tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ba ngân hàng lớn sẽ “xông xênh” vốn?

  • Cập nhật : 14/12/2015

(Tai chinh)

Từ năm 2016, ba ngân hàng lớn Vietinbank, BIDV, Vietcombank có thể mở rộng cung vốn khi được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhờ đóng góp hỗ trợ tái cơ cấu.

Một tín hiệu điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 đã được phát đi từNgân hàng Nhà nước (NHNN) là xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộccủa các tổ chức tín dụng (TCTD).

Cụ thể, theo Thông tư số 23, kể từ ngày 28/1/2016, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm ở hai nhóm đối tượng: TCTD bị kiểm soát đặc biệt sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về mức tối thiểu 0% và các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được chỉ định sẽ được giảm tỷ lệ tuỳ từng trường hợp.

Sẽ “giải phóng” hàng tỷ USD

Hiện nay, các TCTD vẫn áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung với tiền gửi bằng VND và USD theo các quyết định của NHNN ban hành từ năm 2009 và không có thay đổi trong suốt 6 năm qua. Trong đó, tiền gửi VND loại không kỳ hạn và dưới 12 tháng hiện có tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3%, loại từ 12 tháng trở lên là 1%.

Tiền gửi ngoại tệ tương ứng có tỷ lệ dự trữ là 8% và 6%. Riêng ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tỷ trọng từ 40% trở lên, tỷ lệ dự trữ sẽ giảm thấp hơn, như Agribank.

Thông tư 23 sẽ có nhiều ý nghĩa với các thành viên đang có quy mô vốn lớn, hoặc chiếm thị phần lớn, như: VietinBank, BIDV, Vietcombank, Eximbank, Sacombank, MB, PVcomBank, SHB… Các ngân hàng 0 đồng cũng sẽ được hưởng lợi từ cơ chế hỗ trợ vốn này, gồm có VNCB, GPBank, OceanBank.

Theo nhận định của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ có ảnh hưởng tới diễn biến lãi suất trong năm 2016. Bởi, bộ ba “ông lớn” Vietinbank, BIDV, Vietcombank hiện nắm khoảng 30% thị phần về tổng huy động vốn và cho vay (tăng trưởng bình quân đạt 16-17% trong 9 tháng đầu năm 2015).

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của 3 ngân hàng ở mức cao, với tiền VNĐ là 3% và tiền USD là 8% (tiền gửi không kỳ hạn, dưới 12 tháng).

Nếu được giảm tỷ lệ dự trữ, Vietinbank, BIDV, Vietcombank sẽ “giải phóng” lượng vốn rất lớn để đưa vào cho vay, tạo thanh khoản cho chính ngân hàng và các tổ chức được hỗ trợ cơ cấu.

VDS ước tính trên số liệu cuối tháng 9/2015, nếu giảm 1% dự trữ thì 3 ngân hàng này sẽ có thêm khoảng 0,2-0,3% lượng tiền bơm vào nền kinh tế. Nhờ đó, chính sách này cũng mang hàm nghĩa nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế vào năm sau.

Đơn cử, báo cáo tài chính đến hết quý III/2015, BIDV đã đạt huy động vốn gần 625.000 tỷ đồng (tăng 21% so với đầu năm). Nếu tỷ lệ dự trữ giảm 1% thì BIDV sẽ lập tức có ngay 6.250 tỷ đồng để bổ sung hoạt động.

Dự kiến, đến cuối năm 2015, nguồn vốn huy động của Vietinbank sẽ đạt 676.000 tỷ đồng (tăng 14%), Vietcombank đạt 424.412 tỷ đồng (tăng 12%), BIDV đạt 701.680 tỷ đồng…

Như vậy, tổng nguồn vốn huy động của 3 ngân hàng sẽ vượt hơn 1.802.092 tỷ đồng. Chỉ cần giảm 1% dự trữ bắt buộc thì lượng vốn được “giải phóng” ra lên tới 18.000 tỷ đồng.

Điều hành lãi suất

Thông tư 23 được cho là một giải pháp hỗ trợ cho chương trình tái cơ cấu hệ thống TCTD (Đề án 254) sắp sửa kết thúc cuối năm nay, chuyển sang giai đoạn hậu “đại phẫu”.

Sau khi đã sáp nhập, loại bỏ những tổ chức yếu kém, sai phạm, hệ thống cần thêm nguồn lực thực sự để tiếp tục vực dậy hoạt động, đẩy mạnh kinh doanh cùng với nỗ lực cải thiện quản trị, “tăng sức đề kháng”…

Ảnh hưởng lớn tới nhóm ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt như DongABank, hay nhóm ngân hàng bị mua lại (VNCB, OceanBank, GPBank). Ngoài việc được các ngân hàng lớn hỗ trợ, bản thân các ngân hàng này cũng cần có tiền để tự xử lý vấn đề nội tại.

Khi được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0%, các ngân hàng yếu sẽ có điều kiện bù đắp thanh khoản thiếu hụt, hoặc bổ sung nguồn lực kinh doanh giữa lúc “túng bí”.

Trong một động thái tương tự, tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải quay lại sử dụng các biện pháp can thiệp truyền thống để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cũng như chặn đà lao dốc của thị trường chính khoán. Cụ thể, hạ lãi suất cho vay 0,25%, xuống còn 4,6% (kỳ hạn 1 năm), giảm lãi suất tiền gửi 0,25%, xuống còn 1,75%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 0,5%, nhằm giúp các ngân hàng bù đắp những lỗ hổng thanh khoản.

Đối với điều hành lãi suất, theo các chuyên gia, lãi suất hiện đã giảm kịch kim và có xu hướng tăng lên trước dự báo lạm phát thấp, đồng USD “nhấp nhổm” tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Do đó, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm ngân hàng gốc quốc doanh và ngân hàng bị mua lại còn mang ý nghĩa định hướng lãi suất thị trường.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục