tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gánh nặng nợ công tăng lên khi VND xuống giá

  • Cập nhật : 15/08/2015

(Tin phap luat)

Ba ngày liên tiếp giới đầu tư toàn thế giới mất ngủ vì động thái phá giá của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do vọt lên 22.200 VND/USD, tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng (NH) chạm trần cho phép của NHNN. Các chuyên gia cho rằng khi VND mất giá đồng nghĩa với gánh nặng nợ công sẽ lại đè nặng lên Chính phủ.

ganh nang no cong tang len khi vnd xuong gia

Gánh nặng nợ công tăng lên khi VND xuống giá

Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”

Sáng ngày 13.8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục gây sốc cả thế giới bằng việc phá giá Nhân dân tệ (CNY) so với USD ngày thứ 3 liên tiếp. Tỉ giá CNY so với USD giảm thêm 1,1%, thấp hơn hai mức 1,9% và 1,6% trong hai ngày 11 và 12.8. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 12.8 thông báo tỉ giá hối đoái sẽ được dựa trên những diễn biến thị trường toàn cầu qua đêm và CNY vào lúc đóng cửa ở phiên giao dịch trước được mua bán với giá nào. Động thái này châm ngòi cho quan ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ, trong lúc Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy xuất khẩu. Trung Quốc đang “ôm mộng” tham vọng đẩy hàng rẻ mạt tràn ra thế giới

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN hiện đang “đứng ngồi không yên” trước những biến động tỉ giá trong 3 ngày gần đây. Ông Lê Quang Luyến - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An (Bình Phước), cho biết: Xuất khẩu điều càng khó khăn hơn rất nhiều. Gần đây, Trung Quốc nâng thuế giá trị gia tăng với hạt điều nhập khẩu từ 5% lên 13%. 

Nay, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, khó khăn càng chồng chất khó khăn cho DNVN. VN xuất hàng vào Trung Quốc bằng 2 con đường: Chính ngạch và tiểu ngạch. Nếu DN muốn xuất chính ngạch để thu tiền về bằng USD, đối tác Trung Quốc phải dùng CNY mua USD thanh toán. Nay, CNY mất giá, các đối tác tốn nhiều tiền hơn. Như vậy, chi phí tăng đổ hết vào giá thành và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ lãnh đủ. 

Người tiêu dùng sẽ có xu hướng giảm chi tiêu, dẫn tới Trung Quốc giảm nhập khẩu… Thứ hai, nếu DN xuất khẩu điều bằng con đường tiểu ngạch, giao dịch giữa 2 bên bằng CNY, VND hoặc trao đổi hàng hóa. “Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ còn phá giá đồng nhân dân tệ tới 10 - 12%. Các DN Việt Nam cần phải nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới” - ông Luyến nhìn nhận.

Gánh nặng nợ công tăng lên khi VND bị phá giá

Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao sau khi NH Nhân dân Trung Quốc phá giá CNY 3 ngày liên tiếp và NHNN VN điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ +/-1% lên +/- 2% vào ngày 12.8? Bên cạnh đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, điều đó đồng nghĩa với việc khi tỉ giá biến động ảnh hưởng trực tiếp đến việc trả nợ ODA của Chính phủ Việt Nam. 

Về vấn đề này, ông Mutsuya Mori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam - nhìn nhận, đồng CNY bị phá giá dẫn tới việc xu hướng giảm phát trên toàn thế giới do hàng Trung Quốc giảm giá. Hàng hóa trên thế giới có xu hướng giảm theo (ngày 12.8, giá dầu giảm sau khi thông tin Trung Quốc phá giá đồng CNY). Khi nguồn cung trên thế giới giảm sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. “Cuộc chiến tranh tiền tệ đang trở thành hiện thực, gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế toàn thế giới, trong đó có Việt Nam” - ông Mutsuya Mori cho biết.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu kim ngạch xuất - nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất xuất khẩu, và nhập nhiều sản phẩm nguyên - phụ liệu từ Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam ở khía cạnh nào đó có cạnh tranh với Trung Quốc, tuy nhiên các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc không giống nhau do Trung Quốc có công nghệ tiên tiến hơn. 

Cơ cấu xuất - nhập khẩu có thể bù đắp lại ảnh hưởng tiêu cực tới tỉ giá hối đoái. Ông Mutsuya Mori cho rằng, gánh nặng nợ công Việt Nam có thể tăng. Cụ thể, chính phủ Việt Nam sẽ phải trả nhiều tiền VND hơn cho các khoản nợ công nước ngoài. Việt Nam sẽ phải thanh toán nợ công nước ngoài bằng tiền USD cho Ngân hàng Thế giới và ADB, và thanh toán bằng yên Nhật cho các dự án ODA của Nhật Bản.

Về logic, khi đồng USD mạnh hơn, nhiều người dân có tâm lý thích nắm giữ tiền USD hơn VND. USD và vàng có thể được coi là kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy có thể dẫn tới tình trạng các nhà đầu tư rút vốn khỏi Việt Nam. Trái phiếu chính phủ Việt Nam sẽ giảm giá và kém hấp dẫn vì các nhà đầu tư lo ngại VND sẽ còn bị mất giá hơn nữa. Để hấp dẫn các nhà đầu tư, Chính phủ buộc phải nâng lãi suất cho trái phiếu chính phủ. 

Điều này dẫn tới hệ quả là Chính phủ cần nhiều VND hơn để trả cho khoản lãi suất cao đó. Điều đó khiến VND lại càng mất giá. Kịch bản có thể diễn ra như sau: VND mất giá - USD mạnh lên - Trái phiếu chính phủ kém hấp dẫn - Chính phủ nâng lãi suất trái phiếu - Gánh nặng trả lãi suất lại đè nặng lên Chính phủ.

 
Trung Quốc tuyên bố việc điều chỉnh tỉ giá đã hoàn thành

Sau khi tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ (CNY) thêm 1,1% trong ngày 13.8, Trung Quốc nói việc điều chỉnh tỉ giá cơ bản hoàn thành. Mức giảm này thấp hơn so với mức giảm sốc trong hai ngày đầu tuần 1,9% và 1,6%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nói rằng việc điều chỉnh để rút ngắn khoảng cách giữa tỉ giá tham chiếu với giá giao dịch thực tế của đồng CNY đã “hoàn thành về cơ bản” và đồng NDT sẽ mạnh về lâu dài. Zhang Xiaohui - trợ lý Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng giá trị của đồng CNY đã dần trở về mức của thị trường sau các lần phá giá 2 hôm trước. Đồng tiền sẽ mạnh và không có cơ sở để phá giá đáng kể và liên tục. PBOC hôm 12.8 đã cải cách hệ thống xác định tỉ giá hàng ngày, tạo cho các lực lượng thị trường phát huy đầy đủ trong việc quyết định tỉ giá hối đoái của đồng NDT. Việc xác định tỉ giá hàng ngày dựa một phần vào giao dịch của ngày hôm trước, đưa đồng CNY gần hơn tới một đồng tiền bị thả nổi. V.N (Theo BBC, Reuters)

(Theo Báo Lao Động)

 
Trở về

Bài cùng chuyên mục