Sau động thái NHNN hạ lãi suất USD về 0%, các ngân hàng lại bắt đầu rục rịch tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền phục vụ nhu cầu cuối năm. Bên cạnh đó, các tổ chức này còn đang vay mượn lẫn nhau với chi phí tương đương huy động từ dân cư.
CIEM: Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
Nếu không điều chỉnh tỷ giá Việt Nam đồng, nhập siêu với Trung Quốc có thể tăng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc đối với những hàng hóa do FDI tại Việt Nam cung ứng sẽ phá vỡ thế độc quyền lâu nay của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, dẫn đến người tiêu dùng hưởng lợi.
Kinh tế Trung Quốc suy giảm không phải là vấn đề của tỷ giá
Theo số liệu thống kê mới đây của Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc VCES cho thấy, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong quý II/2015 sụt giảm chưa từng thấy, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 6,8% so với 2013 là 8,9%, năm 2014 là 9,2%. Trong đó, lợi nhuận sản xuất công nghiệp nửa đầu năm giảm 0,7%.
Nguyên nhân của sự suy giảm là do dư thừa sản lượng, giảm cầu bên ngoài, tỷ giá neo vào đồng USD, giá PPI giảm nên lợi nhuận cũng giảm mạnh.
Đầu tư tài sản cố định tiếp tục suy giảm, do nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Đầu tư tài sản nửa đầu năm giảm 11,4% so với 2014 là 16,3% và năm 2013 là 20,1%; năm 2012 là 19,3%. Kể từ năm 2013, mỗi năm đầu tư tài sản cố định suy giảm thực tế 4 điểm phần trăm.
Tình hình xuất nhập khẩu Trung Quốc giảm 6,9%, trong đó, xuất khẩu giảm 0,9%, nhập khẩu giảm 15,5%. Thặng dư đạt 263,3 tỷ USD.
"Cho dù kích thích xuất khẩu thì đóng góp của xuất khẩu ròng cho tăng trưởng cũng không còn lớn", TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc VCES khẳng định.
Theo TS Nguyễn Tú Anh (Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), bên cạnh cách lý giải động thái Trung Quốc phá giá nhân dân tệ trong thời gian qua nhằm giữ tăng trưởng, kích thích xuất khẩu; quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thì nguyên nhân thực sự chính là do REER NDT (tỷ giá hiệu quả thực) đã mạnh lên suốt trong một năm qua.
Tính đến Quý II/2015, đã có hơn 800 tỷ USD đã bị rút khỏi thị trường này. Dự trữ ngoại tệ giảm mạnh, sự tháo chạy của luồng vốn trong bối cảnh cán cân vãng lai vẫn thặng dư. Cụ thể, dự trữ ngoại tệ giảm 12 tháng liên tiếp sau khi đạt đỉnh 3993,2 tỷ USD vào tháng 6/2014. Trong 1 năm qua, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 340 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo TS Tú Anh, phá giá NDT không cải thiện được sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Ngược lại, phá giá quá mạnh có thể tăng gánh nặng nợ nần cho doanh nghiệp Trung Quốc và giảm đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn.
"Tỷ trọng xuất khẩu so với GDP rất thấp, 22,6% trong năm 2014. Sự sụt giảm tốc độ tăng khu vực công nghiệp nói chung và của cả nền kinh tế nói riêng đã xảy ra liên tục trong vòng 3 năm nay và là vấn đề của cơ cấu không phải là vấn đề tỷ giá", TS Tú Anh nhấn mạnh.
Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn?
Đánh giá tác động của Trung Quốc phá giá NDT lên Việt Nam, TS Tú Anh cũng cho hay, tác động này không chỉ là vấn đề tỷ giá mà còn là vấn đề của sự suy giảm tăng trưởng mang tính cơ cấu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng cho rằng điều chỉnh tỷ giá NDT chỉ mang tính kỹ thuật do đó sẽ không có phản ứng đáng kể từ các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Hàn, EU...
Những mặt hàng Việt Nam phụ thuộc mạnh vào thị trường Trung Quốc là hàng nông lâm thủy hải sản, đây là những mặt hàng khó thay thế tại Trung Quốc nên ảnh hưởng của tỷ giá không lớn. Mặt khác, nhóm hàng công nghiệp nhẹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu giảm tại Trung Quốc.
Về tình hình nhập khẩu, 94,5% hàng nhập khẩu Việt Nam từ Trung Quốc là máy móc thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu. Vì vậy, phá giá NDT cho phép nhập hàng này rẻ hơn, giảm chi phí sản xuất, dịch chuyển tổng cung, GDP tăng.
Trước tình trạng lo ngại nhập siêu với Trung Quốc có thể tăng lên nhưng TS Tú Anh cho rằng, sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc đối với những hàng hóa do FDI tại Việt Nam cung ứng sẽ phá vỡ thế độc quyền lâu nay của các FIEs (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), dẫn đến người tiêu dùng hưởng lợi, chẳng hạn như xe máy Trung Quốc.
“Dòng vốn FDI có thể sẽ giảm dần tại Trung Quốc và dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam cần tận dụng thị trường gần gũi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác thị trường này bằng mô hình sản xuất có quy mô lớn, tạo cầu cho hàng hỗ trợ, dần thay thế hàng hỗ trợ từ Trung Quốc. Việt Nam không nên thoát Trung Quốc mà cần khai thác Trung tốt hơn”, TS Tú Anh khẳng định.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)