tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam”

  • Cập nhật : 30/11/2015

(Kinh te)

Chính phủ không thể có những ưu đãi bằng cách góp tiền hay bơm vốn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vì có nguy cơ vi phạm các hiệp định quốc tế, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chia sẻ với chúng tôi

 

Thưa ông, chỉ 25 doanh nghiệp logistics đa quốc gia đã chiếm đến 80% thị phần ngành logistics Việt Nam. Tình hình có xấu đi khi Việt Nam hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do?

Ông Trần Thanh Hải: Việc cạnh tranh nước ngoài không chỉ gói gọn trong lĩnh vực logistics mà còn nằm trong rất nhiều các ngành khác. Trong phân khúc vận tải đường biển, Việt Nam chỉ có Vinalines và một số hãng tàu nhỏ.

Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo động lực và sự cạnh tranh dodoanh nghiệp Việt Nam. Sự cạnh tranh có phần chênh lệch khi các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về quy mô, kinh nghiệm và mối quan hệ với các thị trường ngoài Việt Nam.

Nhà nước tuy mở cửa nhưng vẫn có một số sự bảo hộ nhất định cho các ngành dịch vụ; vận chuyển nội địa, đường biển, đường không; kho bãi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên. Tuy nhiên Nhà nước không thể bảo hộ mãi và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm cách để bắt kịp thế giới.

Cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ gì về mặt chính sách để tăng cường sức mạnh nội lực cho doanh nghiệp logistics Việt Nam?

Chúng ta cần một chiến lược tổng thể cho toàn ngành. Có thể nói ngành logistics ở Việt Nam còn khá non trẻ, với nhiều doanh nghiệp còn hoạt động riêng lẻ. Sự ra đời của Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics đánh dấu một sự thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp lẫn Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam không thể có những ưu đãi bằng cách góp tiền hay bơm vốn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vì có nguy cơ vi phạm các hiệp định quốc tế.

Câu chuyện của Vinalines phản ánh vấn đề trình độ quản lý và nhân sự. Chúng ta đang tiến hành thay đổi từng bước bằng cách cổ phần hóa, không chỉ có thể giải quyết vấn đề về vốn, mà còn bổ sung nhân sự quản lý, giám sát độc lập từ bên ngoài.

Tuy nhiên, những thay đổi này chưa rõ ràng, một phần cũng là do Vinalines còn phải gánh thêm di sản từ Vinashin nên Nhà nước muốn tiến hành việc gọi vốn một cách thận trọng.

Về chính sách phát triển ngành logistics nói chung, Chính phủ cần có một đường lối để huy động các thành phần trong xã hội nhằm đào tạo nhân lực, xây dựng các ngành hỗ trợ thông qua một kế hoạch hành động cụ thể.

Liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có sự chuyển dịch sau khi Việt Nam tham gia AEC hay TPP?

Tôi dự đoán sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài lớn đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam sau khi gia nhập AEC hay TPP. Các doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn vào nền kinh tế, trong lĩnh vực xuất khẩu thì chiếm đến 2/3.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình 8 - 10% mỗi năm và khối lượng giao dịch ngày càng tăng. Do đó, nhu cầu cho dịch vụ logistcis như kho bãi, đóng gói, giám định sẽ gia tăng tương ứng. Các doanh nghiệp nước ngoài rất nhạy bén trong chuyện này, ví dụ như Hà Lan, Anh, Đức, Nhật và Hàn Quốc. Đây đều là những nước hiện diện rộng trong ngành và hứa hẹn sẽ mở rộng về quy mô.

Xin cảm ơn ông!

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục