tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vào TPP, gỗ và dệt may tận dụng tối đa lợi thế để xuất khẩu

  • Cập nhật : 09/10/2015

(Thuong mai)

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức hoàn tất đàm phán, sản xuất da giầy, gỗ, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi. Tuy nhiên, đứng trước thách thức về quy tắc xuất xứ, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm đường cải thiện và đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Dệt may tận dụng triệt để dòng vốn FDI

Quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi được cho là thách thức lớn nhất ngành dệt may đã, đang và sẽ phải đối mặt.  Quy tắc này bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành dệt may cho hay, hiện tại, Việt Nam đang là một trong năm nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với các thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP được ký kết, ngành dệt may sẽ có lợi thế vì thuế suất xuất khẩu giảm dần về 0%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành dệt may cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Theo đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu tới 70-80% từ Trung Quốc và Trung Quốc không thuộc TPP. Sản phẩm sợi Việt Nam chưa đa dạng và chất lượng chưa cao, khâu dệt nhuộm lại yếu nên vải chưa đáp ứng cung cấp cho ngành. Hiện nay, mới chỉ đạt 20-25% là có thể dùng cho ngành may xuất khẩu.

Vậy thì đâu là giải pháp trong thời gian tới cho các doanh nghiệp dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp dệt may phải nắm bắt triệt để cơ hội từ các dòng FDI vào Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Giang, nhằm đi tắt đón đầu TPP, từ năm 2014 đã có nhiều dự án FDI tập trung vào ngành dệt may, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Năm 2013 - 2014 đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đã đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Khi TPP được ký kết, con số đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam sẽ còn tăng.

"Tăng nguồn vốn FDI chính là cơ hội để Việt Nam có điều kiện phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may", ông Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Giang, để đầu tư vào công nghiệp dệt may bền vững, ổn định và phát triển đòi hỏi Chính phủ quy hoạch vùng trọng điểm các khu công nghiệp. Đồng thời, phải có định hướng phát triển nguồn lực của các trường đào tạo các nhà thiết kế thời trang từ đại học, cao đẳng cho các ngành công nghiệp.

Còn đối với doanh nghiệp trong nước, phải chủ động tìm giải pháp, đầu tư mở rộng, giữ thị phần nhất định trong các sản phẩm dệt may, xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước có được hệ thống sản xuất sợi dệt hoàn tất.

Ngành gỗ tìm đường sang Mỹ

Cũng giống như các doanh nghiệp dệt may, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp gỗ là nguồn nguyên liệu. Hơn 80% nguyên liệu đều đang phải nhập khẩu trong khi đó yêu cầu để được ưu đãi về thuế là tỷ lệ nội địa hóa phải đáp ứng từ 55% tổng giá trị trở lên; doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc công ty xuất khẩu đồ gỗ Minh Tiến (Hà Nội) cho hay, công ty Minh Tiến chủ yếu sản xuất các sản phẩm làm gỗ. Nguồn nguyên liệu gỗ được nhập từ Trung Quốc. Sau đó, qua một đơn vị đầu mối, công ty xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU. Trung bình mỗi năm, giá trị xuất khẩu từ 100-150 tỷ USD.

Lo ngại về quy tắc xuất xứ của TPP, ông Quỳnh cho rằng, nếu áp dụng 55% tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi thực tế lượng gỗ Việt Nam cung cấp để sản xuất ra các sản phẩm gỗ không có nhiều, chủ yếu là gỗ thân nhỏ, doanh nghiệp phải nhập đa số từ Trung Quốc, nguồn gỗ phong phú, giá thành rẻ. 

"Nếu cần thiết chúng tôi sẽ thuê tổ tư vấn để trong thời gian tới vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa xuất khẩu", ông Quỳnh khẳng định.

Ngược lại, là một trong những doanh nghiệp kinh doanh gỗ và sản phẩm từ gỗ, ông Nguyễn Văn Hợp, Giám đốc Kim doanh Trung tâm gỗ và đá quý Lục Bình An (Hà Nội) cho hay, 100% nguyên liệu gỗ của Trung tâm này có nguồn gốc xuất xứ ở trong nước. Tuy nhiên, trước đây trung tâm chỉ chuyên cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, xuất khẩu rất ít, chỉ chiếm 5-10% sản lượng tiêu thụ cả năm. 

“Về tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa từ 55% trở lên của TPP thì doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được. TPP được ký kết, thuế suất xuất khẩu giảm là cơ hội tốt cho doanh nghiệp chúng tôi đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi sẽ xem xét và kết nối với các đầu mối nước ngoài để đẩy mạnh tiêu thụ”, ông Hợp hồ hởi nói.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục