tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vốn, lãi vay cho nông nghiệp không thể cào bằng như địa ốc, dịch vụ…

  • Cập nhật : 31/12/2015

(Tai chinh)

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chính phủ cần xem xét các chính sách về tỷ giá, lãi suất hợp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm phát huy hết khả năng cạnh tranh của ngành...

ong duong ngoc minh tai mot su kien ve nong nghiep do cafef to chuc

Ông Dương Ngọc Minh tại một sự kiện về nông nghiệp do CafeF tổ chức

Năm 2015, ngành nông nghiệp nói riêng và thủy sản nói chung trải qua một năm đầy khó khăn và thách thức. Mặc dù vẫn đạt được tăng trưởng số lượng nhưng giá xuất khẩu giảm hơn 20% đối với mặt hàng thủy sản và 10% với hàng nông sản.

Điều này cho thấy, sự giảm giá trên toàn cầu và sự phá giá đồng tiền của các nước có chung mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…Do đó, năm nay, tuy thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn phát triển và giữ vững thị trường để có được kim ngạch 6,7 tỷ USD, chỉ giảm 14% so với 2014 là 7,9 tỷ USD. Đây là sự nỗ lực, năng động của Bộ Nông nghiệp, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng như người nuôi trồng.

Môi trường kinh doanh trong 2016 được dự báo còn nhiều thách thức hơn do Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại. Vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì và nhà nước cần đưa ra chính sách hỗ trợ như thế nào để giúp họ chiến thắng trong sân chơi hội nhập?

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi nhân dịp đầu năm mới 2016, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói:

Năm 2016, thị trường xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn do chính thức tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN từ 1/1/2016 với dân số hơn 600 triệu dân; thực hiện hàng loạt các hiệp định FTA với châu Âu, Hàn Quốc; Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương-TPP, Liên minh thuế quan...

Ngoài ra, ngày 19/12/2015, vòng đàm phán Doha cũng đã có kết quả, các nước đi đến thống nhất dỡ bỏ trợ cấp nông nghiệp. Điều này sẽ có lợi cho thị trường xuất khẩu vì tới đây, các mặt hàng lương thực, thực phẩm không còn được trợ cấp, giá thành sản xuất dự báo tăng kéo theo giá thực phẩm tăng.

Rõ ràng, cơ hội có nhiều nhưng rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại cũng tăng lên. Bên cạnh đó,  càng hội nhập sâu thì tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm càng cao, muốn cạnh tranh, chúng ta phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đổi mới công nghệ bao gồm thiết bị, cây con giống và quy trình kỹ thuật. Ba yếu tố này, Việt Nam dù là nước sản xuất nông nghiệp nhưng chúng ta chưa đầu tư công nghệ tốt nhất để giảm giá thành nên theo tôi, đây là vấn đề cần phải nhanh chóng khắc phục.

PV: Rõ ràng, càng đi sâu vào hội nhập, các rào cản về kỹ thuật và thương mại sẽ được các nước áp dụng triệt để. Liệu mặt hàng thủy sản Việt Nam có vượt qua thách thức này không thưa ông?

Ông Dương Ngọc Minh: Tôi cho rằng, ngành thủy sản phải có bước chuẩn bị thật kỹ. Thứ nhất, các doanh nghiệp phải thay đổi thiết bị công nghệ để tiết giảm chi phí thì mới có giá thành sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ, bởi chúng ta nói đến hội nhập trong ngành thủy sản thì không chỉ dừng lại ở khâu chế biến mà hội nhập ở đây là cả một chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm.

Muốn đạt được tiêu chí này, chúng ta phải đầu tư và quản lý tốt con giống, thực ăn, vùng nuôi, công nghệ chế biến, tuy nhiên phải thừa nhận hiện nay có ít doanh nghiệp làm được. Do đó, nếu tới đây Mỹ vẫn cứ cứng nhắc yêu cầu các nước phải áp dụng luật nông trại theo tiêu chuẩn BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt) thì liệu Việt Nam được bao nhiêu doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ, sản lượng sẽ là bao nhiêu? Không chỉ với Mỹ, các quốc gia khác cũng có quyền áp đặt rào cản để bảo vệ sản xuất trong nước nên hàng hóa của Việt Nam muốn xuất khẩu được thì phải chấp nhận luật chơi này.

Vượt qua rào cản thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là yếu tố sống còn để giữ vững xuất khẩu. Theo ông, trong năm 2016, ngành thủy sản cần đẩy mạnh xuất khẩu thêm những thị trường nào nữa ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật…?

