Dường như là lần đầu tiên liên quan đến bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới, Nghị quyết của Chính phủ đề cập đến việc: “Đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại”.
Điều gì khiến đồng USD mạnh nhất trong 13 năm?
- Cập nhật : 07/01/2016
(Tai chinh)
Theo chuyên gia, “rất bất thường” khi thị trường tài chính quốc tế có một sự khởi đầu năm mới ảm đạm như thế...
Ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2016, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt và đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Tờ Wall Street Journal cho biết, mối lo của giới đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu đã đẩy tỷ giá đồng bạc xanh lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Trong phiên giao dịch ngày 5/1, Wall Street Journal Dollar Index, một thước đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 16 đồng tiền được giao dịch phổ biến, có lúc đạt mức 90,89 điểm, cao nhất kể từ tháng 11/2002.
Năm 2015, đồng tiền của Mỹ tăng giá khoảng 9%.
Việc USD tiếp tục lập đỉnh phản ánh tâm lý lo ngại rủi ro của giới đầu tư toàn cầu. Số liệu thống kê gây thất vọng của ngành sản xuất Trung Quốc làm gia tăng nỗ lo về tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cũng như nhu cầu các loại hàng hóa cơ bản.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và mới nhất là vụ thử bom hydro của Triều Tiên cũng khiến nhiều nhà đầu tư gom các tài sản có độ an toàn cao như USD.
Theo ông Lee Ferridge, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực Bắc Mỹ của State Street Global Markets, “rất bất thường” khi thị trường tài chính quốc tế có một sự khởi đầu năm mới ảm đạm như thế.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đến nay, thị trường tài chính thế giới hầu như năm nào cũng đi lên trong những ngày đầu năm bởi các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm mới.
Nhưng năm nay, hầu hết các nhà đầu tư tỏ ra bi quan ngay từ đầu năm. Điều này thể hiện rõ nét hơn cả qua mức sụt 7% của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên “mở hàng” 2016 hôm 4/1.
“Trong môi trường như hiện nay, ưu tiên vào thời điểm đầu năm là bảo toàn vốn”, ông Ferridge nói.
Tỷ giá Euro/USD vào chiều ngày 6/1 là hơn 1,07 USD/Euro, từ mức gần 1,1 USD/Euro trong phiên đầu năm. Đây cũng là ngưỡng tỷ giá cao nhất của bạc xanh so với đồng tiền chung châu Âu trong vòng hơn 1 tháng qua.
Đồng Yên Nhật là một trong số hiếm hoi những đồng tiền chủ chốt tăng giá so với USD. Ngày 6/1, cặp tỷ giá này là hơn 119 Yên tương đương 1 USD. Ngày 4/1, đồng Yên lần đầu tiên tăng giá qua ngưỡng 120 Yên/USD kể từ tháng 10/2015.
Trong những thời điểm mà giới đầu tư ngại rủi ro, đồng Yên Nhật cũng được xem là một “vịnh tránh bão” hàng đầu.
Mấy phiên vừa qua, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi bị bán tháo và lao dốc mạnh so với đồng USD. Trong phiên ngày 5/1, nhiều đồng tiền trong số này như Rúp Nga, Lira Thổ Nhĩ Kỳ hay Peso Argentina tiếp tục mất giá. Trong đó, đồng Rúp giảm giá 1,2%, còn 73,3 Rúp đổi 1 USD.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng trên đà trượt giá mạnh. Ngày 6/1, tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD giao dịch tại thị trường Hồng Kông đã rớt xuống mức 6,6915 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ quý 4/2010.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa ra mức tỷ giá trung tâm đồng Nhân dân tệ là 6,5314 Nhân dân tệ/USD, thấp nhất kể từ năm 2011. So với ngày 5/1, tỷ giá trung tâm đồng Nhân dân tệ ngày 6/1 giảm 0,22%, mức giảm mạnh hơn so với bình thường trong thời gian gần đây.
Dù Trung Quốc đã có những biện pháp để ngăn sự sụt giảm của thị trường chứng khoán như yêu cầu các quỹ nhà nước mua vào cổ phiếu và Ngân hàng Trung ương bơm tiền vào hệ thống tài chính, các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Sự mất giá liên tục của đồng Nhân dân tệ, đặc biệt là ở thị trường ngoài Trung Quốc đại lục (offshore) là bằng chứng thể hiện rõ điều này.