Từ năm 2016, tỉ giá USD/VNĐ liên ngân hàng có thể tăng giảm hằng ngày, người nắm giữ USD sẽ đối mặt với rủi ro thua lỗ
Gửi USD sẽ phải trả phí: Nên hay không?
- Cập nhật : 30/12/2015
(Tai chinh)
Theo ý kiến chuyên gia, vệc NHNN tính tới chuyện thu phí khi dân gửi USD chỉ là giải pháp mang tính tình thế và phải một thời gian nữa mới có thể áp dụng. Chuyên gia cũng hy vọng không cần phải áp dụng biện pháp này khi thị trường đã ổn định.
Vừa qua, lãi suất USD đối với doanh nghiệp gửi đã đưa về 0%/năm và từ ngày 18/12 người dân cũng không còn được hưởng lãi khi mang USD đến gửi ngân hàng.
Sắp tới, theo lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cũng không loại trừ khả năng NHNN áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Tư lệnh ngành cũng cho biết sẽ linh hoạt trong điều hành, khi tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn, NHNN sẽ nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ.
Hiện NHNN đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới một cơ chế điều hành tỷ giá có thể áp dụng trong năm tới trong đó có xây dựng tỷ giá trung tâm và linh hoạt theo ngày.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định đây là một xu thế tất yếu và phù hợp để đối phó với thị trường, đặc biệt năm 2016 được dự báo là năm thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới có nhiều biến động, muốn theo kịp thì Việt Nam cũng cần phải thay đổi.
Chuyên gia cho biết với cơ chế mới, tỷ giá có thể thay đổi hàng ngày, linh hoạt hơn, trong kiểm soát chủ động của NHNN. Hàng ngày, NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm căn cứ vào 3 biến số: Đối chiếu với 1 rổ tiền tệ; Căn cứ cung cầu trên thị trường; Biến số vĩ mô như lạm phát, lượng cung tiền,…
"Theo tôi, cơ chế mới này khoa học và phù hợp hơn. Cơ chế mới của tỷ giá tới đây sẽ linh hoạt hàng ngày, phản ánh thị trường tốt hơn, nhất là khi có những biến động lớn trên thế giới", ông Lực đánh giá.
Để chống đô la hóa sắp tới sẽ tiến tới người dân gửi USD phải trả phí, theo ông Lực, NHNN đang muốn tập trung chuyển đổi quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán; chống đô la hóa để tiến tới trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam. Khi đó, ai có nhu cầu thật mới mua, còn nếu đầu cơ thì nguy cơ thua lỗ, rủi ro rất lớn.
Tuy nhiên việc thu phí vẫn còn đang cân nhắc vì tương lai có thể sẽ ảnh hướng đến kiều hối và tạo ra tình trạng khan hiếm bởi người dân sẽ không gửi và đến lúc cần mua thì lại khan hiếm nguồn cung.
"Tôi vẫn nhấn mạnh, NHNN cần cân nhắc có nên thu phí trong thời gian tới hay không", ông đề xuất.
Ông cũng chỉ ra rằng năm sau cũng vẫn còn rất nhiều áp lực lên tỷ giá. FED có thể tiếp tục tăng lãi suất, kinh tế Mỹ phục hồi kéo theo đồng USD tăng giá đương nhiên cũng có tác động rất mạnh đến VND và cùng với đó là sức ảnh hưởng từ Nhân dân tệ.
Trao đổi thêm với chúng tôi, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết cơ chế điều hành mới sẽ hạn chế yếu tố tâm lý trên thị trường vì tỷ giá trung tâm có thể tăng hoặc giảm hàng ngày. Những người “đánh quả” ngắn hạn sẽ không mặn mà tham gia. Trước đó, họ kỳ vọng vào mức độ điều chỉnh lớn, họ có thể kiếm lời nhiều hơn, theo kiểu "high risk high return" (rủi ro càng nhiều, lợi nhuận càng lớn), nhưng nếu mỗi ngày tăng giảm vài đồng, thị trường đi ngang thì nhiều người sẽ bỏ cuộc.
Ngoài ra, theo ông Độ, việc NHNN tính tới chuyện thu phí khi dân gửi USD chỉ là giải pháp mang tính tình thế và phải một thời gian nữa mới có thể áp dụng khả năng này. Chúng ta hy vọng không cần phải áp dụng biện pháp này khi thị trường đã ổn định.