tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tiềm năng của thị trường thiết bị y tế

  • Cập nhật : 14/05/2017

Thị trường thiết bị y tế Việt Nam được nhiều tổ chức đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD vào năm 2018.

Trong những năm gần đây, hệ thống y tế công của Việt Nam đã đánh dấu những bước phát triển tích cực, đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng quá tải. Việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn tại các thành phố trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Ước tính, riêng TP.HCM, từ nay đến năm 2019 sẽ đầu tư khoảng 900 triệu USD để nâng cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện.

do hoa: huy pham

Đồ họa: Huy Phạm

Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân đã phát triển mạnh kể từ khi được phép hoạt động năm 1989. Tính đến năm 2015, đã có 200 bệnh viện tư được thành lập, phục vụ chủ yếu cho tầng lớp trung lưu và là sự lựa chọn lý tưởng cho những cá nhân có thể đáp ứng chi phí khám chữa bệnh cao.

Cùng với sự phát triển của ngành y tế - chăm sóc sức khỏe, thị trường thiết bị y tế của Việt Nam đã phát triển ổn định trong những năm gần đây.

Nghiên cứu của Espicom Business Intelligence (công ty con của hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Business Monitor - BMI) cho hay, giá trị thiết bị y tế trong năm vừa qua của Việt Nam đạt khoảng 837 triệu USD và sẽ tăng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2018.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 90% thiết bị y tế ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Trong đó, 30% tổng giá trị nhập khẩu thiết bị y tế là các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, bao gồm máy cộng hưởng từ MRI, máy chụp CT, thiết bị siêu âm và X-quang. Các quốc gia chính cung cấp thiết bị y tế cho Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đức, chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu thiết bị y tế của Việt Nam.

Với tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn, ngành thiết bị y tế vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều công ty tham gia.

Bằng chứng là tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam Medi-Pharm 2017) được tổ chức từ ngày 10 - 13/5, có sự góp mặt của 410 tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với 500 gian hàng. Đây là triển lãm chuyên ngành y dược có quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Điểm nhấn của Triển lãm là khu chuyên đề Triển lãm về thiết bị hỗ trợ và kỹ thuật chăm sóc sức khỏe (REHAtex Vietnam 2017) với các ngành hàng: thiết bị hỗ trợ di chuyển; thiết bị theo dõi sức khỏe với các loại máy đo đa chức năng, hệ thống y tế thông minh; thiết bị hỗ trợ tại nhà…

Cùng với sự phát triển của ngành y tế - chăm sóc sức khỏe, thị trường thiết bị y tế của Việt Nam đã phát triển ổn định trong những năm gần đây.

Theo nhận định của Hãng tư vấn Ipsos Business Consulting, triển vọng phát triển của ngành thiết bị y tế Việt Nam là rất khả quan dựa trên nhiều yếu tố.

Thứ nhất, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên, cùng với sự gia tăng dân số thuộc nhóm tuổi 60 - 79 sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế trong tương lai.

Thứ hai, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa các cơ sở và thiết bị y tế công ở các tỉnh, thành phố lớn và địa phương để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng quá tải. Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng ngành y tế.

Về khía cạnh sản xuất, Ipsos Business Consulting đánh giá, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, làn sóng các công ty thiết bị y tế đầu tư vào Việt Nam gia tăng đều đặn, điển hình như Terumo, Sonion và United Healthcare đã chuyển nhà máy từ các nước khác về Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Huyền Thanh
Theo Báo Đầu Tư

Trở về

Bài cùng chuyên mục