Đến cuối năm 2016, khi khánh thành 3 bến cảng đầu tiên, Công ty cổ phần thép Nghi Sơn sẽ khởi công xây dựng giai đoạn I, Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Để dệt may – da giày thoát “kiếp gia công”
- Cập nhật : 20/04/2016
(Tin kinh te)
Dệt may và da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, lợi nhuận từ việc xuất khẩu này phần lớn lại không thuộc về doanh nghiệp trong nước mà nằm ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nâng tầm doanh nghiệp Việt để thoát “kiếp gia công”, giúp ngành dệt may, da giày phát triển bền vững, vươn lên vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu là bài toán cấp thiết lúc này; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thực trạng gia công của ngành dệt may, da giày
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 trên 27 tỷ USD, trong đó, kim ngạch ngành may chiếm 85%. Tuy nhiên, 30% doanh nghiệp FDI chiếm 70% doanh số, còn 70% doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30% (trên dưới 8 tỷ USD). Trong số này, 85% doanh nghiệp Việt làm gia công nên kim ngạch thực nhận chỉ trên dưới 2 tỷ USD khi giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm.
Nói cách khác, trong 8 tỷ USD doanh số của doanh nghiệp Việt Nam thì hơn 6 tỷ USD đã rơi vào túi các công ty nước ngoài. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí nhân công và các chi phí đầu vào, hiện nay các doanh nghiệp lãi bình quân khoảng 2%/doanh thu, thế nên, mặc dù kim ngạch ngành may năm 2015 cao, nhưng lợi nhuận thực tế doanh nghiệp thu được rất thấp.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành da giày. Số liệu từ Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy năm 2015, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 14,95 tỷ USD nhưng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 78,6%, doanh nghiệp nội chỉ chiếm hơn 21%.
Theo các doanh nghiệp, muốn có thêm giá trị gia tăng, doanh nghiệp dệt may – da giày phải chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng).
Thế nhưng, việc chuyển đổi này không hề dễ dàng. ODM hay OBM hiện vượt xa năng lực của đa số doanh nghiệp Việt Nam, vốn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về mặt quản trị lẫn vốn đầu tư công nghệ, máy móc. FOB cũng không đơn giản. Ngoài việc Việt Nam chưa hình thành chuỗi liên kết ngành và phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước có thể chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu; thì hầu hết các khách hàng ngành dệt may, da giày là tập đoàn toàn cầu và có liên kết từ khâu thiết kế, nguyên phụ liệu đến xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt sẽ khó mà chen chân.
Khi Việt Nam gia nhập TPP, nhiều nhận định cho rằng dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất nếu tận dụng được các lợi ích từ hiệp định này. Thế nhưng, việc doanh nghiệp có đủ tiềm lực để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ TPP, hay sẽ ngày càng “teo tóp” trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với khối FDI là điều khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Một thực tế là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi hàng loạt doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư mở nhà máy, cạnh tranh trực tiếp với họ về đơn hàng, lao động. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may, da giày cũng là một nút thắt cần tháo gỡ khi tham gia TPP. Khi mà hầu hết các nguyên liệu doanh nghiệp dệt may, da giày đều phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay, rất khó để doanh nghiệp đáp ứng được quy định xuất xứ của TPP và hưởng được thuế suất ưu đãi từ hiệp định này.
Để dệt may và da giày thoát “kiếp gia công”
Nâng tầm doanh nghiệp, chuyển đổi phương thức kinh doanh để vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu là cách để doanh nghiệp dệt may, da giày tồn tại và phát triển bền vững. Đây là giải pháp đã được nhắc đến nhiều lần nhưng đến nay, những thách thức này vẫn chưa được giải quyết, doanh nghiệp vẫn gia công và đang nằm đáy trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những lợi thế từ hội nhập sẽ không còn ý nghĩa nếu như không có những bước tiến đột phá.
Tại hội thảo "TPP với ngành dệt may và da giày: Làm thế nào để tận dụng cơ hội?" diễn ra ngày 24/3 tại TP.HCM, Vitas dự báo, trong 3 năm đầu gia nhập TPP, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ tăng từ 17 – 20% và doanh số năm 2020 dự kiến sẽ đạt mốc 50 tỷ USD hoặc hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được lợi ích từ TPP hay không còn tùy thuộc vào chính sách của Chính phủ cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giải quyết được những khó khăn nội tại của ngành như nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tỷ lệ gia công cao, năng lực cạnh tranh còn yếu… để có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ hiệp định này.
Về vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI được hưởng đủ chính sách ưu đãi của chính phủ đã đầu tư vào lĩnh vực, thế nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn thiếu nguồn cung vì các doanh nghiệp ngoại chỉ cung ứng cho công ty mẹ ở nước ngoài. Để tạo nguồn cung bền vững trong nước, nhà nước cần có những chính sách cần thiết để thu hút nhà đầu tư sản xuất và cung ứng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong ngành cũng cần có sự liên kết bền vững trong chuỗi giá trị.
Tại hội thảo trên, nhiều diễn giả tỏ ra quan ngại trước việc các doanh nghiệp trong nước thay vì liên kết phát triển thì lại tập trung để cạnh tranh lẫn nhau. Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Lefaco cho biết, để tạo thành chuỗi giá trị thì doanh nghiệp phải liên kết theo chiều dọc, tức là tập hợp nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu của ngành về một nơi để cung cấp cho nhà sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại liên kết theo chiều ngang, tập hợp các doanh nghiệp sản xuất cùng một mặt hàng về một nơi, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau.
Theo nhiều doanh nghiệp phản ánh, các doanh nghiệp thường đặt nhà máy gần nhau để tìm cách lôi kéo lao động hoặc thậm chí cạnh tranh về giá để lấy khách hàng của doanh nghiệp khác. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Bộ đang chủ trì biên soạn Dự thảo của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, sẽ có chương về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết ngành. Dự thảo được kỳ vọng sẽ là một giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Về phía doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên trong chuỗi giá trị dệt may – da giày toàn cầu, phải mạnh dạn đầu tư vào máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tiếp thị, đảm nhận được các khâu có giá trị gia tăng cao từ xây dựng thương hiệu, thiết kế, đến tự chủ về nguyên liệu và bán thành phẩm.
Sự chủ động và đầu tư đúng mức sẽ là cách để doanh nghiệp có thể rút ngắn chênh lệch khoảng cách với doanh nghiệp FDI. Ngay lúc này, rất cần những chính sách đúng đắn từ phía Nhà nước và sự chủ động khôn ngoan từ phía các doanh nghiệp.
Mộc Lan
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn