tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành thiết bị y tế: Làm ra bán cho ai?

  • Cập nhật : 18/09/2015

(Cong nghiep)

Hội chợ triển lãm y dược lần thứ 15 diễn ra tại TPHCM hồi trung tuần tháng 8 vừa qua cho thấy ngành thiết bị y tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

mot gian hang tai hoi cho trien lam y duoc lan thu 15 o tphcm. mot so mat hang cua nganh thiet bi y te san xuat trong nuoc con it la mot trong nhung yeu to bat loi cho doanh nghiep viet nam.anh: hoang nhung

Một gian hàng tại Hội chợ triển lãm y dược lần thứ 15 ở TPHCM. Một số mặt hàng của ngành thiết bị y tế sản xuất trong nước còn ít là một trong những yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.Ảnh: HOÀNG NHUNG

Đuối sức cạnh tranh

Triển lãm năm nay thu hút 252 doanh nghiệp của Việt Nam và nước ngoài, với sự tham gia của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, các doanh nghiệp từ Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc có trên 10 gian hàng dược phẩm, doanh nghiệp Hàn Quốc có tới 21 gian hàng. Các công ty Việt Nam tuy tham gia triển lãm nhiều lĩnh vực như thẩm mỹ viện, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, dược phẩm... nhưng số lượng đơn vị tham gia trong từng lĩnh vực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia triển lãm giường, tủ đầu giường, các dụng cụ kềm, kéo, chỉ y khoa.

Theo thống kê, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước tính khoảng 800 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Con số này có thể đạt tới 1,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016. Thị trường được dự kiến có mức độ tăng trưởng bình quân 18%/năm trong giai đoạn 2012-2017.

Bộ Y tế khẳng định 90% thiết bị y tế hiện nay được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Đức. Nhật Bản đang dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu tại Việt Nam với 96 triệu đô la Mỹ năm 2014. Trước đó, năm 2013, Đức chiếm vị trí đầu bảng, sau đó là Mỹ. Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, năm 2013, giá trị nhập khẩu thiết bị y tế của nước ta vào khoảng 385 triệu đô la Mỹ, năm 2014 tăng lên 407 triệu đô la Mỹ.

Liên quan đến việc sử dụng trang thiết bị y tế sản xuất ở trong nước, Bộ Y tế định hướng đến năm 2018, thiết bị trong nước sẽ chiếm 60% các mặt hàng thiết bị y tế. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp nhập khẩu cho biết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ đang sản xuất những mặt hàng như giường, tủ đầu giường, bông, băng, gạc, kim tiêm... Những thiết bị như máy chụp X- quang, siêu âm, đo điện tim... hiện đều là những nhà máy có sự đầu tư của các công ty mẹ ở nước ngoài.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo ông Trương Hùng, Phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế TPHCM, thách thức cạnh tranh trước hết đến từ thị trường láng giềng Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh. Các công ty nhập khẩu thiết bị y tế vào Việt Nam cũng ghi nhận dù hàng Trung Quốc khó có cơ hội tham gia đấu thầu nhưng tình hình nhập khẩu máy móc qua biên giới phía Bắc rất nhiều. Đây cũng là một thị trường rất năng động, trong tương lai có khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dời nhà máy sản xuất thiết bị y tế sang Việt Nam.

Trong một buổi tọa đàm của Hội Thiết bị y tế TPHCM vào ngày 29-8 vừa qua, các thành viên của hội này cho rằng doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhận được sự ủng hộ trong việc đưa thiết bị vào bệnh viện. Tuy Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài chính... để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất thiết bị y tế, nhưng lại thiếu cơ chế mua các sản phẩm này. Có doanh nghiệp sản xuất những thiết bị y tế dùng một lần kêu ca rằng dù được Nhà nước hỗ trợ sản xuất, nhưng công ty phải nhập khẩu nguyên vật liệu chất lượng tốt, giá cao từ châu Âu và Mỹ, cố gắng sản xuất sản phẩm có chất lượng tương đương nước ngoài.

Nhưng đến khi tham gia đấu thầu, hàng trong nước chỉ được chấm thang điểm 15 trong khi hàng nước ngoài được chấm với thang điểm 20-30! Theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần có một cơ chế mua thiết bị y tế “tốt hơn”, tức nâng thang điểm đối với thiết bị sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, tương đương với hàng nước ngoài.

Ngoài ra, theo một lãnh đạo của Công ty Y tế Việt - Hàn (Hà Nội), một trong những lý do khiến các công ty sản xuất trong nước không bán được hàng là vì nhiều dự án đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế đặt ra tiêu chí xuất xứ sản phẩm phải là hàng ngoại nhập! Như vậy, chỉ riêng về điều kiện dự thầu, doanh nghiệp nội địa đã hoàn toàn bị loại khỏi cuộc đấu. Chưa kể khâu kêu gọi nộp hồ sơ mời thầu đến sát ngày đấu thầu mới công bố khiến các doanh nghiệp không kịp chuẩn bị...

Số mặt hàng sản xuất trong nước còn ít cũng là một trong những yếu tố bất lợi trong cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, bởi các gói thầu thường gồm nhiều mặt hàng. Có thông tin cho biết sắp tới, đơn vị mua sắm công của Sở Y tế TPHCM sẽ đưa ra một gói thầu lớn lên tới 130 tỉ đồng với rất nhiều loại thiết bị đa dạng nên nhiều doanh nghiệp sản xuất nội địa cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu không dám tham gia.

Một thách thức lớn nữa là Việt Nam đã hoàn tất việc ký Hiệp định ASEAN về trang thiết bị y tế, do đó, cuối năm nay doanh nghiệp khối ASEAN sẽ được miễn, giảm thuế nhiều trong khi Việt Nam hiện còn chưa dựng hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng trong lĩnh vực y dược. Theo ông Hùng, điều này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước “khó đỡ” trước sự nhập khẩu đa dạng, đa giá của các mặt hàng nước ngoài. Lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu cũng sẽ có nguy cơ tăng thêm vì thị trường này luôn nằm trong tốp 10 xuất hàng sang Việt Nam với những sản phẩm như đèn mổ, dây truyền dịch, giường bệnh..., chưa kể lượng hàng nhập qua đường chính ngạch.

Do vậy, nếu ngành y tế không có cơ chế mua hàng sản xuất trong nước, ngay cả các doanh nghiệp nội địa có năng lực thực sự cũng có nguy cơ lớn thua trên sân nhà. Ông Hùng cho rằng Bộ Y tế nên học kinh nghiệm của Hàn Quốc, có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước khi tham gia vào các hiệp định thương mại.

Nhìn từ Công ty Danameco (Đà Nẵng), công ty này đã và đang trúng thầu tại thị trường Lào và Myanmar, trong khi phải rất vất vả tìm cách lọt vào mắt các tổ chức đấu thầu trong nước. Có ý kiến cho rằng chủ đầu tư các dự án mua sắm thiết bị y tế cần mạnh dạn ủng hộ hàng Việt Nam có chất lượng, đã được cơ quan chức năng trong nước chứng nhận và được thị trường nước ngoài ghi nhận, không nên nặng tâm lý sính ngoại, hắt hủi hàng nội.

Được biết TPHCM đang muốn dùng quỹ ưu đãi tạo cơ chế ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế về đất đai, chi phí sản xuất, thuế... Tuy nhiên, nếu vẫn chưa có cơ chế mua hàng đạt chuẩn thì doanh nghiệp chưa hẳn sẽ vay vốn đầu tư vì họ vẫn chưa nhìn thấy đầu ra.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục