Hoàn toàn không có mâu thuẫn giữa việc đồng thời thực hiện cơ chế tỉ giá thả nổi có quản lý với lạm phát mục tiêu.
Bitcoin - “bong bóng” hay quyền lực mới?
- Cập nhật : 19/10/2017
Những ngày qua, đồng Bitcoin (BTC) đã tăng giá mạnh mẽ nhất trong lịch sử kể từ khi xuất hiện. Chỉ trong vòng 3 ngày (12, 13 và 14/10) đã tăng hơn 1.000 USD/ BTC và đạt mức cao kỷ lục mới tại 5.885 USD/BTC.
Ảnh minh họa.
So với mức giá 896 USD hồi đầu năm nay, mỗi đồng BTC đã tăng giá hơn 5 lần, trở thành tài sản tăng giá mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay. Sự tăng giá mạnh mẽ của đồng Bitcoin, thứ nhất là do nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng sự kiện chia tách Bitcoin vào ngày 25/10 tới sẽ tiếp tục làm tăng lượng tài sản của nhà đầu tư lên, điều từng diễn ra khi đồng Bitcoin được chia tách lần thứ nhất để tạo ra đồng Bitcoin Cash vào đầu tháng 8 năm nay.
Cụ thể vào ngày 25/10 tới đây, đồng Bitcoin Gold sẽ được phát hành và vào ngày 18/11 tới Bitcoin sẽ có một phiên bản mới dựa trên sự kiện Segregation Witness hay còn gọi là SegWit2x. Điều này đồng nghĩa những ai đang nắm giữ Bitcoin thì cũng sở hữu thêm Bitcoin Gold.
Hôm 1/8, đồng Bitcoin cũng đã được chia tách và tạo ra đồng Bitcoin Cash mới, theo đó những nhà đầu tư nào đang nắm giữ đồng Bitcoin cũng đồng thời sở hữu đồng Bitcoin Cash và sau sự kiện này, đồng Bitcoin đã tăng một mạch từ quanh 2.800 USD/ BTC lên tận 4.400 USD/BTC chỉ trong vòng nừa đầu tháng 8, trong khi đồng Bitcoin Cash cũng tăng giá mạnh đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư đang nắm giữ cả 2 đồng tiền trên.
Trong khi đó, có những thông tin cho rằng khả năng Trung Quốc sẽ cấp phép cho các sàn giao dịch tiền điện tử và cho phép các sàn này mở cửa trở lại sau lệnh cấm trước đó, khi cuộc bầu cử của Trung Quốc qua đi. Ngoài ra, trong tuần qua tin đồn về việc Amazon sẽ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin đã đẩy giá Bitcoin lên mức kỷ lục.
Giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp cũng như nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày càng chú ý đến Bitcoin khi chứng kiến mức sinh lời khủng khiếp khi đầu tư vào đây trong thời gian qua.
Một cách để đánh giá đối tượng quan tâm bitcoin là xem xét tốc độ tăng trưởng số lượng "ví" mà các nhà đầu tư sử dụng để lưu trữ đồng tiền của mình. Theo đó, số lượng ví được đăng ký trên Blockchain.info đã tăng gần gấp đôi lên 17,5 triệu ví vào tuần rồi so với 9,2 triệu cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, một số quan điểm vẫn cho rằng đồng Bitcoin đang là một quả bong bóng tài sản được bơm phình quá nhanh. Đối với các chính phủ và giới chính trị gia, do không thể quản lý được việc phát hành đồng Bitcoin nên hầu hết đều thể hiện quan điểm tiêu cực với đồng tiền này. Tại cuộc họp ở Sochi gần đây, Tổng thống Nga Putin cho rằng việc sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số sẽ mang lại rủi ro nghiêm trọng, bao gồm tệ nạn rửa tiền, trốn thuế và tài trợ cho khủng bố.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới thì cho rằng "mặc dù Blockchain đang làm điên đảo cả thế giới, nhưng đồng Bitcoin chỉ là một trong những ứng dụng của blockchain. Hơn nữa, blockchain còn bị lợi dụng và sử dụng như mô hình Ponzi, chúng ta cần loại bỏ những sai trái này và bảo vệ blockchain trước những hành động phá hoại."
Chính vì vậy, một số chính phủ đang xem xét đến việc phát hành các đồng tiền kỹ thuật số riêng để cạnh tranh với Bitcoin, kể cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Bà Lagarde, Chủ tịch IMF gần đây phát biểu rằng trong một tương lai gần IMF có thể phát triển Cryptocurrency riêng cho quỹ IMF. Bà gợi ý về "Quyền rút vốn đặc biệt của IMF – SDR" một đơn vị tiền tệ quốc tế do IMF phát hành dưới dạng một tài sản dự trữ quốc tế cũng có thể kết hợp công nghệ tương tự cryptocurrency.
Rõ ràng đồng Bitcoin đang khiến các chính phủ phải đề phòng khi quyền lực phát hành tiền của các ngân hàng trung ương bị đe dọa.
Theo DNSG