Tự vệ chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp ngành thép đỡ khó trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài, sự tồn vong lại phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp
Doanh nghiệp với TPP: Dệt may chờ bùng nổ
- Cập nhật : 07/10/2015
(Thuong mai)
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới đã mở ra. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bước vào cuộc chơi với nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.
Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ TPP, mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, thị phần
Thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các nước thành viên của TPP dự kiến sẽ tăng gấp đôi, riêng thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể tăng lên mức 55 tỉ USD vào năm 2025.
Hưởng lợi nhiều nhất
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng việc kết thúc đàm phán TPP là tin vui đối với ngành dệt may nói riêng và nền kinh tế Việt Nam. Bởi khi tham gia đàm phán hiệp định này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với mặt hàng dệt may và giày dép. Ngành vải sợi - dệt may dự kiến tăng trưởng với tốc độ tới 2 con số nhờ TPP. Khi đó thuế suất trung bình của mặt hàng dệt may vào Mỹ (thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam) ngay lập tức sẽ giảm từ 17,5% về 0%.
Nếu trước đây, doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam chỉ tham gia một phần trong chuỗi, thì nay với TPP, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vốn vào các khâu sợi, dệt, nhuộm... giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia nhiều hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì theo quy định ràng buộc các loại vải và hàng may mặc xuất khẩu phải có nguồn gốc nguyên liệu từ các nước thành viên TPP, khiến rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (các thị trường không thuộc TPP) đã lên kế hoạch đầu tư để đón đầu cơ hội này. Nghiên cứu của Công ty Tư vấn Savills cho thấy việc dệt may thu hút vốn ngoại đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất đóng góp 4,18 tỉ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định về xuất xứ cũng tạo ra thách thức rất lớn cho ngành dệt may khi cả Mỹ, Mexico và Peru đều muốn áp dụng chặt chẽ nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward) đối với các nguyên liệu đầu vào phải được nhập từ nước thành viên của TPP, trong khi hiện Việt Nam nhập tới 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đến thời điểm này, các DN dệt may trong nước còn rất ít thời gian để chuẩn bị, tự chủ về nguồn nguyên phụ liệu nhằm tăng dần tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đầu tư vào.
Phải “chạy” mới kịp!
Theo tìm hiểu, DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may thường theo 2 dạng: Đầu tư khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - vải và sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, cạnh tranh trực tiếp với DN nội địa. Hoặc các DN FDI vào Việt Nam xây dựng nhà máy sợi dệt, nhuộm rồi sản xuất vải, phụ liệu cung cấp cho DN nội địa - từng bước giúp DN trong nước đáp ứng yêu cầu về nguồn cung nguyên phụ liệu. Vấn đề là làm sao DN nội địa kết nối được với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam?
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, ông Ngô Đức Hòa, cho rằng muốn hưởng lợi thuế suất từ TPP, các DN đến lúc cần phải “chạy” thật nhanh và chuẩn bị kỹ lưỡng. Dù quy định của TPP yêu cầu các DN phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chính sách xã hội, lao động, an toàn, sở hữu trí tuệ... nhưng lo lắng nhất vẫn là nguồn nguyên phụ liệu.
Nhiều DN cho rằng chính sách của nhà nước về hỗ trợ ngành dệt may xây vùng nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ đã có nhưng quá trình triển khai quá chậm. Bởi, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, dù kim ngạch xuất khẩu có tăng đều mỗi năm, giá trị thực sự đem về cũng không nhiều.
Tận dụng hiệu quả
Ngày 6-10, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc kết thúc tiến trình đàm phán TPP, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất TPP cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao vào ngày 5-10 thành phố Atlanta - Mỹ”.
Theo ông Bình, cùng với các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)…, việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. “Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả lợi ích của TPP”- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.