(Tin kinh te)
Hàng loạt thiết bị, phụ tùng của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu ra thế giới nhưng ngay tại nội địa, họ lại chật vật, thậm chí không thể kết nối cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh - Ảnh: Ngọc Sơn
Chỉ để lấy lòng chủ nhà ?
Chúng ta đang quy định theo kiểu “khuyến khích” hơn là “bắt buộc” để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny
Mới đây, Sở Công thương TP.HCM tổ chức buổi họp với doanh nghiệp (DN) TP.HCM về đề nghị “nhờ tìm giúp” DN cung cấp 144 thiết bị cho Tập đoàn Samsung tại VN. Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TP.HCM hoài nghi, đây chỉ là động thái “lấy lòng chủ nhà”. Bởi Samsung gửi bảng danh mục cho Sở Công thương TP.HCM với lời đề nghị tìm nhà cung ứng giúp nhưng đơn vị này lại không hề tham gia buổi gặp gỡ DN. Ông Anh cũng khẳng định, DN Việt thừa sức để làm được nhiều thiết bị “lõi” trong một sản phẩm lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Bằng chứng là nhiều DN nhỏ của VN vẫn đang làm nhiều thiết bị quan trọng để xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các công ty nước ngoài có tên tuổi.
Bổ sung nhận định này, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Thống Nhất, cũng cho biết: Samsung đã tiếp xúc với công ty, từ gặp trao đổi đến thăm nhà máy tổng cộng 6 lần. Công ty cũng đã gửi 2 bộ hồ sơ, một sang Singapore và một đến nhà máy của tập đoàn tại tỉnh Bắc Ninh, nhưng đã lâu chưa thấy hồi âm. “Trước đó, họ cũng có gửi danh sách các thiết bị và yêu cầu báo giá. Chúng tôi có email hỏi lại một vài thông số kỹ thuật cho rõ ràng hơn nhưng lại không nhận được hồi âm”, ông Hồng cho biết thêm. Công ty cao su Thống Nhất hiện đang cung cấp một số linh kiện phụ tùng cao su kỹ thuật cao cho các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Skellerup, Molten (chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô cho các hãng Honda, Mazda, Toyota, Nissan, BMW, Ford…).
Theo ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, nhà đầu tư nếu cần tìm nhà cung cấp tại chỗ thực sự, họ sẽ có nhiều cách tiếp cận chứ không phải gửi danh sách nhờ “đánh tiếng” giúp như trường hợp nói trên. Tuy nhiên, lỗi một phần do chính sách thu hút FDI của VN ngay từ đầu không quy định rõ ràng tỷ lệ bắt buộc DN FDI phải sử dụng nhà cung cấp nội địa.
Không chỉ trong các lĩnh vực cơ khí điện máy, ngay với lĩnh vực thực phẩm ăn uống, từ quả trứng gà, bột chiên gà, đến chiếc ly giấy..., nhiều nhà đầu tư ngoại cũng “lơ” nhà cung ứng tại chỗ. Theo tiết lộ của một quản lý kinh doanh một chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh vào VN hơn 5 năm nay, các nhà cung cấp từ Thái Lan, Singapore hoặc cả Trung Quốc vốn là nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn, nên khi vào VN, họ tiếp tục chọn những nhà cung ứng này. "Họ không bị áp lực phải sử dụng nguyên liệu nội địa. Do chỉ là khuyến khích, nên thường DN chỉ tìm nhà cung ứng nội địa với điều kiện nhập khẩu quá khó khăn hoặc giá cả cung cấp tại chỗ rẻ hơn hàng nhập mà thôi", vị này cho biết.
Bắt buộc thay vì khuyến khích
Vốn FDI sẽ còn tăng mạnh
Theo ông Trinh, vốn đầu tư FDI vào VN trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ vì DN nước ngoài muốn đón cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng chung ASEAN (AEC). Do đó, VN cần tích cực hơn trong quá trình kết nối giữa DN nội và DN nước ngoài. Có như thế, FDI mới thật sự hiệu quả.
Theo tiết lộ của các DN nội địa từng tham gia “thi thố” để trở thành nhà cung ứng thiết bị cho các tập đoàn đa quốc gia, họ bị “vướng” bởi các tổng thầu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc là những nhà cung ứng vệ tinh đã được tập đoàn thiết lập từ trước. Theo đại diện một DN trong lĩnh vực gia công phần mềm: “Nhà đầu tư vào VN, trước hết tận dụng được nhân công giá rẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, nhưng quan trọng hơn là chính sách ưu đãi đầu tư khá tốt của VN. Chứ mục đích tìm nhà cung ứng tại nước bản địa là rất thấp vì họ đã có hệ thống cung ứng hoàn chỉnh. Nếu có, DN Việt cũng chỉ tham gia phần phụ”.
Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng, kết nối giữa DN nội địa và nhà đầu tư nước ngoài là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chính sách thu hút FDI. Bởi chỉ có kết nối, DN trong nước mới có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời được chuyển giao một phần công nghệ từ DN FDI. Trong các mục ưu đãi cho FDI, VN cũng đòi hỏi nhà đầu tư ưu tiên với hàng hóa cung ứng từ trong nước, đổi lại, họ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Nhưng thực tế lại không như kỳ vọng khi nhà đầu tư ngoại luôn cố tình đẩy DN nội ra rìa để giành “đất sống” cho các DN nước ngoài vệ tinh đi theo họ. Theo ông Trinh, lẽ ra các ràng buộc về sử dụng nguồn cung ứng trong nước phải được đề cập một cách cụ thể trong chính sách thu hút FDI và phải có giám sát việc thực thi những ràng buộc đó. Dĩ nhiên, phía VN phải phát triển công nghiệp phụ trợ song song với ràng buộc.
Ông Robert Trần cho rằng: “Chúng ta đang quy định theo kiểu “khuyến khích” hơn là “bắt buộc” để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Chẳng hạn, một công trình dự án sẽ sử dụng bao nhiêu lao động VN, bắt buộc để DN trong nước đấu thầu thi công lắp ráp nhà xưởng thế nào… Nếu có những điều kiện rõ ràng này, chắc chắn DN FDI phải chủ động nỗ lực tìm mọi cách tiếp cận nhà cung cấp nội địa và ngược lại, nhà cung cấp nội địa cũng dễ dàng bước vào cuộc chơi này hơn.”
Chỉ 4 doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp
Thông tin từ Samsung, tính đến nay, có 32 DN VN tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung VN, tính luôn số những DN đang trong diện được xem xét, con số đó lên đến 41. Trong đó, chỉ có 4 DN ký hợp đồng trực tiếp, 28 DN là nhà cung ứng cấp 2 (cung cấp gián tiếp thông qua một DN nước ngoài).
(Theo Báo Thanh Nien)