Chính phủ cho biết số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng đã tăng so với năm trước...
Có nên coi Bitcoin là 'hàng hóa' đặc biệt?
- Cập nhật : 31/10/2017
Dù Bitcoin đang “phủ sóng” ngày càng rộng, giá trị tăng vù vù, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn không công nhận đây là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Bitcoin liên tục lập đỉnh mới trong mấy tuần gần đây, hiện giá đã vượt ngưỡng 6.000 USD trên mỗi đơn vị (Ảnh minh họa: KT)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. NHNN cũng cho biết, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng, thậm chí có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, mới đây, Đại học FPT lại vừa thông báo cho phép sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam có thể dùng Bitcoin như một công cụ để thanh toán học phí. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT giải thích, việc sử dụng Bitcoin như một công cụ thanh toán góp phần tăng khả năng công nghệ của sinh viên, giúp sinh viên nước ngoài giải quyết khó khăn về vấn đề chuyển ngoại tệ, chi phí chuyển tiền khi đóng học phí.
Chủ tịch Đại học FPT cho biết, việc NHNN "không công nhận" nhưng không có nghĩa Bitcoin "không phải là tiền tệ" và trường sẽ quản lý Bitcoin giống như một dạng ngoại tệ thông thường.
Ứng xử thế nào với Bitcoin?
Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ và cho rằng Bitcoin là một sản phẩm công nghệ và Đại học FPT có một bước đột phá mới, có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại việc cho phép sử dụng Bitcoin để nộp học phí do đây là đồng tiền ảo chưa được chấp nhận ở Việt Nam.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một khi Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác vẫn đang bị cấm tại Việt Nam, thì việc một trường đại học lại chấp nhận đồng tiền này là bất hợp lý.
TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm đồng tình với NHNN về việc không thừa nhận Bitcoin và các đồng tiền "ảo" tương tự là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, không nên gọi đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin là tiền "ảo" bởi nó có "giá trị thực", mà nên gọi nó là "tiền điện tử".
Tiền điện tử Bitcoin nên được chấp nhận như một loại hàng hóa, TS. Hiếu nêu quan điểm. Tức là, không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, tài sản khác, nhưng có thể chấp nhận việc mua - bán, trao đổi với nhau.
Đối với Bitcoin, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên cấm dùng để thanh toán và coi đây là một loại tiền mang tính lừa đảo, hoặc là chấp nhận và coi nó là một sản phẩm, một loại "hàng hoá" trên thị trường.
Nếu sử dụng biện pháp cấm thì dĩ nhiên những người chơi sẽ được coi là vi phạm pháp luật, như vậy trên danh nghĩa chúng ta có thể kiểm soát được sự bành trướng của nó, nhất là không cho phép đồng tiền này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho các hành vi phi pháp, tham nhũng và rửa tiền, TS. Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thống "ngầm", khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý, vì tiền điện tử không có hình thái như đồng tiền thông thường mà chỉ tồn tại trên hệ thống máy tính.
Để quản lý, giám sát, kiểm soát được tiền số Bitcoin, theo TS. Hiếu, cần phải có quy định rõ ràng về sàn giao dịch Bitcoin, có vốn đăng ký, địa chỉ rõ ràng, người đứng đầu chịu trách nhiệm cụ thể. Người tham gia có thể dùng ví điện tử để giao dịch mua – bán.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng, Việt Nam cần có khung pháp lý phù hợp thừa nhận Bitcoin là hàng hóa và bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát, quản lý.
Thảo luận tại tổ tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV mới đây, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) đã đề xuất Việt Nam nên sớm luật hóa giao dịch Bitcoin để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế và có thể thu thuế.
Vị đại biểu này dẫn thực tế hiện nay các giao dịch mua bán Bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Như vậy, theo ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM, có giao dịch đồng nghĩa với phát sinh doanh thu, vậy Nhà nước phải tính chuyện quản lý, thu thuế.
Ngoài ra, có sự phát sinh thương mại giữa người với người trong mối giao dịch liên quan đến đồng tiền này nên chúng ta phải quản lý để đảm bảo quyền tự do thương mại, tự do kinh doanh của người dân, từ đó cho thấy phải hình thành pháp lý để quản lý đồng tiền ảo này, ông Phạm Phú Quốc cho biết.
Giá Bitcoin tăng từng ngày
Thời gian gần đây, giá Bitcoin liên tục xô đổ kỷ lục, hiện đã vượt qua mốc 6.000 USD trên mỗi đơn vị. Có thể nói rằng, chưa bao giờ tiền ảo Bitcoin lại đắt giá như thế trong cuộc chạy đua với tiền thật.
Đầu năm ngoái, Bitcoin có giá chưa tới 400 USD, nhưng đến nay đã tăng giá khoảng 15 lần. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017, Bitcoin đã tăng hơn 500%.
Chỉ hơn 1 tuần sau khi vượt 6.000 USD lần đầu tiên, đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên của thế giới đã tăng lên mức cao 6.306,58 USD trên chỉ số giá bitcoin của CoinDesk vào thời điểm sáng nay (30/10).
Theo số liệu từ CoinMarketCap, vốn hóa Bitcoin hiện có giá trị hơn 100 tỷ USD, cao hơn cả một số "ông lớn" ngân hàng ở Phố Wall (Wall Street).
Một khảo sát của CNBC cho thấy mọi người đều lạc quan về tương lai Bitcoin. Nhiều dự đoán cho rằng giá trị Bitcoin có thể đạt 10.000 USD trong vòng từ 6 tới 12 tháng tới.
Theo VOV News