cao và đôi khi là những biện pháp thu hồi nợ khắc nghiệt. Năm 2006, Chính phủ Nhật Bản có bước đi quan trọng khi áp dụng mức lãi suất trần cho các khoản vay tiêu dùng
Biện pháp này là để ngăn chặn những bi kịch mà hàng trăm nghìn người đi vay phải chịu đựng. Năm 1991, Toyoki Yoshida vay 1 khoản nhỏ để mua xe và nhanh chóng lâm vào rắc rối. Vì lãi suất cao, khoản nợ tại 5 công ty tài chính tiêu dùng phình to lên 17.000 USD. Anh tìm đến thế giới tín dụng đen để có thể trả nợ nhưng 5 năm sau số nợ đã lên tới 70.000 USD, tại 50 chỗ khác nhau và đều là nằm ngoài vòng pháp luật.
Yoshida (khi đó 33 tuổi) cuối cùng đã nộp đơn phá sản và tìm thấy lối thoát – nhưng chỉ sau khi 1 chủ nợ dọa sẽ giết mẹ anh và anh có lần đã tìm đến cái chết.
Trong khi đó Aiful, một trong những công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất, bị buộc phải đóng cửa tất cả các chi nhánh trong 20 ngày vì có các hành vi thu hồi nợ bạo lực. Công ty này thường nhắm đến đối tượng khách hàng là người già cả hoặc tàn tật, đôi lúc sẽ liên tục gọi điện đến chỗ làm của người đi vay và đe dọa người thân của họ để đòi nợ.
Tài chính tiêu dùng có thể trở thành động lực hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ bởi nó thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp), kích cầu tiêu dùng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên như những ví dụ ở trên cho thấy đây cũng là "con dao hai lưỡi" cần được kiểm soát rủi ro hết sức chặt chẽ để có thể đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và phát huy tối đa tiềm năng của loại hình tài chính này.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ, CafeF