Sáng nay (2/9 - giờ Việt Nam) dồng USD phục hồi so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt sau khi tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên hôm qua. Hiện 1 USD đổi được 0,8872 EUR; 120,1300 JPY; 0,6534 GBP; 0,9613 CHF…
Phá giá nhân dân tệ: Eurozone và Nhật Bản không có sự phòng bị
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tai chinh)
Chiều hướng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cộng thêm sự yếu đi của đồng nhân dân tệ có thể coi là tác nhân kép gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực xuất khẩu của Eurozone và Nhật Bản.
Phóng viên tại London dẫn đánh giá của tờ Financial Times cho rằng động thái Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC-ngân hàng trung ương) điều chỉnh tỷ giá liên tiếp đồng nhân dân tệ khiến các thị trường mới nổi “chao đảo” và ảnh hưởng tới các đồng tiền được căn cứ để tính giá hàng hàng hóa.
Giới đầu tư lo ngại trước những ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách đối với sức cạnh tranh xuất khẩu, thị trường cổ phiếu cũng như nguy cơ giảm phát.
Đối với các đồng tiền mạnh, mặc dù việc đồng USD mạnh lên có thể là một lý do để Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hoãn tăng lãi suất, song nhiều nhà chiến lược tiền tệ cho rằng kinh tế Mỹ được phòng vệ hiệu quả hơn trước những tác động trực tiếp của việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ.
Trái lại, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bảnkhông có được sự phòng bị như vậy.
Cả hai nền kinh tế này hiện ở các giai đoạn khác nhau trong việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và đều đã gián tiếp đẩy đồng nội tệ xuống mức thấp hơn nhằm tạo động lực cho các nhà xuất khẩu trong nước vốn có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, sự xuống giá mạnh của đồng nhân dân tệ sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, chiều hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cộng thêm sự yếu đi của đồng nhân dân tệ có thể coi là tác nhân kép gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực xuất khẩu của Eurozone và Nhật Bản. Hơn nữa, điều này cũng khiến đồng euro mạnh lên so với đồng USD ngay sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Động thái phá giá đồng nhân dân tệ đang làm gia tăng khả năng ECB phải kéo dài thời gian thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) vốn dự kiến kết thúc vào tháng 9/2016.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc ngân hàng Commerzbank (Đức), những nguy cơ như việc giá dầu ở mức thấp và sự xuống giá của các đồng nội tệ của các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc đã kéo giá hàng hóa nhập khẩu đi xuống, cùng lúc gây sức ép lên lạm phát tại Nhật Bản.
Giới giao dịch tiền tệ ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cũng cho rằng việc các đồng tiền châu Á mất giá sẽ là một thách thức mới cho Thủ tướng Shinzo Abe, trong bối cảnh chính sách kinh tế Abenomics của ông chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, phóng viên tại Singapore dẫn bài phân tích đăng trên báo Liên hợp Buổi sáng ngày 24/8 nhận định Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ là để thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá đồng nội tệ, thay vì nhằm trợ giúp xuất khẩu theo quan điểm của nhiều nhà bình luận nước ngoài.
Bài báo trên cho rằng khi hạ giá đồng nhân dân tệ, Trung Quốc ý thức được nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tiền tệ không có lợi cho Bắc Kinh, cũng như rủi ro tăng gánh nặng nợ cho các doanh nghiệp trong nước bởi nước này hiện nắm giữ các khoản nợ và tài sản nước ngoài rất lớn.
Do đó, khi tuyên bố điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ, Trung Quốc đã thông báo từ nay, tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ được tính sát với tỷ giá của ngày trước đó. Điều này cho thấy việc giảm giá lần này là một động thái hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường nhằm mục tiêu thực hiện cải cách tiền tệ sâu sắc hơn nữa.
Hiện, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ có thể dao động lên xuống trong khoảng 2% xung quanh tỷ giá đã được PBoC công bố trong ngày.
Tuy nhiên, khi tỷ giá thị trường tới ranh giới nguy hiểm, PBoC có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng cách mua hoặc bán dự trữ ngoại hối của họ để ngăn ngừa rủi ro đồng nhân dân tệ "trượt" giá mất kiểm soát./.
(Theo CafeF)