tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Các hãng sản xuất lốp xe vẫn trồng cao su dù đang dư thừa cung

  • Cập nhật : 04/11/2015

(Cong nghiep)

Các hãng sản xuất lốp xe thế giới đang tăng cường trồng cao su ở Đông Nam Á, khu vực sản xuất gần 80% cao su thiên nhiên toàn cầu.

 

Nhu cầu cao su thiên nhiên yếu trong khi chi phí lao động tăng đang ảnh hưởng tới thu nhập của các nông trường cao su. Điều này gây lo ngại cho các hãng sản xuất lốp xe, khi mà triển vọng nguồn cung sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai.

Hãng Bridgestone của Nhật Bản có nông trường cao su lớn là Bridgestone Sumatra Rubber Estate ở tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia, ở đó có trên 20.000 người, bao gồm cả công nhân và gia đình của họ, sinh sống trên mảnh đất rộng 180 km2. Nông trường này vốn được thành lập từ năm 1917 bởi hãng lốp xe Goodyear của Mỹ, được Bridgestone mua lại vào năm 2005. Hiện nông trường đáp ứng gần 10% nhu cầu cao su thiên nhiên của hãng.

Ở nông trường, các nhà khoa học của Bridgestone đang làm việc để nâng hiệu quả thu hoạch mủ. Họ đã thay thế những cây cao su già cỗi bằng giống cao sản mới, nhờ đó cải thiện năng suất lên gần gấp đôi so với mức trung bình của Indonesia.

Năm 2012 nông trường đã thành công trong việc giải mã gen để lựa chọn các cây có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt. Mục đích nhằm nâng sản lượng cao su thêm 25% đạt trên 30.000 tấn/năm trong vòng 10 năm tới.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã ảnh hưởng rất lớn tới các thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su, khiến nguồn cung ngày càng dư thừa nhiều. Giá cao su hiện chỉ khoảng 1,32 – 1,40 USD/kg, chỉ bằng 1/3 mức đỉnh cao năm 2011.

Khi giá giảm mạnh, lợi nhuận cũng giảm theo. Vì vậy việc đẩy tăng năng suất trở nên cấp bách.

Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Malaysia là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, nhưng tại các nông trường cao su lớn, vấn đề chi phí nhân lực trở thành gánh nặng, và nhiều nông trường chuyển dần sang trồng cây cọ dầu.

 

Sản lượng cao su thiên nhiên Malaysia ngày nay chỉ bằng gần một nửa thời hoàng kim, nhưng các nông trường cọ dầu lại có lợi nhuận ổn định. Dầu cọ thường được sử dụng để sản xuất xà phòng.

Hiện Thái Lan và Indonesia chiếm một nửa sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, nhưng nhiều nông trường ở đó có thể cũng theo chân Malaysia, chuyển hướng sang những cây trồng có lợi nhuận cao hơn. Tại Indonesia, mức lương tối thiểu đang tăng 10% mỗi năm. Chủ tịch Bridgestone Sumatra Rubber Estate, ông Tadasu Yoshimura cho biết, chi phí lao động ở nông trường đã tăng khoảng 80% trong vòng 5 năm qua.

Sâu bệnh cũng là mối lo lớn đối với các nông trường cao su. Gần đây, bệnh thối rễ trắng đã xảy ra ở một số nông trường cao su tại Indonesia.

Nhưng dù khó khăn, các hãng sản xuất lốp xe vẫn cần nguyên liệu. Do vậy, giống như Bridgestone, Michelin cũng đang trồng cao su ở Indonesia. Hãng sản xuất lốp xe của Pháp này đã tham gia vào một liên doanh với tập đoàn Barito Pacific Group của Indonesia và đống góp 55 triệu USD cổ phần. Hai đối tác này có kế hoạch sản xuất khoảng 80.000 tấn cao su thiên nhiên mỗi năm ở các đảo Sumatra và Borneo của Indonesia.

Các hãng sản xuất lốp xe khác cũng đang tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế. Năm ngoái, hãng Yokohama Rubber của Nhật Bản bắt đầu mua cao su thiên nhiên sản xuất ở Myanmar. Trước đó, họ chỉ mua của Thái Lan và Indonesia, nhưng nay đang cố gắng đa dạng nguồn cung để giảm thiểu rủi ro.

Cũng trong trào lưu này, Sri Trang Angro, hãng sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan, đang vận hành khoảng 30 nhà máy cao su, chủ yếu nằm tại Thái Lan. Tháng này, họ đã mở thêm một cơ sở sản xuất tại Myanmar, với công suất sản xuất 4.800 tấn cao su mỗi năm. Giám đốc điều hành của Sri Trang cho biết sản lượng ở Myanmar đang tăng nhanh.

Hồi tháng 1, công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co thông báo kế hoạch tham gia sản xuất cao su ở Campuchia. Trên diện tích 100 km2, Mitsui & Co sẽ có cả những vườn cây ăn trái và nhà máy chế biến. Nông trường này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017.

Thị trường cao su có thể bấp bênh, song các hãng sản xuất lốp xe vẫn cần phải tự sản xuất một phần nguyên liệu.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục