Vàng miếng SJC một chữ và hai chữ đều có chất lượng như nhau, được lưu thông bình thường, không có sự phân biệt. Hoạt động sản xuất vàng miếng là độc quyền của Nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp…
Vẽ lại bản đồ cho vay tiêu dùng
- Cập nhật : 09/06/2016
Trong năm qua, đã có 15,12 tỉ USD được tung ra dưới hình thức các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ (như cho vay mua ôtô, mua hàng kim khí điện máy...) ở thị trường Việt Nam, tăng 44% so với năm 2014, theo khảo sát của StoxPlus. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức tăng chỉ 12% của năm trước đó.
Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với tín dụng tiêu dùng qua hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tỉ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ đã tăng từ mức 2,3% lên 6,8% (tương đương 90.000 tỉ đồng) vào cuối năm 2015.
Theo StoxPlus, 2 yếu tố quan trọng giúp mảnh đất cho vay tiêu dùng tiếp tục “màu mỡ” là nhờ thu nhập tăng lên và thói quen người tiêu dùng thay đổi.
Đáng chú ý hơn cả là các công ty nội địa đang dần lấy lại chỗ đứng sau thời gian đầu dành sân chơi cho các công ty nước ngoài. Theo StoxPlus, FE Credit, thương hiệu công ty tài chính của VPBank (nay đã được chuyển giao về cho công ty con, gọi là Công ty Tài chính VPBank), đã chiếm lấy vị trí số 1 mà Home Credit nắm giữ nhiều năm qua.
Điểm chung của các công ty ngoại là vào thị trường Việt Nam từ rất sớm, trong giai đoạn 2008-2010, với thế mạnh đặc trưng. Ví dụ, JACCS chuyên cho vay mua xe gắn máy; Prudential tập trung nhiều vào tầng lớp có thu nhập cao (so với khách hàng bình dân); Home Credit thì chuyên cho vay mua sắm vật dụng; Công ty Tài chính Toyota chuyên cho vay mua ôtô hoặc ACS hoạt động theo mô hình trả chậm thương mại. Dù vậy, cái tên xuất hiện nhiều nhất trên thị trường là bộ 3 Home Credit, SGVF (nay đã được HDBank mua lại và hiện đang sở hữu 51% cổ phần, đổi tên là HD Saison) và FE Credit.
Không có báo cáo chi tiết về hoạt động của FE Credit (các công ty tài chính thường hạn chế công bố thông tin ra công chúng), song từ báo cáo hợp nhất và báo cáo riêng lẻ của VPBank có thể ước lượng phần nào quy mô hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng này. Theo đó, quy mô cho vay vào khoảng 20.000 tỉ đồng.
Con số này là bước nhảy vọt với FE Credit khi dư nợ tín dụng vào cuối năm 2014 mới chỉ đạt 3.600 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính của Công ty năm đó. Tại Home Credit, theo báo cáo tài chính năm 2013, dư nợ cho vay chỉ khoảng 4.500 tỉ đồng, trong khi theo thông tin trên website của công ty này, số tiền giải ngân đến năm 2015 đã là 25.000 tỉ đồng.
Những con số ở trên đều chưa được kiểm chứng, nhưng theo khảo sát của StoxPlus, FE Credit đã vượt lên trên Home Credit. Trong khi đó, ông lớn thứ 3 là Prudential Finance có quy mô 13.000 tỉ đồng; HD Saison thì chưa có báo cáo.
Sắp tới, cuộc đua cho vay tiêu dùng sẽ nóng lên khi xuất hiện những đối thủ mới. Năm 2015, có 3 ngân hàng quyết định mua lại công ty tài chính hoạt động không hiệu quả từ tay các tập đoàn nhà nước (theo quy định, ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng thì phải sở hữu một công ty tài chính tiêu dùng). Đó là các cặp đôi Techcombank và Công ty Tài chính Hóa chất (VCFC), SHB và Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel, Ngân hàng Quân Đội và Công ty Tài chính Sông Đà. Dự kiến 3 công ty này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay. Cũng trong năm 2016 này, Công ty Tài chính Vietin - PG Finance dự kiến ra mắt sau thương vụ sáp nhập giữa VietinBank và PG Bank. Nhiều ngân hàng khác cũng đang lên kế hoạch thành lập công ty tài chính tiêu dùng.
Số lượng các công ty tài chính tăng lên sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường. Theo StoxPlus, lợi nhuận biên của các công ty tài chính có thể bị suy giảm vì cạnh tranh gay gắt ở một số điểm bán. Tính riêng Home Credit, FE Credit và HD Saison thì mỗi công ty sở hữu trên dưới 5.000 điểm bán, lớn hơn nhiều so với các công ty tài chính tiêu dùng còn lại.
Trong khi không ít ngân hàng đang thâu nạp công ty tài chính thì một xu hướng ngược lại đang diễn ra: ngân hàng bán đi một phần công ty tài chính mình sở hữu. HDBank, chẳng hạn, trước đây mua lại SGVF, đổi tên thành HDFinance, sau đó bán 49% cổ phần ở công ty tài chính này cho nhà đầu tư Nhật Credit Saison và đổi tên thành HD Saison. VPBank cũng đang có kế hoạch tương tự, dù chưa tiết lộ đối tác là ai. Được biết, lợi nhuận sau thuế của FE Credit ước tính chiếm tới hơn 33% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này vào năm ngoái.
Ở mô hình công ty tài chính, một yếu tố quan trọng là lãi suất đầu vào. Với sự tham gia của nhà đầu tư mới, ngân hàng mẹ có thể được hưởng lợi từ việc cho công ty tài chính tiêu dùng vay theo lãi suất thị trường, thay vì mức lãi suất thấp như trước đây. Trong khi đó, ngân hàng có vốn (vốn góp từ nhà đầu tư chiến lược) để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Yếu tố quan trọng khác là danh mục sản phẩm. HD Saison được xem là khá tích cực mở rộng danh mục cho vay và nay đã xuất hiện thêm cho vay mua nội thất và đi du lịch. Nhưng nhìn chung, điều mà nhiều công ty tài chính nội địa đang thiếu hụt là kinh nghiệm phát triển sản phẩm tiêu dùng. Chính ở điều này, vai trò của các nhà đầu tư chiến lược được đánh giá cao.
Có thể thấy, trong giai đoạn sơ khai trước đây, các công ty tài chính chủ yếu tài trợ các sản phẩm trong phân khúc xe máy, ôtô, sau đó đến các sản phẩm có giá trị thấp và phổ biến như điện thoại di động. Tuy nhiên, khi thị trường trở nên bão hòa, cũng là lúc các công ty tài chính tiêu dùng mở rộng danh mục sản phẩm, hoặc tiến tới những món hàng có giá trị tương đối lớn.
Năm ngoái, FE Credit và JACCS (Nhật) lần đầu tiên phát hành thẻ tín dụng để cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Gần đây, Công ty Tài chính Toyota Việt Nam đã được cấp giấy phép bổ sung thêm hoạt động cho vay tiêu dùng. Trước đây, công ty được biết đến là “sân sau” của hãng Toyota nhằm cung cấp tín dụng trực tiếp cho khách hàng muốn mua xe.
Bất kỳ sản phẩm tiêu dùng hằng ngày nào cũng đều có khả năng trở thành đại dương xanh mới cho tín dụng tiêu dùng, trong đó không loại trừ 2 dịch vụ quan trọng như giáo dục và y tế, hiện còn bỏ ngỏ. Song tín dụng tiêu dùng luôn là những khoản vay rủi ro cao. Thực tế đã chứng minh chúng chính là nguyên nhân gây trục trặc cho hệ thống tài chính ở một số quốc gia trên thế giới. Vì thế, vấn đề lại quay trở về với câu chuyện năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng trong cuộc chơi công ty tài chính tiêu dùng.
Thanh Phong
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)