Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang rất lo lắng cho hầu bao của mình khi thời điểm Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã cận kề.
Tái cơ cấu ngành hóa chất: Đẩy mạnh xuất khẩu lốp ô tô, xe máy
- Cập nhật : 01/10/2015
(Kinh te)
Ngành hóa chất sẽ giảm tỷ trọng nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cao su có giá trị kinh tế cao như lốp radial, lốp ô tô đặc chủng, lốp xe máy không săm, săm lốp xe đạp thể thao, địa hình.
Bộ Công Thương đã có Quyết định số 8989/QĐ-BCT phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành hóa chất Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, 10 lĩnh vực tái cơ cấu thuộc ngành hóa chất bao gồm phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, nguồn điện hóa học, khí công nghiệp, cao su, chất tẩy rửa, sơn - mực in.
Cụ thể, về lĩnh vực phân bón, ngành sẽ đầu tư nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng các loại phân bón hiện có làm tăng giá trị sử dụng, giá trị gia tăng cao đối với các phân đơn, phân hỗn hợp đa lượng, trung lượng, vi lượng. Các loại phân bón chứa các chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cho cây trồng, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cũng sẽ được đầu tư mạnh.
Đối với các cơ sở sản xuất, gia công hóa chất bảo vệ thực vật ưu tiên phát triển sản phẩm dạng gia công mới; phân bố hợp lý ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm và phù hợp với đặc điểm cây trồng, khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, ngành sẽ đầu tư sản xuất một số hoạt chất có hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thân thiện với môi trường như hoạt chất gốc cacbamat, hoạt chất họ azole và dẫn xuất, hoạt chất nhóm pyrethroide, validamycin.
Về hóa dầu, ngành cần đầu tư sản xuất các loại hạt nhựa nguyên sinh, nguyên liệu cao su tổng hợp: nhựa polyethylen (PE), polypropylen (PP), polyvinyl chlorid (PVC), polystyren (PS), acrylbutadien styren (ABS), axit terephthalic (PTA), mono etylen glycol (MEG). Đồng thời, kế hoạch tái cơ cấu sẽ là đầu tư sản xuất một số hóa chất khác, các phụ gia, bán thành phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng như các ngành công nghiệp chế tạo trong cả nước, tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.
Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng vùng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam, đầu tư nhà máy chế biến, chiết tách hóa dược có nguồn gốc từ các loại động, thực vật nhiệt đới, sinh vật biển. Một mặt, ngành hóa chất sẽ tập trung đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm kháng sinh và nguyên liệu để sản xuất thuốc thiết yếu có lợi thế về tài nguyên, như các sản phẩm tách chiết từ dược liệu và bán tổng hợp từ hợp chất thiên nhiên.
Đối với nguồn điện hóa học, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng ắc quy, pin thông dụng. Đồng thời, ngành sẽ đầu tư sản xuất một số loại ắc quy, pin chuyên dụng cao cấp như: Ắc quy kín khí, pin nhiên liệu rắn, pin niken hydro kim loại hoăc pin Ion-Li, pin sạc thế hệ mới dùng trong các thiết bị điện tử cao cấp.
Ngành sẽ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm săm, lốp đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước. Đồng thời, ngành sẽ giảm tỷ trọng nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cao su có giá trị kinh tế cao như lốp radial, lốp ô tô đặc chủng, lốp xe máy không săm, săm lốp xe đạp thể thao, địa hình...
Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), các doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất thuộc tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo các phương án đã được phê duyệt cũng sẽ thực hiện đa dạng hóa sở hữu, thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực và ngành không trực tiếp liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính, hiệu quả đầu tư thấp và không có khả năng tăng trưởng về quy mô theo quy định của Chính phủ. Các đơn vị này sẽ tập trung đầu tư phát triển phòng thí nghiệm phân tích đánh giá hóa chất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)