Hạn mức chi trả tối đa của Quỹ bảo vệ người được BH là 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp BH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng tùy từng trường hợp cụ thể.
Tái cấu trúc ngân hàng: Kinh tế tư nhân vào cuộc
- Cập nhật : 04/08/2015
(Tai chinh)
Trong giai đoạn mở đầu cho quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng (NH), đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân vào cuộc.
Gần đây, việc Kinh Đô (KDC) rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bankkhiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, việc tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để phát triển là vấn đề được DongA Bank quan tâm trong năm 2015.
Như vậy, ngoài KDC, sắp tới đây, DongA Bank sẽ có thêm cổ đông chiến lược khi hoàn tất tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên Kinh Đô đầu tư vào lĩnh vực tài chính - NH. Trước đó, tháng 2/2007, Kinh Đô đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược, đầu tư 90 triệu USD vào Eximbank, trở thành một trong những đối tác chiến lược của Eximbank.
Chỉ trong khoảng 3 năm sau đó, Kinh Đô đã rút khỏi Eximbank và nay đã trở lại với việc nắm giữ gần 17% cổ phần của DongA Bank. Như vậy, việc Kinh Đô nhìn thấy tiềm năng ở lĩnh vực tài chính - NH đã có cách đây gần 20 năm, nhưng quá trình tái cơ cấu ngành NH được xem là thời điểm tốt để đầu tư.
Trước mắt, việc đầu tư 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank sẽ giúp KDC giảm bớt gánh nặng giải ngân, và áp lực này sẽ tiếp tục giảm khi KDC dự kiến sẽ gia tăng đầu tư tại NH này trong thời gian tới. Ngoài ra, đây có thể xem là cơ hội để KDC tham gia bắt đáy cổ phiếu ngành NH đang ở mức thấp nhất.
Xu hướng các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh NH là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế hụt vốn.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, đầu tư tư nhân vào NH sẽ khó thành công. Bởi thực tế đã không ít tập đoàn kinh tế tư nhân thất bại chỉ sau thời gian ngắn làm chủ NH.
TrustBank cũng là một trong 9 NH có nợ xấu cao, buộc tái cấu trúc và đã được Tập đoàn Thiên Thanh cùng nhóm cổ đông lớn "thâu tóm" và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Thế nhưng, các cổ đông lớn của NH này đã không đưa được thương hiệu VNCB phát triển. Ngược lại, đã sớm để NH này xuống dốc trước khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng.
VietA Bank sau nhiều năm có vốn góp của Tập đoàn Đầu tư Việt Phương vẫn chưa thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng. Hoạt động của VietA Bank chưa có nhiều điểm sáng trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Trên thị trường những ngày qua đang lan truyền tin Nam A Bank và nhóm cổ đông lớn có khả năng thâu tóm thành công Eximbank.
Kết quả của thương vụ này cũng phần nào hé lộ sau khi Nam A Bank miễn nhiễm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Quốc Toàn và ĐHCĐ thường niên Eximbank diễn ra ngày 21/7 cũng phần nào lý giải cho việc này.
Đáng chú ý là Vietcombank đã dồn toàn bộ cổ phiếu nắm giữ tại Eximbank (8,2%) cho Nam A Bank mà người nhận ủy quyền là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank. Động thái này cho thấy, thương vụ Eximbank-Nam A Bank sắp có hồi kết.
Đến nay, NHNN vẫn chưa phê chuẩn nhân sự cấp cao nhiệm kỳ giai đoạn 2015 - 2020 của Eximbank nên phải đợi đến kỳ ĐHCĐ bất thường tới đây của Eximbank mới chính thức biết được người sẽ ngồi "ghế nóng" Eximbank là ai.
Nhưng mọi dấu hiệu đều cho thấy, Nam A Bank đang tìm cách nắm quyền chi phối Eximbank. Đặc biệt là trong giai đoạn năm 2014, Eximbank hoạt động có phần sa sút về lợi nhuận trước bối cảnh nợ xấu tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng lớn.
Lợi nhuận trước thuế (sau trích dự phòng) Eximbank trong năm 2014 chỉ vẻn vẹn 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, vực dậy Eximbank bằng cách nào vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Cơ hội đầu tư trong quá trình tái cấu trúc NH đang được xem là cơ hội có một không hai đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân. Nhưng bối cảnh chung về thua lỗ, nợ xấu tăng của ngành NH cũng là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư mới này.
Đặc biệt là vào giai giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, vấn đề sáp nhập, hợp nhất, nhất là khi Chính phủ sẽ cho phép NH nhỏ, cần tiềm lực tài chính tái cấu trúc có thể bán lại 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, cuộc cạnh tranh thị phần giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với dòng vốn ngoại sẽ vô cùng khốc liệt trong thời gian tới...
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)