Đúng, đa dạng thị trường là yếu tố sống còn. Chẳng hạn như con cá tra. Năm 2015, sản lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Asean, Trung Quốc và Ấn Độ tăng khá mạnh. Thị trường Trung Quốc và Ấn Độ có dân số cộng lại gấp 10 lần so với dân số nước Mỹ. Dân số hai quốc gia này tuy đông nhưng thu nhập trung bình và thấp nên mặt bằng giá cá tra Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được. Tôi nghĩ thời gian tới, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào ba thị trường này.

Lao động nghèo làm ra đô la cho người giàu hưởng

Nói về các chính sách tác động đến ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, ông Dương Ngọc Minh bình luận: Năm 2016 tình hình xuất khẩu sẽ khó khăn hơn 2015 nếu đồng tiền Việt Nam tiếp tục giữ giá, trong khi các đồng tiền khác phá giá mạnh. Bên cạnh đó, chi phí 2016 dự báo tăng 10-15% do các chi phí như bảo hiểm xã hội tăng, lương tăng, điện tăng và lãi suất cho vay cao đối với ngành nông nghiệp vẫn như mặt bằng lãi suất của các ngành nghề khác. Ba yếu tố này sẽ đẩy giá thành tăng cao, khiến hàng hóa nông thủy sản không đủ sức cạnh tranh.

Là Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản, ngành có đóng góp và quyết định rất lớn đến việc thu ngoại tệ về cho đất nước, ông có đề nghị gì về chính sách trong năm 2016?

Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề là nếu cứ giữ giá VND trong khi các quốc gia khác liên tục phá giá thì liệu hàng hóa Việt Nam có cạnh tranh được không? Năm 2016 được đánh giá là một năm tiền đề cho hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, giá dầu ở mức thấp, những khó khăn và thuận lợi này nhà nước phải có nghiên cứu, đề ra chiếc lược và tách bạch chính sách ra cho từng ngành. Nhiều năm qua, chính sách vốn, lãi vay…dành cho nông nghiệp chưa được thỏa đáng như dành cho địa ốc, dịch vụ hay công nghiệp.

Tôi cho rằng, tình thế từ năm 2016 sẽ khác, muốn nông nghiệp đủ sức cạnh tranh, nhà nước phải có chính sách đặc thù cho ngành này.

Đầu tiên là phải xem lại mặt bằng lãi suất so với mặt bằng ở trong khu vực và trên thề giới có chung sản phẩm như Việt Nam là bao nhiêu để có thể cạnh tranh. Sau khi đưa ra mức lãi suất phù hợp thì phải xem thời gian cho vay đã phù hợp chưa. Trong lúc này, khi thị trường càng ngày càng đòi hỏi sản phẩm chất lượng, quy trình sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì doanh nghiệp phải được vay vốn trung và dài hạn để đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tạo năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.

Còn về chính sách tỷ giá, thưa ông?

Việc giữ giá VND sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu, hơn nữa, nó còn tạo điều kiện cho nhập siêu tăng, trong đó có mặt hàng xa xỉ phẩm như điện thoại, ô tô, mỹ phẩm…Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục giữ giá tiền đồng, vô hình chung là người lao động nghèo làm trong các nhà máy, xí nghiệp, nông dân sản xuất sản phẩm xuất khẩu…phải chịu tỷ giá và lãi suất bất hợp lý để tạo ra nguồn đô la từ hoạt động xuất khẩu cho người giàu sử dụng mua các mặt hàng không mang tính chất tái tạo sản xuất.

Nói các khác, lao động nghèo đang ngày đêm lao động miệt mài, tạo ra hàng hóa xuất khẩu để có ngoại tệ cho người giàu hưởng lợi mua những mặt hàng xa xỉ phẩm như ô tô, điện thoại di động, rựu bia và các loại mỹ phẩm cao cấp...

Chính phủ cần xem xét chính sách để đáp ứng kịp thời nhằm phát huy hết khả năng cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.

Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương phải có chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển sản phẩm. Ý tôi muốn nói là vấn đề quảng bá sản phẩm ngay tại trong nước chúng ta, thời gian qua cũng làm chưa được chứ đừng nói đến ra nước ngoài.

Cụ thể như con cá tra, đây là một trong những loại thực phẩm tốt nhất trong các mặt hàng thực phẩm có mặt ở  thị trường Việt Nam do loài cá này được quản lý trên quy trình khắc nghiệt. Tuy nhiên, với thị trường trên 90 triệu dân nhưng chưa tới 5% sản lượng được người tiêu dùng trong nước sử dụng do họ chưa am hiểu về con cá tra. Nên chăng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, và các cơ quan truyền thông cần có chương trình quảng bá lâu dài về sản phẩm này để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Ông Dương Ngọc Minh

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục