"Để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn", ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giải thích một trong những lý do từ chối gần 7.000 tỷ đồng ODA Trung Quốc.
TS. Alan Phạm: Lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5 - 1% vào cuối năm
- Cập nhật : 30/07/2016
TS. Alan Phạm, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, với tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định, cộng với các yếu tố bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định không tăng lãi suất USD, nợ xấu từng bước được giải quyết…, khả năng lãi suất huy động trong 2 quý cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 0,5 - 1%.
Ông đánh giá thế nào về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2016?
Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, lãi suất cũng không có nhiều biến động, kể cả lãi suất trái phiếu chính phủ. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm có giảm, nhưng vẫn ở mức 6,2%, được xem là tương đối tốt. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, cho dù GDP tăng trưởng có phần hơi yếu một chút.
Theo tôi, trong nửa cuối năm nay, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định. Tỷ giá USD chỉ có thể tăng thêm 1 - 2%. Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát tỷ giá tương đối tốt. Lạm phát năm nay khả năng ở mức thấp, kiểm soát ở mức khoảng 4%.
Theo ông, các yếu tố bên ngoài có tác động đến tỷ giá, chứng khoán?
Việc nước Anh rời khởi EU (Brexit) đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Anh và các nước lân cận, trong khi khu vực châu Á sẽ ít bị tác động. Song về thị trường tài chính và mối liên hệ đến tỷ giá thì có lan tỏa. Sau 2 ngày nhóm họp vào giữa tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa quyết định tăng lãi suất. Nhưng thực tế cho thấy, bảng Anh giảm giá mạnh sau Brexit đã tác động tích cực lên USD và USD đã tăng giá mạnh, nên Fed sẽ chưa sớm tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Mặt khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện được đánh giá khá tốt, nên đủ sức để bình ổn tỷ giá VND. Đó cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực lên chứng khoán, bởi tỷ giá ổn định sẽ không tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tưnước ngoài.
Với lãi suất VND thì thế nào, có chịu sức ép nào không, thưa ông?
Hiện tại, thanh khoản của ngân hàng vẫn vững, nên các nhà băng đủ tiền nhàn rỗi để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời mua thêm trái phiếu chính phủ. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện vẫn ở xu hướng giảm. Vì thế, khả năng lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm nếu có tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ, 0,5 - 1%. Chính điều này cũng sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu và bất động sản. Một khi kỳ vọng lãi suất không tăng nhiều thì tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, việc này khó có thể diễn ra ồ ạt, kể cả khi lãi suất không tăng.
Lãi suất khó tăng, vậy liệu nợ xấu có là rào cản đối với tín dụng cuối năm?
Xử lý nợ xấu của Việt Nam đã đi được nửa chặng đường khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã gom được nợ xấu từ các ngân hàng và đang từng bước giải quyết đầu ra. Xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay không còn nhiều vấn đề lo ngại như trước, khi hệ thống ngân hàng đang từng bước được làm sạch và củng cố sức mạnh.
Như vậy, quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu ngành ngân hàng Việt Nam đã hiệu quả?
Các ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả và gây thua lỗ, âm vốn đã được đẩy mạnh tái cơ cấu và từng bước giải quyết khó khăn. Còn lại, những ngân hàng hoạt động hiệu quả đã khắc phục được khó khăn và đang từng bước tăng trưởng ổn định. Cổ phiếu của những ngân hàng này theo chiều hướng tăng, đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết vẫn được xem dẫn dắt thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn, thay vì lướt sóng ngắn hạn.
Nhóm ngân hàng nhỏ, lẻ hiện cũng không còn lúng túng nhiều như trước khi không tăng mạnh lãi suất huy động như trong thời gian qua. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực tài chính, các ngân hàng này cần phải tìm kiếm đối tác, trong đó có cả đối tác nước ngoài, để tăng cường tiềm lực tài chính.
Thùy Vinh
(Theo Báo Đầu Tư)