tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

4 nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2016

  • Cập nhật : 29/12/2015

(Tai chinh)

Sáng 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững; lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp; chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; thị trường tài chính ổn định; công tác quản lý thu-chi NSNN được tăng cường, thu NSNN cả năm ước vượt dự toán.

Bên cạnh đó, huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, đặc biệt là thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể; hoạt động phát triển DN trong nước chuyển biến tích cực.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2016. Theo dự thảo này, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%...

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trong đó, với NHNN, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: “Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả”. Theo đó, NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương: Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Thứ hai, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ ba, tiếp tục có các biện pháp phù hợp nhằm huy động các nguồn lực vàng, ngoại tệ phục vụ phát triển nền kinh tế; tăng cường kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ và vàng trong lãnh thổ; tiếp tục cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ tư, theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.

Về nhiệm vụ tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là NHTM và các TCTD, dự thảo Nghị quyết yêu cầu: NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện đối với các TCTD (bao gồm cả các TCTD yếu kém), trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; từng bước cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro; tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước.

Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các tổ chức tín dụng; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng Việt Nam; kiểm soát và xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.

Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường và nợ xấu đã được mua bởi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình VAMC, đồng thời tăng cường năng lực và nguồn lực cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu so với hiện nay (dưới 3%).

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ ngân hàng, đặc biệt là các văn bản nhằm hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo và phát triển thị trường mua bán nợ. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của NHNN; bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tinh thần của Dự thảo là cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương Đảng của Quốc hội. Nghị quyết sẽ được ban hành sớm ngay từ ngày đầu năm 2016, nhằm triển khai thực hiện đạt kết quả cao trong năm tới.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục