tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TS. Nguyễn Đức Thành: Đã có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ

  • Cập nhật : 15/07/2016

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR công bố chiều nay (14/7) cho thấy kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu đáng lo: tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu, lạm phát có nguy cơ tăng lên, có dấu hiệu nới lỏng. Bên cạnh đó, VEPR cũng cảnh báo, việc huy động vàng có thể sẽ khiến vàng hóa quay trở lại.

ts nguyen duc thanh, vien truong vien nghien cuu kinh te va chinh sach (vepr)

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ

Báo cáo của VEPR cho thấy,  hai quý đầu năm, nhu cầu huy động tăng cao, đẩy tăng trưởng huy động lên mức 8,23% so với cuối năm 2015.

Đặc biệt, khối lượng tiền tệ tăng đáng kể 6 tháng đầu năm nay. Cung tiền (M2)  tăng 8,07% so với cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước.

“Điều này cho thấy những bước đi nới lỏng đầu tiên so với thời gian trước đây”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định.

Minh chứng là, hoạt động trên thị trường mở (OMO) và kênh tín phiếu diễn ra khá sôi nổi trong quý 2. Theo số liệu tổng hợp của BVSC, NHNN đã thực hiện bơm ròng khoảng 32.000 tỷ đồng qua kênh OMO và 25.700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu ra ngoài thị trường.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6,2%, tương đương so với cùng kỳ năm 2015. Chênh lệch huy động – tín dụng vẫn còn, dù đã giảm so với mức trung bình 3,5% trong năm 2015.

Về lạm phát, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguy cơ  lạm phát tăng trở lại vẫn còn rất lớn do giá dầu và hàng hóa cơ bản khác đã thoát khỏi đáy và đang trong xu hướng tăng trở lại. Đáng nói, dù lạm phát có nguy cơ tăng lên nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng không thể đạt được mục tiêu đề ra (6,7%) mà chỉ có thể đạt khoảng 6%.

Với yếu tố lạm phát, TS. Thành cảnh báo, Chính phủ nên thắt chặt bớt chính sách tiền tệ và tài khóa để tránh gây áp lực lên lạm phát, từ đó tạo mầm mống bất ổn.

Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: "Chúng ta đang dẫm vào sai lầm nới lỏng chính sách. Điều này rất nguy hiểm bởi dù nới lỏng nữa cũng không tạo được tăng trưởng được mà lại gây ra bất ổn. Việc nới lỏng trong bối cảnh ngân sách cực kỳ căng thẳng sẽ khiến bất ổn trở lại".  

Nguy cơ vàng hóa quay lại nền kinh tế

Về thị trường tài sản, quý 2/2016 đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể kể trong thị trường vàng.  Nếu như quý 1, giá vàng trong nước chỉ tăng nhẹ và hầu như không chênh lệch với giá vàng thế giới thì đến cuối quý 2, ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất hiện tại và sự kiện Brexit xảy ra, giá vàng trong nước và thế giới đã có những phiên tăng mạnh liên tiếp những ngày gần đây. Theo VEPR, tính đến cuối quý 2, giá vàng trong  nước đã tăng 5,6% so với cuối quý 1/2016 và tăng 6,4% so với cuối năm 2015.

Cũng trong quý 2, vấn đề huy động vàng một lần nữa được đề cập khi Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị với Chính phủ và NHNN thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia với mục đích huy động vàng trong dân. Theo tổ chức này, hiện người dân đang giữ khoảng 500 tấn vàng.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng đã giao cho NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân (bao gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành cảnh báo:  “Chúng tôi cho rằng, bản chất của việc huy động vàng là đi ngược với nguyên tắc kinh tế. Vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiền lưu thông tương tự như tiền. khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu (như trường hợp Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay) sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thưởng hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này cũng đúng với đô la hóa, khi các NHTM đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD”.

Theo VEPR, thời gian qua, NHNN đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống các TCTD. Vì vậy, NHNN cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại sai lầm không cần thiết.

“Không nên có tư duy huy động vàng theo cách đưa vàng trở lại ngân hàng và trả lãi suất”, ông Thành khuyến cáo.

Liên quan đến tỷ giá, VEPR nhận định, tỷ giá khá ổn định thời gian qua và NHNN sẽ thực hiện mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối cũng như đề phòng khả năng Fed tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6. Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm nghiên cứu BIDV, NHNN đã mua ròng khoảng 7 tỷ USD kể từ đầu năm nhằm bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối.


Thùy Liên
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục