Theo nhìn nhận của chuyên gia, khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam sẽ được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại các nước thành viên nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại.
Cân lãi suất doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ?
- Cập nhật : 21/01/2016
(Tai chinh)
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) liên tục tăng từ cuối năm 2015 đến nay, đã tạo cho thị trường này trở nên sôi động hơn hẳn khi nhà đầu tư trở lại với nhu cầu mạnh mẽ hơn.
Bộ Tài chính vừa công bố danh sách 21 thành viên đủ điều kiện tham gia đấu thầu trong năm nay.
Kênh hút vốn NH
Danh sách 21 thành viên được phép tham gia đấu thầu TPCP năm 2016 gồm 4 công ty chứng khoán, còn lại là các NHTM và bảo hiểm. Theo đó, 4 công ty chứng khoán là: Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chứng khoán Vietcombank, Chứng khoán HSC.
Danh sách 15 NH gồm ACB, ANZ Việt Nam, BIDV, SCB, VietinBank, LienvietPostbank, MB, Maritimebank, Sacombank, Techcombank, Vietcombank, TPbank, VIB và VPbank. 2 đơn vị bảo hiểm là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trong danh sách này còn có Công ty TNHH MTV NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Hồi tháng 12-2015, Bộ Tài chính ra dự thảo về nghĩa vụ và quyền lợi của thành viên đấu thầu TPCP năm 2016, theo đó thành viên đấu thầu có nghĩa vụ tham gia tối thiểu 60% số phiên đấu thầu TPCP. Trong kỳ đánh giá từ 1-11-2015 đến 31-10-2016, các thành viên có nghĩa vụ mua TPCP (gồm trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc) với khối lượng tối thiểu gồm: công ty chứng khoán 2.000 tỷ đồng; chi nhánh NH nước ngoài, NH 100% vốn nước ngoài 3.000 tỷ đồng; NHTM nhà nước, NHTMCP, NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài 4.300 tỷ đồng. Trong tổng khối lượng mua TPCP của thành viên phải đảm bảo tối thiểu 50% khối lượng mua có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Khối lượng mua tối thiểu nêu trên bao gồm cả trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc thành viên đấu thầu mua cho khách hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, vốn trên thị trường chủ yếu đến từ 2 kênh tài chính và tài khóa. Tuy nhiên, gánh nặng vốn cho nền kinh tế hiện nay vẫn do NH đảm trách chính, lại phải mua TPCP, trong trăm ngàn tỷ đồng TPCP có đến 85% là của NH. Đây là kênh đầu tư dài hơi, trong khi vốn huy động của NH phần lớn là ngắn hạn, đòi hỏi hệ thống phải cân đối nguồn vốn.
Trong đợt tăng lãi suất huy động đồng loạt của các NH đầu năm 2016, ngoài nguyên nhân do thời điểm cuối năm, một số nhận định còn cho rằng có thể NH cần một lượng vốn bù vào sau khi chảy mạnh vào kênh trái phiếu trong các tháng cuối năm 2015. Trên thực tế, TPCP kỳ hạn 3 năm trở thành tâm điểm của thị trường với tỷ lệ trúng thầu đạt 100% liên tiếp 2 tháng cuối năm.
Trong tuần đầu tiên của năm 2016, NH Phát triển Việt Nam (VDB) gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng cả 4 loại kỳ hạn, đặc biệt tỷ lệ trúng thầu trái phiếu các kỳ hạn ngắn vượt kho bạc nhà nước (KBNN). Cụ thể, VDB huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm (trúng thầu 100%) với lượng đặt thầu gấp 2,3 lần ở mức lãi suất 6,25%/năm, cao hơn 0,49% so với kỳ hạn tương đương của KBNN. VDB cũng huy động thành công 75% trái phiếu kỳ hạn 5 năm (đạt 1.500 tỷ đồng) và 30% trái phiếu kỳ hạn 15 năm (đạt 150 tỷ đồng) ở mức lãi suất không đổi.
Nhân tố đẩy lãi suất?
Sở dĩ thị trường thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư do Chính phủ cho phép phát hành trở lại trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tỷ lệ phát hành không quá 30% tổng giá trị phát hành hàng năm. Với khối lượng phát hành tăng mạnh trong quý cuối năm, mặt bằng lợi suất trái phiếu năm 2015 cao hơn so với năm 2014. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VPBS, lợi suất sẽ tiếp tục tăng, trong đó lợi suất trái phiếu 5 năm đạt 7-7,3% trong năm 2016 so với mức 6,58% cuối năm 2015.
Thời gian gần đây hầu hết NH đều tăng lãi suất huy động để hút vốn. Các NH như Eximbank, Bảo Việt, lãi suất huy động cao nhất lên đến 7,6%/năm đối với kỳ hạn dài. Các NH như NCB, OCB mức lãi suất cao nhất ở 7,5%/năm. Ngoài ra, các NH còn tung ra những chương trình khuyến mại như tặng quà, rút thăm trúng thưởng. Lý giải về việc tăng lãi suất, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng. Thực tế 2015 là năm tín dụng tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn lại thấp hơn khá nhiều so với tín dụng. Hiện tỷ lệ cho vay vốn huy động của các NH đã lên tới 85-95% thay vì chỉ ở mức khoảng 80% như trước đây.
2015 là năm việc huy động TPCP gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ đã phải vay khẩn cấp 30.000 tỷ đồng từ NHNN và hơn 2 tỷ USD trái phiếu của Vietcombank. Bên cạnh đó, Chính phủ còn phải dự tính phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Tuy nhiên, rất may là việc huy động trái phiếu trong những tháng cuối năm được cải thiện nhờ việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm và tăng lợi suất trái phiếu thêm gần 1%. Theo các chuyên gia, việc “đói vốn” của Chính phủ cũng là điều dễ hiểu khi năm 2015 nguồn thu ngân sách từ dầu thô giảm mạnh, trong khi đó vẫn phải chi đầu tư và các sự kiện khác. Do đó Chính phủ đã phải tăng cường phát hành trái phiếu và điều này đã góp phần đẩy lãi suất của thị trường tăng.
Với điều kiện này, nếu không muốn mất tư cách thành viên buộc phải mua trái phiếu, tham gia đấu thầu, do đó thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn. Năm 2016, dự kiến với giá dầu thô ở mức thấp và nhu cầu đầu tư, chi tiêu hiện nay của Chính phủ, nhu cầu phát hành trái phiếu chắc chắn sẽ tiếp tục cao. Điều này cũng đồng nghĩa với TPCP sẽ tiếp tục cạnh tranh lãi suất một cách quyết liệt. Như vậy, TPCP có thể sẽ tiếp tục là một yếu tố đẩy lãi suất thị trường tăng mạnh.