Yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu bắt buộc từ các nước thành viên TPP đang là bài toán khó đặt ra đối với ngành dệt may Việt Nam. Trong khi khó khăn của ngành thép là những rào cản thương mại đang được các quốc gia sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước.
Doanh nghiệp gỗ gặp khó vì lệ thuộc thị trường Trung Quốc
- Cập nhật : 23/07/2016
Doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu đang lâm cảnh khó khăn, điêu đứng vì giá lao dốc, lệ thuộc quá nhiều thị trường Trung Quốc.
Thống kê của Hiệp hội chế biến dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, nếu như năm 2007, địa phương này chỉ có ba nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu thì đến nay đã lên đến 26 nhà máy với tổng công suất hơn 1,5 triệu tấn mỗi năm.
Thị trường Trung Quốc bấp bênh
Trước thực trạng nhà máy chế biến gỗ dăm xây dựng ồ ạt khắp nơi ở Quảng Ngãi, nguồn gỗ keo không đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất đã dẫn tới tình trạng tranh giành nguyên liệu.
Trung bình mỗi ngày 26 nhà máy cần khoảng 26.000 tấn cây để hoạt động. Tuy nhiên, Quảng Ngãi mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nguyên liệu.
Ông Vi Nhất Trường - Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu lo ngại, lâu nay 80% sản phẩm dăm gỗ lệ thuộc hoàn toàn thị trường Trung Quốc, số ít còn lại xuất sang Nhật Bản.
Tình trạng phát triển "nóng" nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu dẫn đến hệ lụy thiếu nguồn nguyên liệu. Một số nhà máy tranh mua keo non hoặc cây gỗ tạp, xay cả vỏ cây nên chất lượng gỗ dăm xuất khẩu kém chất lượng dẫn đến đối tác Trung Quốc lấy cớ ép giá gây ảnh hưởng chung đến ngành chế biến dăm gỗ tại các tỉnh miền Trung.
"Hiện mỗi tấn dăm gỗ xuất sang Trung Quốc giá 128 USD, giá cả lao dốc thấp hơn 7 USD so với năm ngoái. Chi phí vận chuyển, sản xuất, nhân công ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu tuột dốc khiến nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khốn khó", vị giám đốc nói.
Ông Trường cho hay, hiện một số doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Dung Quất như Mạnh Hùng, Mỹ Yên (công suất mỗi nhà máy hơn 45.000 tấn/năm) thua lỗ kéo dài buộc đóng cửa ngừng hoạt động.
Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần yêu cầu các địa phương, sở ngành cần cân nhắc và hạn chế cấp phép mới cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa thể "giải nhiệt".
Xuất khẩu dăm gỗ giảm mạnh
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong năm tháng đầu 2016 đạt 248 triệu USD giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (5 tháng đầu năm 2015 đạt 430 USD). Nguyên nhân chủ yếu là do giá dăm gỗ đã giảm mạnh trên thị trường thế giới, trong đó các doanh nghiệp quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc.
Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ dịp đầu năm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là do giảm nhu cầu trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc bởi đây đang là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Mặt khác, trong nỗ lực nhằm hạn chế xuất khẩu dăm, Việt Nam đã áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% kể từ đầu năm nay.
Ông Phúc cho rằng, việc áp dụng mức thuế này trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Tìm hướng tránh lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Trước tình hình giá sản phẩm dăm gỗ lao dốc, ông Vi Nhất Trường- giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu đã chuyển hướng một số nhà máy sang chế biến gỗ tinh chế (sản phẩm bàn, ghế) xuất khẩu.
"Dăm gỗ xuất khẩu chủ yếu lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên giá cả bấp bênh, cạnh tranh thu mua nguyên liệu ngày càng khốc liệt. Do vậy chúng tôi đang chuyển hướng mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất bàn, ghế gỗ từ cây rừng trồng lâu năm xuất sang các nước Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu để phát triển bền vững hơn" - ông Trường nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp này phân tích, sản phẩm chế biến gỗ rừng trồng lâu năm như bàn, ghế xuất khẩu đa dạng hóa nguồn đầu ra tránh lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc ít rủi ro, lợi nhuận mang lại ổn định hơn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc phát triển nhà máy chế biến dăm gỗ ồ ạt, thiếu quy hoạch bài bản dễ đẩy doanh nghiệp lâm vào bế tắc, có nguy cơ đóng cửa trong tương lai gần.
Do vậy Chính phủ cần khuyến cáo các địa phương quy hoạch bài bản vùng nguyên liệu, định hướng đầu tư lĩnh vực tinh chế gỗ xuất khẩu (thay vì xuất thô như hiện nay), cơ chế thoáng phát triển dịch vụ cảng biển (logistics) nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp. Nếu "bài toán" này được giải quyết thấu đáo, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam mới thật sự phát triển bền vững.
Theo Zing.vn