Bằng việc hạ thấp các rào cản tiếp cận và phát triển, cho phép chào bán các dịch vụ tài chính mới, tăng cường minh bạch hóa, bảo vệ nhà đầu tư trước các nguy cơ như bị trưng thu, bị đối xử phân biệt...chương Dịch vụ tài chính sẽ mang đến những cơ hội kinh doanh mới và có thể dự đoán được cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong khu vực.
Lãi suất: Thận trọng là cần thiết
- Cập nhật : 03/07/2016
(Tai chinh)
Sự quan tâm của cả người dân, DN được lý giải là do hiện nay, cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ hệ thống NH (chiếm từ 75 - 80%) nên nhất cử, nhất động của lãi suất đều được quan tâm.
Gánh nặng trên vai NH
Nếu vào trang Google gõ từ khóa “lãi suất”, chỉ trong 0,55 giây đã cho 609.000 kết quả. Con số này cho thấy sự hấp dẫn của vấn đề này. Sự quan tâm của cả người dân, DN được lý giải là do hiện nay, cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ hệ thống NH (chiếm từ 75 - 80%) nên nhất cử, nhất động của lãi suất đều được quan tâm. Có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức cao so với mặt bằng các nước trên thế giới. Và khi DN Việt Nam cùng cạnh tranh trong một thị trường với các DN của các nước khác, thì có phần khó khăn hơn.
Tuy nhiên theo một chuyên gia NH, thực tế, nếu muốn NH giảm lãi suất cho vay và đưa ra so sánh với một số nước trên thế giới thì cần phải trả lời câu hỏi: ở các nước khác nguồn vốn NH chiếm bao nhiêu phần trăm thị trường vốn, để thấy rằng tại Việt Nam, gánh nặng vốn đang đè nặng trên vai NH. Và thay vì kêu gọi các NH giảm lãi suất cho vay xuống nữa thì cần có sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong việc cơ cấu lại thị trường tài chính.
Trong hơn 5 năm qua, ngành NH đã nỗ lực trong việc giảm lãi suất. Thống kê của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho thấy đến cuối năm 2015 mặt bằng lãi suất chỉ còn bằng 40% lãi suất cho vay của thời điểm năm 2011. Tuy vậy, nhiệm vụ giảm lãi suất đặt ra cho ngành NH vẫn chưa dừng lại.
Đặc biệt, với việc lấy đối tượng DN làm trung tâm, động lực cho tăng trưởng kinh tế, một trong những chỉ đạo của Chính phủ gần đây theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đối với ngành NH, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN...
Sau chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, nhiều NH đã công bố áp trần lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 10%/năm như BIDV, Vietcombank, VietinBank, SHB... Tuy nhiên, có thể nói, việc giảm lãi suất cho vay tùy thuộc vào từng NH.
Theo lãnh đạo một NHTM, nỗ lực của NH là càng giảm nhiều lãi suất để thu hút thêm khách hàng và hỗ trợ các DN. Khi DN bớt được chi phí lãi suất, làm ăn hiệu quả thì khả năng trả nợ NH tốt hơn. Ngoài ra, hiện nay các NH cũng phải cạnh tranh nhau, chứ không còn kinh doanh theo kiểu “một mình một chợ” nên giảm lãi suất luôn được NH đặt ra nếu điều kiện phù hợp.
Lãi suất phụ thuộc nhiều yếu tố
Gần đây có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc đề nghị NH giảm lãi suất cho vay. Người thì bảo có thể giảm được nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ khó giảm. Bình luận về vấn đề này, Ủy viên HĐTV một NHTM lớn cho rằng, hãy nhìn vào bối cảnh vĩ mô hiện nay. Thứ nhất, càng về cuối năm nhu cầu vốn tăng cao và thường thì cầu tăng sẽ rất khó để giảm giá. Thứ hai, từ năm 2015 nền kinh tế hồi phục, các kênh đầu tư khác nổi lên khiến các NH cũng phải cạnh tranh trong việc huy động vốn. Trong khi đó, muốn lãi suất cho vay giảm, thì đương nhiên lãi suất huy động phải giảm trước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - NH cho rằng, lãi suất cho vay giảm được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: lãi suất huy động, khả năng huy động vốn, thanh khoản và diễn biến lạm phát...
Nhiều chuyên gia lo ngại nếu NH phải cạnh tranh với thị trường trái phiếu Chính phủ và diễn biến lạm phát có vẻ tăng hơn năm trước sẽ là áp lực với NH. Còn theo TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống NH. Và để giữ được lãi suất, cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, vẫn có những lạc quan cho rằng, thanh khoản của hệ thống NH có những dấu hiệu tích cực và nếu duy trì được sẽ tạo điều kiện cho giảm lãi suất. Theo như phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thanh khoản của hệ thống NH tháng 5/2016 khá dồi dào. Lãi suất trên thị trường liên NH trong tháng 5 giảm mạnh so với tháng trước.
Còn thông tin mới đây từ NHNN trong tuần giữa tháng 6/2016 lãi suất liên NH đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt còn 1,20%/năm, 1,53%/năm và 2,90%/năm. Hệ thống NH có thanh khoản khá tốt trong thời gian qua là do nguồn cung ổn định, huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, áp lực lên mặt bằng lãi suất trong thời gian tới vẫn đáng kể do nhu cầu tín dụng tăng cao vào các quý cuối năm, đến 20/6 đã tăng 6,2%, trong khi kỳ vọng lạm phát và áp lực tỷ giá lớn hơn vào cuối năm sẽ gây áp lực đáng kể lên lãi suất. Theo thông tin từ NHNN công bố ngày 23/6, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND tương đối ổn định.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm.
Có thể nói NH vẫn đang khá thận trọng với lãi suất và theo các chuyên gia thì điều này không thừa. “Lãi suất cho vay là vấn đề khá nhạy cảm, cần phải phân tích kỹ nhiều yếu tố để đưa ra quyết định. Nếu vội vàng giảm lãi suất, trong khi các yếu tố khác (như nguồn huy động, thanh khoản, lạm phát...) chưa sẵn sàng, có khi chỉ vài tháng lại điều chỉnh tăng lại. Làm như vậy, sẽ lợi bất cập hại” – một chuyên gia phân tích.