Thị trường logistics VN cạnh tranh gay gắt và phần lớn miếng bánh thị phần đã rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp FDI da giầy: “Người khổng lồ” lỗ trăm tỷ
- Cập nhật : 28/11/2015
(Kinh doanh)
Mặc dù chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành da giày, tuy nhiên không ít doanh nghiệp FDI da giày đến từ Đài Loan báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Trong suốt nhiều năm, da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu ngành da giày năm 2014 đạt 10,3 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tuy vậy, một thực tế đang diễn ra là miếng bánh xuất khẩu ngành hàng này phần lớn đang rơi vào tay các doanh nghiệp khối FDI, chủ yếu là các công ty đến từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Có thể kể tới Pouchen- một trong những tập đoàn sản xuất da giày lớn nhất thế giới có tổng doanh thu các công ty con hoạt động tại Việt Nam (Pouyuen, Pou Hung, Pouchen…) đạt trên 30 nghìn tỷ đồng năm 2014, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Khoảng 40% sản phẩm của hãng hiện được gắn mác “made in Vietnam”.
FengTay, một trong những đối thủ lớn của Pouchen cũng thành lập 7 công ty con tại Việt Nam (Đông Phương Đồng Nai, Đông Phương Vũng Tàu, Uy Việt, Donna Standard…) với tổng doanh thu năm 2014 trên 10 nghìn tỷ đồng. Tương tự Pouchen, phần lớn sản lượng của FengTay cũng được sản xuất tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc cũng chiếm lĩnh thị phần khá lớn trong ngành da giày như Tae Kwang Vina (doanh thu 2014 đạt trên 9.700 tỷ đồng), Chang Shin (trên 9.300 tỷ đồng), Hwaseung Vina (hơn 5.000 tỷ đồng)…
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam, các doanh nghiệp FDI da giày còn giúp tạo ra lượng lớn việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như Pouchen hiện sử dụng khoảng 200 nghìn lao động tại Việt Nam; Tae Kwang Vina sử dụng 26 nghìn lao động, với Chang Shin là 24 nghìn lao động….
Lỗ lớn, câu chuyện quen thuộc của khối FDI
Trong bất cứ lĩnh vực nào thì câu chuyện làm ăn tốt, tăng trưởng đều đặn nhưng luôn thua lỗ là câu chuyện rất quen thuộc của các doanh nghiệp FDI. Có thể có những doanh nghiệp khó khăn thực sự, hoặc lỗ do đang ở trong giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp lỗ “bất thường” khiến dư luận không thể không nghĩ đến việc chuyển giá.
Việc thua lỗ trong hoạt động đầu tư kinh doanh cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc thua lỗ một cách bất hợp lý trong nhiều năm, kinh doanh dưới giá vốn, thậm chí âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn quyết bám trụ, mở rộng sản xuất đang đặt ra nhiều dấu hỏi về mục đích hoạt động của các doanh nghiệp FDI này tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, hàng loạt “ông lớn” như Metro, CocaCola, Adidas… đã bị “vạch mặt” chuyển giá sau nhiều năm liên tiếp lỗ lớn và đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp FDI da giày tại Việt Nam hiện đang có phần tương tự với những câu chuyện đã được biết đến trước đó.
Đối với lĩnh vực da giầy, phần lớn những doanh nghiệp FDI top đầu trong ngành như nhóm Pou Chen, Feng Tay Group đều có tổng lợi nhuận lên đến nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc như Tae Kwang Vina Industrial, Hwaseung Vina đều có mức lợi nhuận khả quan.
Ở chiều ngược lại, có hàng chục doanh nghiệp lớn báo lỗ, với mức lỗ lên đến hàng trăm tỷ như Freewell Việt Nam, Giầy Fu Luh, Giày Thông Dụng, Shyang Hung Cheng…
Các công ty này không phải chỉ lỗ trong ngắn hạn mà đã có lịch sử thua lỗ từ nhiều năm trước, thể hiện qua số lỗ lũy kế khổng lồ tính đến thời điểm hiện tại. Freewell, Freetrend Industrial, Ching Luh là những “quán quân” về lỗ, với mức lỗ lũy kế lên đến trên 800 tỷ đồng vào cuối năm 2014.
Lỗ lớn kéo dài những Freetrend Industrial vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy tại Linh Trung- TP.HCM.
Một số doanh nghiệp thậm chí doanh thu còn thấp hơn nhiều so với giá vốn hàng bán thì việc thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Không những vậy, không ít doanh nghiệp FDI còn kinh doanh dưới giá vốn trong nhiều năm liền như trường hợp Annora, Hong Fu (cùng thuộc tập đoàn Hong Fu- Đài Loan), FreeWell….Việc kinh doanh dưới giá vốn thực sự là điểm bất hợp lý và điều này đã được đề cập khá nhiều trong các câu chuyện chuyển giá thời gian gần đây. Tính tới hết năm 2014, các doanh nghiệp kể trên đã lỗ lũy kế lên tới hàng trăm tỷ đồng.